Cô giáo miền biển đảo: Mong học sinh chỉ lo học, không phải lo kiếm sống

(Dân trí) - Hỏi Duyên về bí quyết của một giáo viên vùng đảo, Duyên bảo: “Em không có bí quyết nào khác ngoài yêu nghề, yêu học sinh như con em mình vậy”.


 Cô giáo Đinh Thị Xuân Duyên và con trai

Cô giáo Đinh Thị Xuân Duyên và con trai

Sinh ra từ biển, gắn bó với đảo

Ở vùng đảo Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có một ngôi trường đặc biệt với 2 cấp học và rất nhiều điểm lẻ, Trường Phổ thông cấp 1 - 2 Vạn Thạnh có một cô giáo rất trẻ đã có nhiều thành tích đóng góp cho nhà trường nhưng khi được tiếp xúc với cô giáo Đinh Thị Xuân Duyên vẫn không khỏi ngỡ ngàng về một cô giáo miền biển đảo, gầy gò, nói chuyện không khéo léo nhưng chắc chắn và thật tâm.

Duyên bắt đầu câu chuyện về hình ảnh một cô bé gầy gò, đen nhẻm sinh ra và lớn lên ở vùng biển Vạn Thắng, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Trưởng thành từ nghèo khó cùng ước mơ trở thành cô giáo, cô bé Duyên đã nỗ lực học tập để biến ước mơ ấy thành hiện thực.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và tham gia lớp đào tạo từ xa của Đại học Huế, Đinh Thị Xuân Duyên về nhận công tác tại Trường Phổ thông cấp 1 - 2 Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Hỏi có sự đặc biệt nào về sự lựa chọn này, Duyên chỉ tủm tỉm “mỗi học sinh ở đây chính là hình ảnh của em ngày nào đó nên sự lựa chọn này không có gì đặc biệt cả”.

Nhớ lại ngày đầu tiên về nhận việc tại điểm trưởng Điệp Sơn, một trong những điểm lẻ của Trưởng Phổ thông cấp 1 - 2 Vạn Thạnh, Duyên chia sẻ: “Đó là một buổi sáng trời mưa như trút, bố em dùng chiếc ghe nhỏ của nhà chở em và một cô bạn ra đảo. Khi chúng em đến nơi thì các anh chị vừa dạy xong. Phòng học và nhà nội trú liền kề nhau. Hai chúng em được chào đón nhiệt tình, điều đó làm em cảm thấy an ủi phần nào, lòng cảm thấy nhẹ và ấm dần lên trong cái lạnh của cơn mưa. Rồi bố em ra về, lòng lại vỡ òa, nước mắt cứ trào ra không thể nào ngăn lại được. Đến giờ khi nhắc lại nước mắt em vẫn chảy ra, mọi việc như mới vừa hôm qua vậy”.

5 năm 9 tháng là thời gian cô giáo Duyên đã gắn bó với vùng đảo, những người bạn cùng ra trường ngày ấy giờ đã chuyển trưởng hết, chỉ còn Duyên ở lại. Duyên bảo, cũng có lúc em muốn chuyển về một ngôi trường có điều kiện tốt hơn, gần nhà hơn nhưng chính sự đáng yêu của học sinh, sự gần gũi và chân thành của phụ huynh, sự quan tâm của đồng nghiệp đã giữ chân em ở lại.

Giờ thì Duyên đã có một tổ ấm của riêng mình trên đảo với 2 đứa con xinh xắn, con thứ hai mới tròn vài tháng tuổi. Rời đảo đã không còn trong suy nghĩ của Duyên nữa.

Trăn trở vì niềm vui đến trường của học sinh

Chia sẻ về học trò của mình, Duyên tâm sự: “Hiện tại em đang dạy lớp 3C. Các em học sinh ở đây rất ngoan, hiền, ngây thơ và trong sáng. Đặc biệt các em rất yêu quý và gần gũi với thầy cô giáo, các em xem thầy cô như người cha, người mẹ, người anh chị em của mình vậy”.

Duyên kể, học sinh ở đây đa phần nghèo lắm, hình như vẫn nghèo như tuổi thơ của em vậy. Rất nhiều em buổi đi học, buổi phải đi kiếm sống nhưng cứ đến trường là rạng rỡ niềm vui. Nhiều em do gia cảnh khó khăn, bố mẹ làm nghề đi biển nên ít có thời gian quan tâm đến con cái nhưng họ đều là những người rất chân thành và mong muốn con cái được học hành tới nơi tới chốn.

“Em chỉ mong sao các em học sinh của mình không phải lo kiếm sống, có đủ điều kiện học tập, chăm học hơn, học thật giỏi để thầy cô và cha mẹ vui lòng, để những người giáo viên như em càng có động lực tiếp tục gắn bó với trường đảo hơn” - Cô giáo Duyên chia sẻ.

Trăn trở cho học trò là vậy nhưng ít ai biết rằng, hoàn cảnh của cô giáo Đinh Thị Xuân Duyên cũng gặp không ít khó khăn. Chồng Duyên là cán bộ đoàn thanh niên xã Vạn Thạnh, hai vợ chồng sống chung cùng bố mẹ chồng đau ốm liên miên, đồng lương giáo viên eo hẹp nhiều khi không đủ trang trải cuộc sống.

Nhưng vượt lên tất cả, Đinh Thị Xuân Duyên vẫn hàng ngày bám trường, bám lớp, là một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của Trường Phổ thông cấp 1 - 2 Vạn Thạnh, nhiều năm liền là giáo viên chủ nhiệm giỏi và lao động tiên tiến.

Hỏi Duyên về bí quyết của một giáo viên vùng đảo, Duyên bảo: “Em không có bí quyết nào khác ngoài yêu nghề, yêu học sinh như con em mình vậy”.

Thu Minh