Bỏng nặng vì nổ ở phòng thực hành Hóa: Giật mình quy chuẩn phòng thí nghiệm

(Dân trí) - Sự việc nữ sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội bị bỏng nặng do cồn ở phòng thực hành Hóa khiến nhiều người lo ngại về mức độ an toàn ở các phòng thí nghiệm tại trường phổ thông.

Không dán nội quy, không bình chữa cháy

Vụ việc nữ sinh D.A bị bỏng nặng trong phòng thực hành Hóa của trường do cồn bắt lửa cháy đã khiến nhiều người lo ngại. Theo tìm hiểu của PV, quy định của Bộ GD&ĐT về phòng học bộ môn tại Quyết định 37/2008QĐ-BGDĐT, ở điều 15, chương III, phòng học bộ môn của Trường Trung học phổ thông, các trang thiết bị phòng chữa cháy phải được thiết lập đúng quy định về tiêu chuẩn xây dựng và lắp đặt hiện hành, phù hợp với từng bộ môn.

Riêng phòng học bộ môn Hoá học, Sinh học, ngoài trang bị đúng quy định như: Hệ thống cấp thoát nước, thiết bị thông gió, thoát khí thải, mùi và hơi độc, phòng chống cháy nổ, tủ thuốc y tế để sơ cứu khi xảy ra sự cố...; Phòng học này còn được trang bị thêm tủ sấy, tủ hút, quạt hút, thải khí độc, hệ thống chậu rửa, vòi nước, đường thoát nước gắn với bàn học phục vụ việc tiến hành các thí nghiệm...

Trong bản kiểm điểm của học sinh có liên quan gửi ban giám hiệu nhà trường vào ngày 7/2, khi vụ nổ xảy ra tại Trường THPT Phan Đình Phùng, một số học sinh bị nạn phải cởi áo ném vào góc phòng học để tự cứu. Tuyệt nhiên không học sinh nào nhắc đến việc sử dụng bình cứu hỏa trong phòng học.

Phòng thực hành Hóa nhà trường- nơi xảy ra vụ nổ cồn gây bỏng cho nữ sinh D.A
Phòng thực hành Hóa nhà trường- nơi xảy ra vụ nổ cồn gây bỏng cho nữ sinh D.A

Ghi nhận của PV Dân trí vào ngày 7/2 tại phòng thực hành Hóa, phòng này được bố trí ở tầng 1. Phòng học thoáng, rộng, đủ ánh sáng, có đủ cửa chính và cửa sổ thông thoáng theo yêu cầu. Tuy nhiên, quan sát cho thấy, ngoài bàn ghế học sinh và một số dụng cụ thực hành như quy định, ở đây chỉ có bồn rửa tay, một xô nhựa và thùng rác. Tuyệt nhiên, tại thời điểm đó không có bình chữa cháy nào được để trong phòng. Bản nội quy phòng thực hành cũng không được dán ở đây theo quy định.

“Phòng thực hành nằm bên cạnh phòng hóa chất. Thông thường, khi có lớp nào thực hành, tôi mở khóa, giao hóa chất đủ cho buổi học còn giáo viên bộ môn sẽ chịu trách nhiệm trông coi lớp suốt buổi thực hành”, cô Mai Anh, nhân viên phòng thực hành Hóa cho biết.

Còn theo cô Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, nhà trường có đủ nội quy về phòng thực hành. Tuy nhiên, một số học sinh cho hay, các em chỉ được phổ biến quy định về phòng học này chứ nhà trường không dán nội quy ngay trong phòng học thực hành.

Nội quy phải treo ở vị trí dễ đọc tại phòng thực hành

Theo một giáo viên Hóa học Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội, một trong những điểm quan trọng của nội quy phòng thực hành, đối với giáo viên, phải quản lý và chịu trách nhiệm về trang thiết bị trong giờ giảng dạy của mình. Đối với học sinh, phải sử dụng đồ bảo hộ theo hướng dẫn của giáo viên, phải đảm bảo an toàn trong quá trình làm thí nghiệm.

Phòng thực hành Hóa- nơi xảy ra vụ nổ cồn gây bỏng, chỉ có bồn rửa, không có bình cứu hỏa.
Phòng thực hành Hóa- nơi xảy ra vụ nổ cồn gây bỏng, chỉ có bồn rửa, không có bình cứu hỏa.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa cũng cho hay, theo quy định, giáo viên phải phổ biến nội quy phòng thí nghiệm cho học sinh trước mỗi giờ thực hành.

Trong các phòng thí nghiệm, bảng “Nội quy phòng thí nghiệm” phải được treo tại vị trí dễ nhìn, dễ đọc để học sinh biết. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, hầu hết học sinh ở trường phổ thông đều rất ít được lên phòng thí nghiệm thực hành. Nhiều giáo viên "ngại" dạy thực hành và thường tận dụng giờ thực hành để hướng dẫn, luyện tập các bài học cũ cho học sinh.

Nội quy phòng thí nghiệm của Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội có ghi rõ yêu cầu cho cả giáo viên và học sinh.
Nội quy phòng thí nghiệm của Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội có ghi rõ yêu cầu cho cả giáo viên và học sinh.

Do đó, theo thầy Ngọc, có thể nói học sinh phổ thông hiện nay rất thiếu và rất yếu cả về kỹ năng và kiến thức thực hành. Thậm chí rất nhiều thầy cô giáo vì ít hướng dẫn học sinh thực hành nên cũng lúng túng trong các thao tác làm thí nghiệm. Hoặc khi kết quả thí nghiệm không ra như trong sách hướng dẫn cũng không giải thích được cho học sinh. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới vụ việc lần này.

“Cả giáo viên và học sinh đều thiếu kinh nghiệm, chủ quan và không có kỹ năng để sử dụng hóa chất an toàn, không ý thức hết được mức độ nguy hiểm của các hóa chất có vẻ "thông thường" dẫn đến sự việc đáng tiếc”, thầy Ngọc nói.

Mỹ Hà