Ngành Khoa học máy tính học thế nào? Cơ hội việc làm ra sao?
(Dân trí) - Em năm nay dự định học ngành máy tính trường ĐH Công nghệ - ĐH QGHN. Em muốn hỏi, ngành khoa học máy tính học như thế nào? Đào tạo chất lượng cao có gì khác biệt? Cơ hội việc làm của ngành học này có tốt không? (Học sinh Nguyễn Thành Trung – Hà Nội)
PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin ĐH Công nghệ - ĐH QGHN trả lời:
Năm 2016, tổng chỉ tiêu của trường là 840 chỉ tiêu, trong đó chương trình đào tạo chất lượng cao KHMT tuyển 60 chỉ tiêu, xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) và ngoại ngữ (tiếng Anh) do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hoặc tổ hợp các môn thi THPT quốc gia (Toán, Lý, Anh).
Đối với các chương trình chất lượng cao, ngoài bài thi ĐGNL, thí sinh phải dự thi thêm bài thi môn tiếng Anh. Thời gian xét tuyển (dự kiến) cuối tháng 7/2016.
Chương trình cử nhân khoa học máy tính chất lượng cao là chương trình chuẩn quốc tế, 50% các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây là chương trình đào tạo chính quy đáp ứng các tiêu chí và điều kiện quy định về đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo. Mức thu học phí tương đương khoảng 30 triệu đồng/năm".
Tuy nhiên, nếu khả năng tiếng Anh của thí sinh chưa tốt thì thí sinh cũng không cần phải quá lo lắng. Đầu khóa học, Nhà trường sẽ tổ chức đánh giá phân loại trình độ Tiếng Anh cho từng sinh viên. Đối với những sinh viên có trình độ Tiếng Anh chưa đạt chuẩn 5,5 IELTS, trước khi học chuyên môn phải học tiếng Anh tăng cường tập trung theo trình độ và được tổ chức trong năm học thứ nhất.
Quá trình tổ chức giảng dạy các học phần được chia thành các nhóm nhỏ đảm bảo không quá: 30 sinh viên/nhóm khi làm bài tập, thảo luận; 15 sinh viên/nhóm thực hành; 15 sinh viên/nhóm học Tiếng Anh.
Hiện nay, thất nghiệp không còn là vấn đề riêng của Việt Nam mà đã trở thành vấn đề chung cả thế giới. Do nền tốc độ phát triển kinh tế chậm lại và sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ thông tin, nên có một số ngành nghề đang mất dần lợi thế dẫn đến thất nghiệp. Vì vậy, việc gắn liền đào tạo với doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết.
Một trong những mục tiêu của Trường ĐH Công nghệ là phấn đấu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu về khoa học ứng dụng và công nghệ cao.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên được tiếp xúc, thăm quan, thực tập và ưu tiên xét tuyển dụng tại các công ty phần mềm lớn là đối tác của Khoa CNTT và Trường ĐHCN như FPT, Samsung, Toshiba, Viettel-ICT, VNPT Technology, SmartOSC, NTT Data Vietnam, Rikkei, Harvey Nash…
Để tăng cường các kỹ năng giúp sinh viên tự tin làm việc sau khi ra trường, Nhà trường còn tổ chức cho sinh viên tham gia thực hành thực tập tại các doanh nghiệp, công ty, tham gia các khóa học trường hè, thực hiện các tiểu dự án trong chương trình đào tạo kỹ năng bổ trợ… trong ba học kỳ hè.
Thông tin chi tiết, thí sinh có thể tham khảo tại website của trường (http://www2.uet.vnu.edu.vn/ts2) hoặc có thể tới tham quan cơ sở đào tạo mà mình đang muốn theo học để được tư vấn cụ thể hơn.
Hồng Hạnh (ghi)