1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Tuýt còi” quy định về đối tượng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng

(Dân trí) - Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân vừa bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) “tuýt còi” vì không hợp pháp, hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được pháp luật quy định trong việc mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa ký văn bản số 05/2018 kết luận kiểm tra Thông tư số 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của nhiều tổ chức

Theo khoản 6 Điều 1 Thông tư số 32/2016 (sửa đổi Điều 11 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN), “đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và tổ chức là pháp nhân”. Đồng thời, điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016/TT-NHNN quy định: “Sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định tại điểm b Khoản này”.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng với quy định trên, Thông tư số 32/2016 đã xác định: Chỉ cá nhân và pháp nhân có quyền mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Các tổ chức không có tư cách pháp nhân không được (không có quyền) mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở trước ngày Thông tư số 32/2016 có hiệu lực (ngày 1/3/2017) phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản; nếu không thực hiện việc chuyển đổi hình thức tài khoản thì sau 12 tháng (sau ngày 1/3/2018) sẽ bị đóng tài khoản.

“Nội dung quy định tại khoản 6 Điều 1 và điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016 nêu trên không hợp pháp”- Cục Kiểm tra văn bản nhấn mạnh.

Văn bản của ông Đồng Ngọc Ba phân tích: Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng. Về bản chất, quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng trong việc mở tài khoản thanh toán là một loại hợp đồng dịch vụ (ngân hàng là bên cung ứng dịch vụ; khách hàng là bên sử dụng dịch vụ).

Qua rà soát pháp luật liên quan cho thấy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm (hay không cho) các tổ chức không có tư cách pháp nhân mở (giao kết hợp đồng) tài khoản tại ngân hàng.

Ngược lại, quyền ký hợp đồng của doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp tư nhân là loại hình tổ chức kinh doanh không có tư cách pháp nhân) đã được Luật Doanh nghiệp ghi nhận (khoản 4 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Quyền mở tài khoản của tổ chức không có tư cách pháp nhân còn được quy định rõ trong một số luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể, như: Văn phòng luật sư (do một luật sư thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật (Điều 33 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012); Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam (khoản 4 Điều 17 Luật Thương mại năm 2005); Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng (Khoản 2 Điều 49 Luật Đầu tư năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2016)…

“Như vậy, việc Thông tư số 32/2016/TT-NHNN quy định đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là không hợp pháp, hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được pháp luật quy định trong việc mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cũng như hạn chế quyền của ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân”- kết luận của Cục Kiểm tra văn bản nhấn mạnh.

Hơn nữa, quy định “sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản …” là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật trước ngày Thông tư số 32/2016 có hiệu lực.

“Tuýt còi” quy định về đối tượng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng - 2

Vượt quá thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

“Quy định trên của Ngân hàng Nhà nước có nội dung hạn chế quyền dân sự của tổ chức không có tư cách pháp nhân, vì vậy vượt quá thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”- ông Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.

Theo quy định hiện hành, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Điều 2 Bộ luật dân sự năm 2015).

Cục Kiểm tra văn bản chỉ rõ: Việc quy định không cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng còn thể hiện sự không thống nhất (mâu thuẫn) ngay trong các quy định của Thông tư số 32/2016 và Thông tư số 23/2014.

Mặc dù hiện nay, Cục Kiểm tra văn bản chưa có số liệu đầy đủ để đánh giá toàn diện tác động kinh tế - xã hội của việc thực hiện các quy định tại khoản 6 Điều 1 và điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu, trao đổi thảo luận, cơ quan này nhận định: Việc không cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân, trong đó có các chủ thể kinh doanh, tổ chức hành nghề (doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư…) được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng sẽ gây khó khăn lớn, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các tổ chức này trong tổ chức hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật về thuế, giao kết hợp đồng… của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư.

Việc hạn chế này cũng không phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.

“Việc buộc các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng đúng quy định của pháp luật trước ngày Thông tư số 32/2016/TT-NHNN có hiệu lực (1/3/2017) phải thực hiện chuyển đổi hình thức tài khoản đang sử dụng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016/TT-NHNN sẽ gây xáo trộn không đáng có trong xã hội, tốn kém về thời gian, chi phí”- văn bản của ông Đồng Ngọc Ba nêu rõ.

Ngân hàng Nhà nước phải xử lý ngay những nội dung không hợp pháp

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức xem xét, xử lý ngay những nội dung không hợp pháp của Thông tư số 32/2016/TT-NHNN được nêu ra trong kết luận của cơ quan này.

Đồng thời rà soát quá trình thực hiện Thông tư số 32/2016/TT-NHNN để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định không hợp pháp gây ra (nếu có).

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm