Thanh Hóa:

"Giật mình" với con số gần 25.000 sinh viên ra trường thất nghiệp

(Dân trí) - Hàng năm ở Thanh Hóa, trung bình có tới hơn 20.000 thí sinh thi đỗ vào các trường đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ), Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thế nhưng, Thanh Hóa hiện là tỉnh đứng đầu cả nước về số sinh viên (SV) thất nghiệp sau khi ra trường.

Chỉ tiêu tuyển sinh vô tội vạ

Những năm gần đây, các trường tư thục hệ ĐH, CĐ, TCCN đua nhau “mọc lên” như nấm. Không những thế, tại các trường, số ngành cũng mở thêm dẫn đến việc chỉ tiêu tuyển sinh diễn ra một cách ồ ạt mà không tính đến vấn đề đầu ra, giải quyết việc làm cho SV sau khi ra trường, nên đã dẫn đến một hệ lụy đáng buồn, với không ít SV ra trường với tấm bằng loại khá, giỏi vẫn không có việc làm.

Riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tới 16 trường ĐH, CĐ, TCCN hệ chính quy và tư thục. Mỗi năm có hàng ngàn SV tại các trường này thất nghiệp sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, năm nào các trường cũng tuyển sinh mỗi ngành lên đến hàng trăm SV, thậm chí có ngành lên đến cả ngàn SV.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/2/2013, toàn tỉnh Thanh Hóa có 24.956 HS-SV đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Trong đó trình độ trên ĐH có 45 học viên, ĐH có 5.674 SV, CĐ có 6.845 SV, TCCN có 6.003 SV, còn lại là CĐ nghề và trung cấp nghề.

Các ngành có số SV thất nghiệp nhiều nhất phải nói đến là ngành Sư phạm với 3.762 SV, tiếp đó là ngành Công nghệ Thông tin với 3.650 SV cho đến các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, nông lâm - ngư nghiệp… SV thất nghiệp phần đông ở các vùng quê như Hoằng Hóa có tới 2.815 SV (trong đó ĐH: 456 SV, CĐ: 721 SV, TCCN: 600 SV còn lại CĐ nghề và TC nghề); Hậu Lộc có 2.108 (ĐH: 541, CĐ: 694, TCCN: 344, số còn lại thuộc CĐ nghề, TC nghề). Các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Quan Sơn… mỗi huyện cũng có trên một nghìn SV thất nghiệp.

Trong khi toàn tỉnh Thanh Hóa có 24.956 SV ra trường chưa có việc làm thì hiện tại số SV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN tính đến tháng 6/2012 cũng với con số không nhỏ: 44.023 SV. Trong đó ĐH chính quy: 19.205; liên thông: 4.020; ĐH, CĐ vừa làm, vừa học: 6.617; TCCN chính quy: 14.050; vừa làm vừa học: 1.988…

Ngoài ra, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 1.917 HS tham gia diện học cử tuyển, số SV đã tốt nghiệp ra trường là 1.259 SV, tuy nhiên chỉ có 534 SV đã có việc làm, số còn lại hiện vẫn còn thất nghiệp.

Vừa qua, ngành Thuế Thanh Hóa chỉ lấy 54 chỉ tiêu thế nhưng có tới hơn một nghìn hồ sơ đủ điều kiện dự thi trong đó có hàng trăm tấm bằng loại Giỏi.

 Bảng thống kê mới nhất về số HSSV thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
 Bảng thống kê mới nhất về số HS, SV thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ở Thanh Hóa.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Long - Phó Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến số SV thất nghiệp nhiều như hiện nay là do việc đào tạo SV bây giờ mở rộng rất lớn, khoảng 20 năm trở lại đây có hàng trăm trường ĐH, CĐ, TC từ chính quy cho đến tư thục được mở ra. Việc xác định chỉ tiêu lại do các trường tự quyết định trên cơ sở số lượng giáo viên trong trường chứ không do Bộ quy định và hạn chế dẫn đến tình trạng tuyển sinh tràn lan, ồ ạt. Ngoài ra còn sinh ra loại vừa học vừa làm khiến số lượng SV ngày càng lớn trong khi đó nhu cầu tuyển dụng ít do những năm gần đây các cơ quan nhà nước đã ổn định, nhiều doanh nghiệp “chết”. Nhiều ngành nghề đào tạo ra không phù hợp với xã hội khiến không ít SV tốt nghiệp loại Giỏi vẫn thất nghiệp”.

“Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây, trung bình mỗi năm có đến hơn 20.000 HS trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Tuyển sinh quá ồ ạt kéo theo chất lượng đương nhiên sẽ giảm khiến cho số lượng SV thất nghiệp mỗi năm càng tăng lên đáng kể. Điều đau lòng nhất đối với ngành giáo dục là do thừa quá nhiều khiến những năm gần đây học sinh không dám đăng ký thi sư phạm dẫn đến việc chúng ta bỏ qua nhiều học sinh có trình độ giỏi”, ông Long nhấn mạnh.

Ngành lao động không nắm được?

Để tìm hiểu về con số cụ thể SV đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định, chúng tôi đã đến liên hệ với Phòng Việc làm - An toàn lao động, thuộc Sở LĐ - TB & XH tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng cho hay: “Phòng tôi chỉ có chức năng quản lý chung về lao động chứ không phân ra từng nhóm nên không có số liệu cụ thể số HS-SV đã có việc làm sau khi tốt nghiệp. Cái này các anh chị qua bên Sở Giáo dục họ mới có thống kê cụ thể về việc này”.

Tuy nhiên theo ông Long, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT thì Sở GD chỉ thống kê số SV đang theo học cũng như số SV thất nghiệp còn số SV hiện có việc làm thì bên Sở LĐ -TBXH quản lý.

Nhưng đem vấn đề trên trao đổi với ông Lê Đình Tùng, thì ông Tùng cho hay: “Hằng năm cứ cuối năm thì chỉ khoảng được 20 huyện báo cáo. Bất cập cho ngành lao động là hầu hết cán bộ đều không học ngành lao động ra nên ngay việc báo cáo về chỉ tiêu, khái niệm thế nào là lao động, họ cũng không nắm được”.
 
Dù ra trường đã hai năm nay nhưng Lê Thị Huyền, quê ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tốt nghiệp Học viện Ngân hàng với tấm bằng loại Khá nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được cho mình một công việc phù hợp với ngành học.
 
Huyền tâm sự: “Khi thi vào ngành này, mình cứ nghĩ nếu không xin được vào ngân hàng nhà nước thì có thể xin vào tư nhân. Nhưng thật sự không đơn giản khi xin việc vào các ngân hàng. Mỗi đợt tuyển dụng có hàng trăm hồ sơ được nộp vào nhưng chỉ lấy vài chỉ tiêu nên 2 năm đằng đẵng đi thi vào các ngân hàng mà mình vẫn chưa được vào. Hiện tại mình vẫn tạm thời làm thu ngân cho một quầy hàng ăn”.
 
“Không riêng gì mình mà có rất nhiều bạn cùng học với mình giờ có người đi bán xăng, có người làm thu ngân, thêu tranh… Trong khi đó khoản nợ tiền vay sinh viên tụi mình vẫn chưa có trả”, Huyền cho biết thêm.

 
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên
Dòng sự kiện: Cử nhân thất nghiệp