Triết lý tỷ phú trong xã hội kim tiền
(Dân trí) - Nếu xã hội thượng tôn pháp luật, Nhà nước làm tròn vai trò quản lý, thì không cớ gì chúng ta không thể có những doanh nhân lớn, những doanh nghiệp hàng đầu – và quan trọng hơn là có nhiều hơn những người kinh doanh tử tế!
Đầu tuần này, một niềm vui lớn và hiếm có đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là giới trẻ yêu thích khởi nghiệp của Việt Nam là được đối thoại với ông chủ tập đoàn Alibaba - Jack Ma.
Jack Ma không chỉ được biết đến là tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc với khối tài sản lên đến trên 40 tỷ USD mà còn rất nổi tiếng với vai trò là “người truyền cảm hứng”. Hầu hết những buổi thuyết trình của ông đều thu hút giới trẻ và có tiếng vang trong cộng đồng khởi nghiệp.
Sự ngưỡng vọng của người trẻ đối với Jack Ma rất dễ hiểu. Bởi không riêng Jack Ma, bất cứ một người nào khác có xuất phát điểm thấp nhưng vẫn tạo lập nên được những thành công vang dội, thì tiếng nói của họ luôn có trọng lượng lớn, sức thuyết phục cao.
Jack Ma nói với các bạn trẻ: “Tôi không nghĩ tôi thông minh hơn các bạn. Tôi đã 3 lần trượt đại học, nhưng tôi không từ bỏ. Thất bại, tôi làm lại”. Đâu chỉ có vậy, ông còn bị Harvard từ chối đến 10 lần, 30 lần bị từ chối khi xin việc. Song điều quan trọng, bây giờ ông đã là ông chủ của một tập đoàn hàng đầu thế giới.
Ông chia sẻ: “Điều quan trọng nhất trong kinh doanh không phải là tiền mà là ý tưởng tốt và những người cùng ý tưởng với mình”. Trong xã hội kim tiền ngày nay, dễ hiểu tiền mặt luôn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai khi khởi nghiệp. “Tiền mặt là vua”, cho nên ngay cả những người đã kinh doanh thành đạt, tiền vẫn là mục tiêu trước mắt của họ, là bàn đạp để họ tiến lên. Chính vì vậy, những ý tưởng lớn và những mục tiêu nhân văn khác lắm lúc bị lu mờ.
Nói là vậy, nhưng cũng thật khó với những người trẻ khởi nghiệp hiện nay nếu như không có trong tay tiềm lực tài chính mạnh. Không có hậu thuẫn về tài chính, sẽ rất khó để các doanh nghiệp có thể tồn tại, vận hành, khi vẫn còn đó những “điều kiện kinh doanh” nhiều như mắc cửi, những đoàn thanh tra “thăm viếng”, những hạch sách về thủ tục, những khoản “lót tay”…
Ai đó từng khuyên “đừng nghe người thành công nói”. Đại ý rằng, người thành công bao giờ cũng đúng. Họ vốn dĩ đã gặt hái được thành quả rồi, nên họ nói gì chả đúng! Điều này không phải không có lý, bởi lẽ trên đời đâu có một công thức chung nào cho thành công đâu? Mỗi người đều phải tìm được con đường riêng và nỗ lực mới có thể thành công trên con đường đó.
Tuy nhiên, triết lý của người thành công là một điều rất đáng để lắng nghe, để tham khảo. Như chính Jack Ma đã chia sẻ quan điểm của ông về thất bại: “Chúng ta không nhất thiết học từ thất bại của chính mình mà hoàn toàn có thể học hỏi từ thất bại của những người khác”. Tương tự, với thành công, hiếm thấy ai đi sao chép thành công của người khác, nhưng mọi người đều có thể học hỏi từ cách thức mà những người thành công đã thực hiện.
Thật ấu trĩ khi cho rằng người kinh doanh không quan trọng tiền, không khao khát lợi nhuận. Nhưng câu chuyện về một thương hiệu kem hàng đầu Nhật Bản hơn một năm về trước đã khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Đối mặt nguy cơ phá sản, khoảng 100 người, đứng đầu là giám đốc công ty này đã cúi gập người để xin lỗi người tiêu dùng vì buộc phải tăng giá bán kem thêm 2.000 đồng (tiền Việt) sau khi giữ giá suốt 25 năm.
Có thể sẽ có người cho rằng đây là chiêu “làm màu” của doanh nghiệp, một hình thức “gây sốc” trong marketing. Và trên thực tế thì doanh nghiệp Việt cũng không thể nào giữ giá bán được lâu như thế bởi yên Nhật là một đồng tiền mạnh và ổn định. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp, sự tôn trọng đối với khách hàng, sự văn minh trong ứng xử luôn là bài học mà bất cứ doanh nghiệp Việt nào cũng cần học hỏi – không bao giờ là thừa cả. Và trên thực tế, sau lời xin lỗi đó, hãng kem kia không những giữ được khách cũ mà còn kiếm thêm rất nhiều khách hàng tiềm năng.
Bài học đó càng trở nên có giá trị hơn bao giờ hết khi thương trường khốc liệt hiện nay đang chứng kiến không ít thương gia đã vô tình hoặc cố ý trở thành “gian thương” với những hành vi đáng hổ thẹn như tráo mác sản phẩm, giả nguồn gốc xuất xứ, trốn thuế, thậm chí là đầu độc người tiêu dùng bởi những loại thực phẩm kém phẩm chất hay dược phẩm giả…
Giữa bối cảnh kinh tế còn không ít khó khăn, những lời động viên, những chia sẻ tâm huyết của Jack Ma đã thổi một luồng cảm hứng tích cực cho giới trẻ, cho không ít người kinh doanh chân chính. Nhưng, có lẽ, điều quan trọng hơn để nguồn hứng khởi đó trở thành hành động, người khởi nghiệp cần hơn một thể chế kinh tế thông thoáng và sự kiến tạo thiết thực từ Nhà nước.
Nếu xã hội thượng tôn pháp luật, Nhà nước làm tròn vai trò quản lý, thì không cớ gì chúng ta không thể có những doanh nhân lớn, những doanh nghiệp hàng đầu – và quan trọng hơn là có nhiều hơn những người kinh doanh tử tế!
Bích Diệp