Thí sinh đừng để bị mê hoặc bởi tên nghề hoành tráng
(Dân trí) - Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà: “Thị trường lao động rất quan trọng nhưng chỉ là yếu tố thứ ba. Học sinh chỉ biết tên nghề, chứ không biết nghề đó như thế nào, đừng để bị mê hoặc bởi tên nghề hoành tráng”.
Nhiều thí sinh hiện nay vẫn loay hoay trong việc chọn ngành học, vì chọn ngành học nào phù hợp với bản thân, chọn ngành học nào cho khỏi thất nghiệp?... Trong ngày hội tuyển sinh tại Hà Nội, PV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam về vấn đề này.
Thưa tiến sĩ, thí sinh thường vướng mắc gì trong việc chọn ngành học?
Các em khó khăn trong quyết định lựa chọn nghề nghiệp bởi cơ hội đỗ của thí sinh càng ngày càng cao. Cơ hội lựa chọn càng cao dẫn đến xác suất lựa chọn sai nhiều.
Tuy nhiên, có vấn đề đặc trưng là các em hay có suy nghĩ đóng đinh vào một ngành nghề cụ thể để hỏi, khi các em mở rộng ra lĩnh vực chuyên môn để từ đó có sự lựa chọn thì cho thấy kỹ năng lựa chọn rất yếu, dẫn đến sự lựa chọn sai.
Vậy để có sự lựa chọn ngành nghề đúng, các em cần chú ý tới những đặc điểm gì thưa ông?
Để có sự lựa chọn đúng, các em cần chú ý tới sở trường và khả năng của mình. Do đó, điều đầu tiên thí sinh phải xác định được lĩnh vực nghề nghiệp, xác định trường mình đăng ký, khi xác định được rồi, có thể yên tâm và chắc chắn rằng xác xuất trúng sẽ cao. Nếu các em không xác định rõ ràng, dao động dẫn đến quyết định của mình vội vàng, không có sự chính xác.
Bên cạnh đó, các em đã lựa chọn ngành học để đăng ký rồi thì phải chấp nhận. Việc cứ rút ra rút vào dẫn đến dễ bị dao động.
Khi chọn trường, các em nên căn cứ vào uy tín, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, điểm chuẩn của trường đó... thì nộp hồ sơ. Nếu trượt thì vẫn có sự lựa chọn tiếp theo, không nên quá lo lắng.
Tâm lý của thí sinh thường hay chọn những ngành “hót”, xu hướng chọn ngành học của các em năm nay thế nào thưa ông?
Trước đây các em rất hay hỏi về 1 số ngành hot như kinh tế, thương mại, tài chính nhưng năm nay dàn đều. Các em quan tâm đến việc lựa chọn giữa việc theo nghề truyền thống gia đình hay sở thích cá nhân. Các em đã biết quan tâm nhiều hơn đến công việc cụ thể.
Tuy đã có sự mở rộng nhưng các em vẫn đóng đinh vào một số ngành nghề, lĩnh vực mà các em biết, còn thực tế có hàng trăm các trường trong lĩnh vực đó mà các em chưa tìm hiểu. Ví dụ bác sĩ có nhiều chuyên môn khác nhau thì các em lại không biết hay về nghề quản trị thì có nhiều loại quản trị, các em đã có tìm hiểu nhưng sự tìm hiểu đó mới có mức độ, chưa thật sâu.
Nhiều thí sinh vẫn loay hoay trong việc chọn nghề
Như vậy, công tác hướng nghiệp ở trong các nhà trường chưa được quan tâm đúng mức?
Thông tin hiện nay nhiều nhưng công tác hướng nghiệp trong nhà trường chưa được chú trọng lắm. Giờ học hướng nghiệp không có tính thực tế nên không thu hút học sinh hoặc có trường hợp học sinh bị bội thực thông tin.
Hàng năm, các trường đại học đến giới thiệu tuyển sinh rất nhiều với các em học sinh lớp 12. Tuy nhiên, các trường chỉ giới thiệu những điểm mạnh của trường làm cho học sinh bị hướng theo những lĩnh vực đó mà không tìm hiểu những lĩnh vực khác.
Đối với học sinh hay cha mẹ, mục tiêu quan trọng nhất là đỗ chứ không phải chọn nghề. Cha mẹ không đầu tư giúp con hiểu biết về nghề nghiệp, những lĩnh vực liên quan mà chỉ đầu tư cho học tập.
Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa học sinh Hà Nội và học sinh Sài Gòn. Học sinh Hà Nội lãng mạn, mơ mộng trong việc chọn nghề. Trong khi học sinh miền Nam biết rõ mình sẽ làm những gì ngay từ khi lớp 10, tức là học sinh đã hiểu rất rõ bản thân và bây giờ chỉ quyết định như thế nào cho tốt thôi.
Vậy các gia đình phải làm gì để tư vấn cho các em chọn đúng ngành học theo sở trường?
Bây giờ phần lớn các gia đình đã có sự lựa chọn nghề cho con em mình nhưng điều quan trọng vẫn phải xác định được tính cách và môi trường làm việc của con em mình là gì, có phù hợp hay không. Trên cơ sở đó tìm hiểu lĩnh vực nghề nghiệp mà con em mình có sở trường, từ đó định hướng công việc chứ đừng nhìn vào thị trường lao động.
Thị trường lao động rất quan trọng nhưng chỉ là yếu tố thứ ba. Học sinh chỉ biết tên nghề, chứ không biết nghề đó như thế nào, đừng để bị mê hoặc bởi tên nghề hoành tráng.
Ông có lời khuyên gì với các sĩ tử năm 2016 này?
Các em nên bỏ qua những sở thích mang tính cá nhân, chọn công việc mình thích làm, làm tốt và thấy hạnh phúc chứ đừng nghĩ cứ học đại học là tốt.
Nên chọn ngành có tính chất chuyên môn gần nhau, đừng chọn ngành điểm cao và điểm thấp. Chọn ngành liên quan đến khả năng của mình mới thành công.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh (ghi)
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)