Học sinh thích thú với giờ thực hành môn Văn học tại Cổ Loa
(Dân trí) - Không ngồi trong lớp để ê a học thơ: “Trước đá Mị Châu” mà thay vào đó, học sinh đến di tích Cổ Loa trải nghiệm thiết kế - trình diễn thời trang Âu Lạc; bắn nỏ; theo dấu lông ngỗng; xếp bản đồ tổ quốc...
Đó là giờ học trải nghiệm thực hành Văn của học sinh trường THPT Đào Duy Từ - Hà Nội tại khu di tích Cổ Loa (đền thờ An Dương Vương, Am thờ Mị Châu, giếng Trọng Thuỷ)...
Không ai trong chúng ta xa lạ với truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ. Hơn nữa chúng ta đều đã từng học tại trường/lớp về câu chuyện giữ nước – mất nước đau thương này. Nhưng chúng ta đã học truyền thuyết theo cách nào?
Thật xúc động khi các trò được giáo viên dẫn đến từng điểm di tích, kể những giai thoại, đọc những bài thơ về pho tượng đá không đầu Mị Châu, giếng nước đong đầy nước mắt của Trọng Thuỷ
“Có những lỗi lầm phải trả bằng cả một kiếp người
Nhưng lỗi lầm em lại phải trả bằng màu toàn dân tộc
Máu vẫn thấm qua từng trang tập đọc
Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay”
(“Trước đá Mị Châu” – Trần Đăng Khoa)
Học sinh tập trung ghi chép học ngoại khoá
Học sinh sự hứng khởi khi tham gia phần thi “Hiểu biết văn hoá – văn học”; thiết kế - trình diễn thời trang Âu Lạc; bắn nỏ; theo dấu lông ngỗng; xếp bản đồ tổ quốc...
Thiết kế thời trang Âu Lạc
Học sinh thi bắn nỏ
Học sinh thi “Theo dấu lông ngỗng”
Tập thể các lớp tạo hình chữ “S” – bản đồ đất nước
Tất cả các hoạt động trên diễn ra trong khoảng thời gian ba tiếng tại quần thể khu di tích Cổ Loa, được tổ chức chuyên nghiệp bởi chính các thầy/cô giáo tổ Ngữ văn của nhà trường.
Buổi học này là sự vất vả với thầy/cô nhưng là sự yêu thích với học trò. Trên đường trở về Hà Nội, nhiều học trò trên xe luôn hỏi cô giáo: “Cô ơi, khi nào có buổi học tiếp theo như thế này nữa ạ?...”
Cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng – Tổ trưởng Ngữ văn cho biết, nhà trường luôn tạo điều kiện mọi mặt cho thầy/cô trong tổ đổi mới thiết kế bài học với mục đích truyền cảm hứng học tập, sáng tạo cho học trò.
Mỗi khối sẽ có những chương trình ngoại khoá riêng, tập trung vào khối 10, 11 như: Diễn xướng Văn học dân gian, Trải nghiệm truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ (khối 10) ... ; sân khấu hoá tác phẩm văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, Thuyết trình “Cuốn sách của tôi” (khối 11)... Mỗi chương trình đều đòi hỏi sự chuẩn bị dày công trong vòng 4 – 6 tuần.
Từ chuyến đi trải nghiệm học tập trên, giá như mỗi bài học giảng môn văn đều có thể thiết kế theo hướng đi từ văn hoá – lịch sử đến tác phẩm; từ trang sách đến thực tiễn thì liệu học sinh có còn “sợ văn”? và nếu như những bài giảng văn trong Sách giáo khoa có thể ít hơn về số lượng để tiết dạy của thầy/cô tập trung vào chất lượng thì hiệu quả học văn sẽ thay đổi ra sao?...
Bằng Duy