“Giải mã” hiện tượng cử nhân thất nghiệp, làm trái nghề

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa đưa ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái chuyên ngành đào tạo. Trong các nguyên nhân này, Bộ GD-ĐT thừa nhận việc giao chỉ tiêu tuyển sinh là chưa hợp lý và chất lượng đào tạo chưa cao.

Trong bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Thực tế hiện nay có tình trạng nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo”.

Lý giải về hiện tượng này, người đứng đầu ngành giáo dục đã chỉ ra các nguyên nhân chính. Cụ thể, từ khi tiến hành đổi mới, Nhà nước không phân công công tác cho các SV tốt nghiệp ra trường, dẫn đến quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng không ăn khớp với nhu cầu của thị trường lao động.

Hiện nay, hệ thống quản lý lao động và việc làm ở cấp trung ương không cung cấp thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không đưa ra các cảnh báo kịp thời cho các nhà trường và xã hội.
 
Cử nhân thất nghiệp có một phần xuất phát từ lỗi quy hoạch và

Cử nhân thất nghiệp có một phần xuất phát từ lỗi quy hoạch và đào tạo của ngành giáo dục (ảnh minh họa)
 
Các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chủ yếu dựa vào năng lực đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, không tổ chức nghiên cứu để cập nhật, phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội (chỉ đào tạo những ngành trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần); Trong thời gian vừa qua, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.

Quyền đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành đào tạo do người học tự quyết định. Xã hội hiện nay vẫn còn tư duy tập trung cho con đi học những ngành nghề hiện tại đang được đánh giá cao, không tính đến tương lai khi tốt nghiệp ra trường.

Và nguyên nhân cuối cùng là do suy thoái kinh tế trong 2 năm qua dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, làm cho sinh viên sau tốt nghiệp gặp càng nhiều khó khăn hơn trong công tác tìm kiếm việc làm.

“Để góp phần khắc phục tình trạng này, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của cả nước đến năm 2020, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân của bộ, ngành và địa phương” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Về phía ngành, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, Bộ GD-ĐT cũng đã và đang thực hiện các giải pháp như thành lập Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực, tăng cường sự phối hợp gắn kết giữa các cơ sở đào đạo với các đơn vị sử dụng lao động.

Xem xét đánh giá lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu, mục tiêu của Quy hoạch mạng lưới đến năm 2020 cho phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực của các địa phương; Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, thông báo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn cũng như các ngành đang dư thừa nhân lực.

Từ năm 2013, tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thờikiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này; Chỉ đạo các cơ sở đào tạo rà soát, điều chỉnh quy mô và ngành nghề đào tạo cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương và nhu cầu xã hội.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học cao đẳng. Kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực để có kế hoạch định hướng các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ngành đào tạo cho phù hợp nhu cầu nhân lực của các địa phương và các bộ, ngành; đồng thời giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nâng cao chất lượng đào tạo để giảm thất nghiệp

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, trong những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của nhân dân cũng như yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Nhìn chung, chất lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường còn nhiều hạn chế, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ và hoạt động xã hội của SV còn chưa đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện các giải pháp như rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước. Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép thành lập mới các trường đại học, cao đẳng bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và các quy định của pháp luật, phù hợp với Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương.

Xây dựng khung pháp lý, cơ chế đánh giá chất lượng giáo dục; Đổi mới quản lý quá trình dạy và học theo mô hình quản lý chất lượng đầu ra; Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng; Công khai chất lượng giáo dục và giải quyết cơ bản các hiện tượng tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá và thi; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đổi mới chương trình đào tạo theo yêu cầu nâng cao trách nhiệm và năng lực, coi trọng việc trang bị cho sinh viên kỹ năng xã hội, “kỹ năng mềm”; Xây dựng chính sách tạo động lực tích cực đối với nhà giáo và cán bộ quản lý (đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đãi ngộ).
 
Th

Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ có nhiều giải pháp tích cực để cải thiện chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng với nhu cầu xã hội (ảnh minh họa)
 
Đặc biệt là Bộ GD-ĐT sẽ triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu của xã hội; tích cực triển khai các hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực đã kí kết. Quy định trách nhiệm và cơ chế phù hợp để mở rộng các hình thức, nội dung liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ; khuyến khích mở các cơ sở giáo dục đại học trong các doanh nghiệp lớn nhằm thực hiện có hiệu quả việc cung cấp nhân lực trực tiếp cho các doanh nghiệp; huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình và tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ trong việc bố trí chỗ thực tập và tuyển dụng HS, SV tốt nghiệp.

Chủ động đào tạo và cung ứng, đáp ứng nhu cầu nhân lực về số lượng, chất lượng theo ngành nghề, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động tại vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, công nghệ cao; chú trọng việc phối hợp, liên kết trong đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp, gắn chặt với nhu cầu ngành, địa phương và toàn xã hội.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng các trường đại học, cao đẳng; Đẩy mạnh công tác thanh tra việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của các cơ sở giáo dục, kiên quyết đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các cơ sở, các chương trình đào tạo không đủ điều kiện theo quy định. Đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế quản lý đối với hoạt động khoa học và công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo.

S.H

Dòng sự kiện: Cử nhân thất nghiệp