1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Yêu cầu thủy điện Tuyên Quang xả lũ có đúng qui định?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT yêu cầu thủy điện Tuyên Quang mở 2 cửa xả lũ để đảm bảo an toàn, tuy nhiên, Giám đốc thủy điện này nói trên báo chí, yêu cầu này chỉ là "trên lý thuyết".

Trước đó, ngày 3/11 và 4/11, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có công điện gửi Giám đốc Công ty thủy điện Tuyên Quang yêu cầu mở 2 cửa xả điều tiết lũ để đảm bảo mực nước ở hồ theo đúng quy định (không vượt mực nước dâng bình thường +120m), bởi ngày 3/11 mực nước ở hồ cao hơn mực nước dâng bình thường 14 cm, ngày 4/11 là 24 cm.

Yêu cầu thủy điện Tuyên Quang xả lũ có đúng qui định? - 1

Một cửa xả của hồ thủy điện Tuyên Quang.

Tuy nhiên, ông Dương Thanh Tuyên, Giám đốc Công ty thủy điện Tuyên Quang khi trả lời trên báo chí lại cho rằng "Việc yêu cầu thủy điện mở 2 cửa xả chỉ là trên lý thuyết. Còn thực hiện phải dựa trên tình hình thực tế".

Theo ông Tuyên, quy trình lượng nước hồ thủy điện Tuyên Quang được điều chỉnh không vượt quá 120 m so với mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật công trình phải là 122,5 m.

Công điện ban hành đúng qui định pháp luật

Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí nói trên, trưa nay (5/11), Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã tổ chức cuộc họp đột xuất, có sự tham dự của ông Dương Thanh Tuyên, cơ quan chuyên môn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Tổng cục PCTT...

Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng trưởng Tổng cục PCTT phụ trách vấn đề hồ chứa - khẳng định, công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT ban hành gửi thủy điện Tuyên Quang hoàn toàn dựa theo số liệu thực tế, chứ không phải chỉ dựa trên lý thuyết và hoàn toàn đúng qui định pháp luật, đúng theo Quyết định số 740 ngày 17/6/2019 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng của Thủ tướng.

Ông Luận tiếp tục giải thích, khi lưu lượng hồ thủy điện Tuyên Quang vượt quá 14 cm theo qui định, Tổng cục PCTT đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT ra công điện yêu cầu thủy điện mở một cửa xả, để kéo mực nước hồ xuống không vượt quá 120 m. Tuy nhiên, thủy điện Tuyên Quang lại chỉ mở cửa xả này khoảng 40%, trong khi lượng nước về hồ tiếp tục tăng, dẫn đến mực nước trong hồ tăng lên. Đến ngày 4/11, mực nước hồ tăng 24 cm, điều này về nguyên tắc vận hành là sai qui định. Do đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục ra công điện yêu cầu thủy điện mở thêm một cửa xả nữa. 

Theo ông Luận, khi yêu cầu thủy điện Tuyên Quang mở thêm một cửa xả nữa, thì thủy điện lại mở cửa xả số một 100%, không mở 40% như trước nữa, dẫn đến mực nước ở hồ xuống nhanh, thấp hơn 120 m. Sau đó, Ban Chỉ đạo có công điện thứ 3, yêu cầu thủy điện điều chỉnh làm sao để mực nước không xuống thấp hơn 120 m.

"Tôi nhớ không nhầm là từ ngày 12-13/10/2017, khi mà dự báo lũ về hồ thủy điện Hòa Bình ở mức độ thôi, nhưng sau đó mực nước về hồ tới 16.500 m3/s và phải mở liên tục cấp tập 8 cửa xả, mà chưa bao  giờ phải mở như vậy. Bản thân mở nhiều cửa xả liền lúc cũng không đảm bảo an toàn cho công trình, dưới hạ du bị đe dọa. Cho nên, chúng tôi bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy trình để đảm bảo tuân thủ theo quyết định của Thủ tướng", ông Luận nói.

Tại cuộc họp, ông Dương Thanh Tuyên cho biết, do ảnh hưởng Covid-19 nên nguồn ngân sách sụt giảm, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang rất quan tâm đến việc vận hành điều tiết lũ và muốn thủy điện Tuyên Quang tận dụng tối đa nguồn nước để vận hành sản xuất điện.

