1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bầu Đức nhận “tin không vui” sau tuyên bố tham vọng chinh phục châu Á

(Dân trí) - Bầu Đức công bố mục tiêu đưa Hoàng Anh Gia Lai trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất trái cây tại khu vực châu Á trong giai đoạn 2023-2026, thế nhưng cổ phiếu HAG vẫn bị đưa vào diện cảnh báo vì ý kiến của kiểm toán.


Bầu Đức lạc quan với triển vọng của HAGL sau khi chuyển hướng vào trồng trọt

Bầu Đức lạc quan với triển vọng của HAGL sau khi chuyển hướng vào trồng trọt

Cổ phiếu bị rơi vào diện cảnh báo

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM vừa ra thông báo đưa cổ phiếu Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) vào diện cảnh báo.

Theo đó, cổ phiếu HAG sẽ bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 7/5/2018. Lý do là công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, cổ phiếu thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.

Cụ thể, trên báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc xác định khả năng thu hồi 4.023,9 tỷ đồng các khoản phải thu từ các bên liên quan.

Hiện tại, HAGL đang khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khác từ Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản An Phú và các bên liên quan của công ty này với tổng trị giá 10.570 tỷ đồng, khoản trả trước cho người bán trị giá 28,5 tỷ đồng và khoản phải thu từ cho vay trị giá 47,2 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo đánh giá của HAGL thì tập đoàn này đủ khả năng thu hồi các khoản phải thu, cho vay và lãi vay nói trên. Việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ, HAGL cho rằng, đó là do giới hạn phạm vi, kiểm toán viên không thể kiểm tra được hết và đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi nợ của HAGL.

Kiểm toán viên cũng nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn này, dựa trên yếu tố nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 3.563 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.

HAGL cho biết, công ty đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng đầu tư mạnh vào mảng cây ăn trái và tham gia vào chuỗi giá toàn cầu bằng các kênh xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường lớn, củng cố mảng cao su, thanh lý mảng thủy điện, đàm phán với đối tác để bán dự án Myanmar.

Ngoài ra, HAGL cũng đang xúc tiến nghiệp vụ phát hành chứng khoán để huy động vốn nhằm giải quyết khó khăn về thanh khoản. Công ty cũng đang bàn bạc với các ngân hàng có liên quan để điều chỉnh các điều khoản ràng buộc trong các hợp đồng tín dụng không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

Mục tiêu dẫn đầu châu Á về sản xuất trái cây

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) mới đây trong báo cáo thường niên năm 2017 của HAGL đã cho biết, từ năm 2016, HAGL đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh, với lĩnh vực cốt lõi là ngành trồng trọt, trọng tâm là sản xuất trái cây để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đánh giá của ông, đây là ngành có quy mô thị trường tiêu thụ lớn, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian thu hoạch nhanh, hiệu quả kinh tế trên diện tích khai thác cao.

Với lợi thế về quỹ đất rộng lớn và cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, HAGL đã mở rộng có chọn lọc trên diện tích chưa khai thác để trồng cây ăn trái. Một số loại cây tiêu biểu như chanh dây, chuối, ớt và thanh long đã được thu hoạch trong năm 2017, mang lại doanh thu 1.612 tỷ đồng, đóng góp 33,3% tổng doanh thu của tập đoàn này. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây ăn trái của HAGL là Trung Quốc, Thái Lan và một phần là thị trường nội địa.

Nhờ đó, HAGL đạt doanh thu 4.841 tỷ đồng trong năm 2017 và có lãi sau thuế 372 tỷ đồng so với mức lỗ kỷ lục gần 2.200 tỷ đồng năm 2016.

Đáng chú ý, trong báo cáo này, bầu Đức đưa ra thông điệp, HAGL đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất trái cây tại khu vực châu Á trong giai đoạn 2023-2026. Tập đoàn này sẽ mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, chọn lọc danh mục các sản phẩm hiệu quả, kiện toàn cơ chế quản trị và bộ máy quản lý.

Trước mắt, trong năm 2018, HAGL vẫn kiên trì triển khai chiến lược đã đặt ra. Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất là nâng diện tích cây ăn trái để nâng doanh số đảm bảo hoạt động trái cây có lãi.

Bích Diệp

Bầu Đức nhận “tin không vui” sau tuyên bố tham vọng chinh phục châu Á - 2