Cử nhân đại học treo bằng đi làm công nhân

(Dân trí) - Sinh viên ra trường luôn mong muốn có một việc làm ổn định phù hợp với chuyên ngành. Tuy nhiên hiện có không ít sinh viên khi ra trường phải "treo" tấm bằng cử nhân đi bán hàng lặt vặt hay làm công nhân để chờ cơ hội đến.

Đến nay tỉnh Bình Định chưa có con số thống kê cụ thể về số sinh viên (SV) ĐH, CĐ tốt nghiệp ra trường cũng như con số SV ra trường không có việc làm. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Bình Định những năm gần đây, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ qua Sở lên đến trên 50.000 hồ sơ. Hàng năm, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đào tạo cả chục ngàn SV ra trường, đó là chưa kể hệ trung cấp nghề.

SV ra trường nhiều, trong khi các doanh nghiệp, công ty yêu cầu những lao động tay nghề có chuyên môn hay phải có kinh nghiệm 1 - 2 năm. Trong khi đó, chỉ tiêu thi vào cơ quan công chức nhà nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì lẽ đó không ít SV ra trường rất khó có cơ hội tìm việc làm. Người may mắn xin được việc làm, người thì lại làm trái với chuyên môn, số nữa bất đắc dĩ phải làm nhân viên tiếp thị, bán café, làm công nhân…

Không ít sinh viên sau khi ra trường nhưng không tìm được việc làm.
Không ít sinh viên sau khi ra trường nhưng không tìm được việc làm.

Ghi nhận của PV Dân trí trong một phiên giao dịch giới thiệu việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Bình Định tổ chức mới hiểu rõ con đường kiếm việc của những SV mới ra trường quả thật gian nan. Thậm chí có cả những người đã tốt nghiệp cả chục năm trời mà vẫn không xin được một việc làm ổn định.

Vẻ mặt đầy tâm trạng của cô gái trẻ tay cầm bộ hồ sơ đang đưa mắt tìm xem có công ty, doanh nghiệp nào tuyển dụng lao động phù hợp với chuyên ngành mình. “Em tìm nãy giờ mà công ty nào cũng yêu cầu kinh nghiệm làm việc từ 1 năm trở lên. Không cho thử việc thì lấy đâu ra kinh nghiệm…” - Phạm Thị Thu Trang (quê ở thị xã An Nhơn, Bình Định, tốt nghiệp ngành Kế toán, Trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi) chia sẻ.

Tốt nghiệp gần 2 năm nhưng đi xin việc chỗ nào cũng yêu cầu kinh nghiệm, có công ty vẫn nhận hồ sơ nhưng hẹn phỏng vấn sau, chờ "dài cổ" vẫn không thấy gọi. “Chán quá nên em phải đi làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, lương tháng cũng chẳng bao nhiêu nhưng quan trọng là chẳng đúng với chuyên môn em học ra” Trang cho biết.

Không chỉ Trang mà chồng chị là anh Đỗ Ngọc Tiến (SN 1976, ở TP Quy Nhơn), anh Tiến tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh trường ĐH Quy Nhơn năm 2005 nhưng đến nay vẫn là người thất nghiệp. “May mắn khi ra trường mình xin vào công ty nào cũng nhận nhưng lương bổng không ổn định nên cũng thay đổi liên tục. Sau đó anh qua Singapore làm một thời gian hết hợp đồng lại về quên. Đến khi tìm được chỗ làm lương tạm ổn thì công ty lại hết việc cho nghỉ nên giờ lại thất nghiệp. Hai vợ chồng mới cưới nhau nhưng cả hai đều đang thất nghiệp, dù muốn sinh con nhưng phải đợi xin được việc ổn định rồi mới tính” - anh Tiến tâm sự.

Không ít sinh viên sau khi ra trường nhưng không tìm được việc làm.
Cơ hội tuyển dụng vào công ty, doanh nghiệp đối với SV ngành kế toán, tài chính ngân hàng là rất khó so với lao động tay nghề phổ thông.

Một cán bộ Phòng Tư vấn Giới thiệu - Cung ứng lao động thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định chia sẻ: “Những năm gần đây một số ngành như tài chính ngân hàng, kế toán ra trường thường dễ xin việc nhưng đã đến lúc bão hòa. Hiện tại các doanh nghiệp, công ty tuyển lao động qua trung tâm cần tuyển lao động có tay nghề thuộc lao động phổ thông hơn là những sinh viên các ngành này. Trong khi đó số lượng tuyển vào các bộ phận quản lý rất ít, SV mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, tình trạng SV ra trường ngành này khó tìm được việc như ý muốn”.

Con đường xin việc của SV ngành Kinh tế, được xem ngành được ưa chuộng hiện nay còn lâm vào bế tắc, nói gì đến một số lượng không ít SV khối ngành Sư phạm lại càng "thê thảm". Sẽ có nhiều trường hợp chắc không bao giờ dám mơ có một ngày được đứng trên bục giảng dạy học trò như mơ ước.

Trường hợp Đoàn Thị Thu Thủy (huyện Tây Sơn, Bình Định) là một ví dụ. Tốt nghiệp nghiệp Trường CĐ Sư phạm Bình Định đã 3 năm nay nhưng Thủy chưa một lần được đứng trên bục giảng, ngoài thời gian ngắn ngủi đi thực tập. Từ ngày ra trường, bất kể trường nào thông báo tuyển giáo viên, Thủy đều nộp hồ sơ nhưng tất cả chỉ là con số O.
 
Quãng thời gian thất nghiệp đó Thủy từng làm nhân viên tiếp thị trao đổi café gần 1 năm trời, rồi bưng bê café để khỏi phải ăn bám ba mẹ. “Bạn bè lớp em ra trường đi dạy thì ít, đi làm thuê thì nhiều, có đứa lấy tấm bằng xong không xin được đi dạy bỏ vào Sài Gòn làm công nhân may. Lần này em nộp hồ sơ xin vào làm nhân viên lễ tân để chờ trường nào tuyển giáo viên lại nộp tiếp. Bây giờ chỉ cần được dạy, dù đi miền núi làm giáo viên hợp đồng em cũng chịu” - Thủy chia sẻ với giọng buồn.

Đó là chưa kể một sinh viên ngành Sư phạm muốn đi dạy cần phải có "tiền lót đường". Vừa tốt nghiệp Tổng hợp Sinh Trường ĐH Quy Nhơn năm vừa ngoái mang theo mơ ước được làm cô giáo của cố giáo thất nghiệp Phạm Thùy Dung ở xã miền núi nghèo của tỉnh Phú Yên trở nên quá xa vời. Dung chia sẻ: “Ngành em học chính là đi dạy nhưng nếu không đi dạy có thể làm bên y tế nhưng khổ nỗi xin việc bây giờ đâu phải dễ. Dù cũng có người quen làm ở huyện nhưng để được đi dạy cũng phải lo lót còn không quen thì cả 60 - 70 triệu đồng, có bán cả gia tài cũng không chạy ra số tiền lớn như vậy. Em dự định sẽ kiếm việc gì làm thêm học lên cao học may ra con đường xin việc sẽ rộng mở hơn..”.

Doãn Công

Dòng sự kiện: Cử nhân thất nghiệp