Do đó, khi có công điện ngày 3/11, thủy điện Tuyên Quang đã mở cửa xả số 1, nhưng chỉ mở cao khoảng 1,5 m (cửa xả cao 6 m, rộng 4,5 m); đến 8h hôm sau, mở cửa xả này cao thêm 1 m nữa. 

"Đến ngày 4/11, chúng tôi nhận công điện thứ 2 yêu cầu mở thêm một cửa xả nữa và có mở ngoặc là giám đốc điều chỉnh linh hoạt. Về nguyên tắc thiết bị, khi muốn mở cửa xả số 2, thì cửa số một phải mở 100%. Vận hành linh hoạt, chúng tôi đã mở cửa số một 100%, cửa số 2 mở cao 0,5 m (lưu lượng 50 m3/s). Như vậy, cửa số một xả 600 m3/s, cửa số 2 xả 50 m3/s, cộng với 2 tổ máy phát điện khoảng 400 m3/s, tổng xả là 1.050 m3/s dẫn đến mực nước xuống thấp hơn mức 120 m", ông Tuyên nói và khẳng định luôn tuân thủ các công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, bởi không chỉ là câu chuyện đóng - mở các cửa xả mà đó là an toàn hồ đập, an toàn cho hạ du.

Yêu cầu thủy điện Tuyên Quang xả lũ có đúng qui định? - 2

Ông Dương Thanh Tuyên, Giám đốc Công ty thủy điện Tuyên Quang. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trong phần trên, ông Tuyên có nói công điện có mở ngoặc nói Giám đốc Công ty thủy điện Tuyên Quang điều chỉnh linh hoạt, nhưng ông Luận khẳng định, trong các công điện nói trên không có cụm từ "linh hoạt".

"Công điện tuân theo đúng quy định của pháp luật, theo Quyết định 740 của Thủ tướng. Mực nước cao hơn qui định thì phải xả theo qui định, chính các anh vận hành linh hoạt nên mới dẫn đến mực nước cao hơn qui định", ông Luận khẳng định.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện Ban An toàn của EVN cho biết, đơn vị mong muốn được điều tiết lưu lượng nước theo thời gian thực. Theo đó, EVN đã giao cho các thủy điện phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng hệ thống, mua các cơ sở dữ liệu để điều tiết theo thời gian thực, kết nối với Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Bộ Công thương, nhằm góp phần vận hành hồ chứa được hiệu quả, đi theo thời gian thực.

Cho ý kiến tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT ban hành là đúng qui định của pháp luật, các đơn vị phải tuân thủ thực hiện, đặc biệt không được để mực nước trong hồ vượt quá mực nước dâng bình thường theo qui định.

Vận hành hồ chứa đôi khi rơi vào tình huống phải "cân não"

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cho biết, việc vận hành hồ chứa là câu chuyện rất khó, đôi khi ở tình huống "cân não", bởi phải đáp ứng đa mục tiêu như: an toàn cho công trình, an toàn cho hạ du, sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Yêu cầu thủy điện Tuyên Quang xả lũ có đúng qui định? - 3

Ông Hoài khẳng định, trên hệ thống có thể biết được lượng mưa, lưu lượng các hồ chứa. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ông Hoài cho biết, hồ thủy điện Tuyên Quang vận hành theo quy trình liên hồ chứa với các hồ: Hòa Bình, Thác Bà. Nhưng hồ  thủy điện Tuyên Quang lại liên hồ chứa của các công trình thủy điện ở phía trên, nên rất khó khăn trong việc vận hành. Sức ép đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Tuyên Quang rất lớn, bởi nếu thủy điện phía trên mà xả lũ thì hồ thủy điện Tuyên Quang "được hưởng" ngay lập tức. Do đó, đòi hỏi việc vận hành này phải thực hiện đúng theo quy trình mà Thủ tướng đã qui định tại Quyết định 740.

Theo ông Hoài, hồ thủy điện Tuyên Quang một số lần vận hành khiến phía hạ du đã có những sự cố, mặc dù Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, cùng với chính quyền địa phương, nhà máy thủy điện này, đã thông báo cho người dân.

"Ngày 10/7/2017, khi thủy điện Tuyên Quang vận hành xả lũ đã làm đứt cầu phao dưới hạ du, và 34 lồng bè suýt trôi vào nhà máy thủy điện Chiêm Hóa, nếu trôi vào sẽ thiệt hại lớn", ông Hoài nhớ lại.