“Tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật có chiều hướng gia tăng”

(Dân trí) - Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết sắp tới sẽ “ưu tiên” kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh và kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong ban hành văn bản trái pháp luật bị “tuýt còi”.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba trả lời tại một cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba trả lời tại một cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp.

Trao đổi với Dân trí, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, so với năm 2016, tổng số văn bản được kiểm tra theo thẩm quyền năm 2017 tăng 45% và số văn bản phát hiện trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền tăng 20,5%.

“Các con số này phần nào phản ánh công tác kiểm tra, xử lý văn bản ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên cũng cảnh báo tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều, thậm chí có chiều hướng gia tăng”- ông Ba nói.

Trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị xử lý kịp thời một số văn bản chưa phù hợp được dư luận xã hội quan tâm; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm nhiều văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, địa phương tồn đọng từ các năm trước.

“Nhìn tổng thể, kết quả kiểm tra, xử lý các văn bản trái pháp luật năm 2017 đã góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan ban hành văn bản về chấp hành kỷ luật ban hành văn bản”- ông Ba cho hay.

- Nhưng thực tế cho thấy việc phát hiện, xử lý nhiều văn bản trái luật vẫn chưa kịp thời, khiến dư luận bức xúc?

- Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên cả nước hiện nay vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Việc phát hiện một số văn bản trái pháp luật chưa kịp thời, có trường hợp văn bản trái pháp luật được áp dụng gây hậu quả tiêu cực về kinh tế - xã hội. Trong khi đó, việc xử lý một số văn bản trái pháp luật, nhất là khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn hạn chế, vướng mắc....

Những hạn chế vừa nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức chưa đầy đủ của nhiều cơ quan về công tác xây dựng, kiểm tra văn bản; quy trình ban hành một số văn bản, nhất là đánh giá tác động, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp còn được thực hiện chưa “thực chất”. Một bộ phận công chức kiểm tra văn bản còn hạn chế về năng lực...

Mặc dù vậy văn bản do cấp bộ và cấp tỉnh ban hành vẫn có xu hướng tăng cùng với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội mới, phức tạp nảy sinh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Một trong những lần tuýt còi nổi bật nhất của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2017 là yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ngừng thực hiện Thông tư 33/2017 hướng dẫn ghi tên các thành viên có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ hộ gia đình.
Một trong những lần "tuýt còi" nổi bật nhất của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2017 là yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ngừng thực hiện Thông tư 33/2017 hướng dẫn ghi tên các thành viên có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ hộ gia đình.

- Ông từng nói trăn trở của những người làm công tác pháp luật là làm sao để không còn những văn bản pháp luật sai, phải “tuýt còi”, phải xử lý. Phải chăng chính điều đó tạo áp lực không nhỏ đối với đội ngũ làm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật?

- Từ góc độ thực hiện nhiệm vụ của cơ quan kiểm tra văn bản, việc phát hiện được nhiều văn bản trái pháp luật là kết quả tích cực, nhất là đã kịp thời ngăn chặn, hạn chế được những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên như tôi đã nói trên, kết quả kiểm tra văn bản cũng cảnh báo tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Đây là nỗi trăn trở lớn của những người làm công tác pháp luật, làm sao để không còn việc ban hành văn bản pháp luật sai, phải “tuýt còi”, phải xử lý. Việc này là hết sức cần thiết, nhưng với tình hình thực tế nước ta hiện nay, để làm được việc này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, chúng tôi luôn tiếp cận công việc kiểm tra văn bản không đơn thuần chỉ là phát hiện và kiến nghị xử lý những quy định cụ thể, mà đồng thời chú trọng việc giúp cơ quan có văn bản trái pháp luật nhận thức rõ sai sót để tự xử lý; cảnh báo những vi phạm thường gặp, phân tích rõ nguyên nhân để tránh việc tiếp tục ban hành quy định sai phạm.

Chúng tôi cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng, ban hành và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; cần nhận thức rõ văn bản quy phạm pháp luật là bộ phận cốt lõi của thể chế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đó cần ưu tiên các nguồn lực cho bảo đảm chất lượng của văn bản, nhất là khảo sát, đánh giá tác động, lấy ý kiến, thẩm định một cách “thực chất” để bảo đảm tính hợp pháp, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.

- Vậy trong thời gian tới phải có những giải pháp nào đủ mạnh để ngăn chặn kịp thời “những văn bản trên trời”, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp? Những bộ ngành, địa phương chậm trễ xử lý văn bản trái luật sẽ bị kiến nghị xử lý trách nhiệm?

- Thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp rất quan tâm, tạo điều kiện cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó đã khích lệ, tạo động lực rất lớn giúp tập thể lãnh đạo, công chức Cục Kiểm tra văn bản vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh, tiến tới hoàn thành việc kiểm tra ngay sau khi ban hành và trước thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản.

Gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra văn bản với soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường năng lực xử lý những tình huống văn bản sai tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội.

Đồng thời phải thực hiện xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là những văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội. Đôn đốc quyết liệt, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm những trường hợp chậm xử lý văn bản trái pháp luật. Kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong ban hành văn bản trái pháp luật…

- Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)