Phá hủy Di sản thế giới: Chuyện quá lạ ở Ninh Bình
(Dân trí) - Người xưa có câu "Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", hàm ý nói: Những chuyện xấu, việc làm xấu đến dù giấu kín đến đâu, về sau cũng lộ, dù chuyện rất nhỏ.
Nhưng chuyện một doanh nghiệp xây cả một công trình đồ sộ không phép ở danh thắng Tràng An (Ninh Bình)- thì đó không phải là "cây kim" nữa. Thế nhưng, cơ quan quản lý địa phương không nhìn ra, thế mới tài.
Như Dân trí đã đưa tin, cả một cụm công trình lớn bao gồm đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) dài hơn 1 km với hơn 2000 bậc thang, có đầy đủ lan can, một số công trình phụ đã được một đơn vị là Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng không hề có giấy phép và dù chưa hoàn thành nhưng Công ty này đã đưa vào sử dụng, thu phí, kiếm bộn trong dịp Tết vừa qua.
Điều vô cùng ngạc nhiên là toàn bộ công trình trái phép này nằm ngay ở vùng lõi của danh thắng Tràng An- Di sản Văn hóa và Thiên nhiên của thế giới do Unessco công nhận- một di sản "kép" rất quý giá mà Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch quần thể chung cả danh thắng từ năm 2016.
Nhớ lại một số công trình, dự án lớn xây dựng vượt quá tầng qui định trong thời gian vừa qua như tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội), khách sạn 5 sao Seashells tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc), Khách sạn Mường Thanh (Nha Trang)... cơ quan quản lý đã quyết liệt xử phạt, bắt buộc "cắt ngọn" các công trình sai phạm trên để đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp.
Thế nhưng đến công trình này, rõ ràng, Chủ đầu tư - Công ty CP Du lịch Tràng An đã quá ngang ngược, khi ở một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt như thế, không chỉ bởi pháp luật của Việt Nam mà cả luật quốc tế để bảo vệ di sản thế giới. Quả là gan ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc công ty này, to bằng trời.
Cho đến nay, sau khi Dân trí phản ánh thì các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc và chắc chắn Công ty trên, lãnh đạo công ty này sẽ bị xử phạt nặng. Và hẳn rằng, đông đảo người dân Ninh Bình đều muốn ít nhất, toàn bộ công trình này phải bị tháo dỡ để đảm bảo sự toàn vẹn của di sản quý giá trên quê hương mình.
Người dân cả nước yêu thích, biết đến di tích Tràng An cũng đều mong muốn như vậy và hơn thế nữa, phải phạt thật nặng, thậm chí, thiết nghĩ, cơ quan chức năng còn nên xem xét xử lý trách nhiệm hình sự với lãnh đạo Công ty này bởi việc xây dựng trái phép trên rõ ràng là hành vi phá hoại di sản rất nghiêm trọng, với đầy đủ chứng cớ như Dân trí đã nêu.
Nhưng giận chủ đầu tư một thì cũng nên giận cơ quan quản lý- nơi nhắm mắt làm ngơ cho công ty này tự tung tự tác xây dựng, phá hoại di sản Tràng An mười.
Nếu một công trình sai phép mà nho nhỏ thôi, ở nơi khuất nẻo, bảo khó phát hiện thì đó còn có thể coi như chuyện "cây kim trong bọc". Nhưng cả đại công trình được xây dựng qui mô, phải khoan phá hàng trăm cọc bê tông, phá hủy nghiêm trọng di sản mà như phản ánh của Dân trí, 6 tháng qua, UBND huyện Hoa Lư- nơi có trách nhiệm quản lý trực tiếp lại không hề có biện pháp nào để ngăn chặn, xử phạt, để chủ đầu tư xây gần xong mới chỉ "kiểm tra, nhắc nhở", không hề xử phạt thì quả là chuyện quá lạ.
Rõ ràng chính quyền cơ sở đã quá vô trách nhiệm khi để một doanh nghiệp tư nhân tự ý xây dựng công trình sai phép rất tai hại giữa quần thể một vùng di sản tầm cỡ quốc tế. Không biết giữa doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền cơ sở có "quan hệ”… gì không bởi ở đây, quả là có vấn đề "tù mù" khi lãnh đạo huyện từ trên đến dưới bao nhiêu người, sao không nhìn thấy cả một công trình lớn, xây dựng bậy bạ ở một nơi như vậy.
Cho nên, với sự việc đã xảy ra như trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng nên làm rõ cả trách nhiệm quản lý của lãnh đạo, các cán bộ phụ trách về xây dựng, văn hóa ở huyện Hoa Lư.
Nếu chỉ xử lý doanh nghiệp mà chưa xử lý đến sự thiếu trách nhiệm về quản lý của chính quyền cơ sở trong trường hợp này sẽ chưa đủ đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, đảm bảo tính răn đe của luật pháp, ngăn chặn các hành vi tương tự có thể xảy ra về sau này.
Mạnh Quân