1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Yên Bình dậy sóng

Ở huyện Yên Bình của tỉnh Yên Bái, cùng lúc người ta đòi “đuổi” 80 giáo viên vô tội ra khỏi biên chế nhà nước, “tống” nhiều người khỏi bục giảng vĩnh viễn khi họ mới vừa tốt nghiệp sư phạm.

Yên Bình dậy sóng

Đã trải qua 3 cuộc họp, đã nhiều ngày ròng, cả 212 giáo viên thừa ở huyện Yên Bình “như ngồi trên đống lửa” với nỗi tuyệt vọng lớn
 
Nhiều người trong số đó đã phải lo lót, bỏ mấy chục đến cả trăm triệu đồng ra để “chạy” đi dạy học tít rừng xanh núi đỏ. Chưa hết, huyện này còn nhận “thừa” đến hơn 300 trường hợp vào các hợp đồng, tuyển dụng, biên chế để rồi… tự tin đòi thải loại.

 

Một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKTTU) Yên Bái thở dài nói với tôi: Có cô giáo chạy 40 triệu, có cô mất tận 120 triệu đồng, bán cả đàn lợn con, lợn nái, bán cả trâu bò đi để chạy, “quá là” chị Dậu trong “Tắt đèn”. “Người ta” đã làm liều đến mức càng điều tra tôi càng dựng tóc gáy lên, nhà báo ạ.

 

Sáng 10/11/2012, sau quá trình dài thuyết phục, chúng tôi đã được các cô giáo “hóa trang” cho, cài vào tham dự một cuộc “đối thoại” nảy lửa giữa 80 giáo viên mầm non sắp bị đuổi ra khỏi biên chế với Chủ tịch UBND, cán bộ các phòng nội vụ, giáo dục huyện Yên Bình. Có lẽ không thể ngờ có nhà báo đến “dự”, nên chân tướng của lối ứng xử nhẫn tâm với các “kỹ sư tâm hồn” bộc lộ khá rõ ràng. Họ đã nhận tiền “của đút” để “ban ơn” các suất biên chế, hợp đồng; rồi họ ban ơn để cho các nhà giáo được gặp và đối thoại với cung cách tổ chức hết sức luộm thuộm, mà sự cãi vã phủ dụ cũng úi xùi lắm. Tôi thấy chưa bao giờ danh dự nhà giáo lại bị coi rẻ như thế.

 

Kiểm điểm, kỷ luật 16 cán bộ

 

Trước đó, từ dư luận dậy sóng, từ phát hiện “vô tình” trong một đợt kiểm tra đầy trách nhiệm, UBKTTU Yên Bái đã quyết liệt tìm hiểu chân tơ kẽ tóc thảm nạn giáo dục Yên Bình. Bản kết luận “06-KL/UBKTTU” của UBKTTU Yên Bái đã chính thức đề cập đến những dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy, cùng các tổ chức Đảng và đảng viên có liên quan ở Yên Bình. Theo đó, 16 vị lãnh đạo, cán bộ đồng loạt bị kiểm điểm và kỷ luật, đứng đầu là ông Bí thư Huyện ủy, cả Chủ tịch UBND huyện, các phòng và cả ở xã. Một sự kiện được bà đương kim Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đánh giá là chưa từng có trong lịch sử.

 

Phòng Giáo dục Yên Bình - nơi khởi đầu của nhiều cơn “sóng gió”.
Phòng Giáo dục Yên Bình - nơi khởi đầu của nhiều cơn “sóng gió”.

 

Riêng ở lĩnh vực giáo dục, theo một lãnh đạo UBKTTU Yên Bái, đã có hơn 300 giáo viên bị “thừa” ra, do họ ký hợp đồng, “trao biên chế” hoặc luân chuyển công tác một cách liều lĩnh. Huyện đang có biện pháp “xử” với 212 giáo viên dôi dư. Văn bản nói là thừa, là hàng trăm giáo viên vẫn chịu cảnh nhiều năm đi vùng cao dạy hợp đồng chờ biên chế, nhưng giáo viên ở các tỉnh khác vẫn “tèn tèn” được điều chuyển về rồi giữ các vị trí béo bở. Nhiều người đi cắm nhà ở ngân hàng, nợ tam khoanh tứ đốm để có số tiền “khổng lồ” thì mới được suất biên chế. “Người ta” đã thiết lập cả đường dây nhận tiền, quà, bổng lộc để “ban” các suất biên chế, hợp đồng, chuyển vùng công tác kể trên.

 

Tội nghiệp cho các thầy-cô giáo vùng cao, lương ba cọc ba đồng, bố mẹ cho ăn học sư phạm tử tế, giỏi giang, vì thất nghiệp nên phải cắn răng “chạy” chỗ làm việc. Vì bị dọa ngay từ đầu là “đưa hối lộ” thì tội cũng nặng như nhận hối lộ, nên các thầy cô không dám khai rõ mình đưa tiền cho ai, bao nhiêu tiền. Nhưng khi được hỏi ai cũng bảo mất tiền, chừng bốn đến năm bảy chục triệu hoặc 120 triệu đồng/suất. Cơ quan thanh tra đã tiếp nhận những lá đơn, tiếp những ông chồng lên tận tỉnh tố cáo người ta nhận tiền của vợ mình (cô giáo) ra sao.

 

“Có người còn bán cả đàn lợn con, mượn con bò của em gái họ đi cầm cố lấy tiền đưa cho người ta lo lót xin được đi dạy học. Đúng là chồng chất nợ nần, bán đàn lợn con cũng như chị Dậu bán đàn chó con trong tác phẩm kinh điển “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố” - một cán bộ “điều tra” vụ việc ngậm ngùi kể.

 

Một ông hiệu trưởng dám thẳng thắn chống lại tình trạng các cơ quan “liên đới” của huyện nhận cả “núi” giáo viên về để... ăn tiền đút lót, rồi “gí” xuống bắt các trường phải nhận “khiến chính trưởng phòng giáo dục cũng không biết cả hiệu trưởng mới bổ nhiệm trong huyện mà mình quản lý” (!), đã nhận định: “Các thầy-cô giáo, nhiều người 10 năm dạy hợp đồng giáo dục, đang cống hiến ở vùng cao rồi, giờ ước ao biên chế, có người học đại học sư phạm ra, ước ao được đi làm. Họ “chạy chọt” để được đi làm, mưu cầu cuộc sống, mưu cầu hạnh phúc, yêu trường mến trẻ, chứ có phải chạy làm quan làm tướng gì đâu - xót xa quá!”.

 

Vị cán bộ UBKTTU này còn đau đớn chứng kiến cảnh “xe ôtô của cán bộ sai phạm cứ xếp hàng dài ở nhà tôi, có khi 12 giờ đêm họ vẫn phục kích chờ tôi về để... xin gặp (nhằm xin nương tay giảm tội). Tôi phải tắt đèn nằm trên gác, hoặc nằm ở ngoài khu nhà mình mà trốn!”.

 

Đột nhập “chảo lửa” của các cô giáo mầm non

 

Trở lại câu chuyện “đột kích” chảo lửa cãi vã ở huyện Yên Bình kể trên. Vì “quan tham” nhận tiền rồi nhận thừa cả mấy trăm giáo viên, nên tỉnh và huyện đã giải quyết hậu quả bằng cách khiển trách vài vị “quan” rồi chuyển họ lên vị trí công tác... cao hơn. Ông chủ tịch huyện tai tiếng nhất trong vụ này thì chuyển lên đảm trách cương vị Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh! Tội lỗi của người ta gây ra, giờ đổ cả lên đầu các cô giáo mầm non liễu yếu đào tơ, nghèo kiết xác, bao năm ròng héo hon với trẻ thò lò mũi xanh ở rừng xanh núi đỏ.

 

Phòng Giáo dục Yên Bình - nơi khởi đầu của nhiều cơn “sóng gió”.
Các cô giáo khổ sở đọc bản hợp đồng được đề nghị ký sau khi hủy biên chế, với những điều khoản vô lý hơn cả hồi... tạm tuyển!

 

Cụ thể, với 212 giáo viên tuyển dụng vượt biên chế, vượt quy mô hợp đồng sẽ bị “giải quyết” trong dịp này, ông Phạm Duy Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - đã ra thông báo nói rõ: Hủy quyết định tuyển dụng với 80 giáo viên biên chế (trong tổng số 119 suất biên chế được tuyển vượt chỉ tiêu).

 

Bà Ngô Thị Chinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết: Chưa bao giờ tỉnh Yên Bái đưa ra nhiều quyết định kỷ luật cán bộ cùng lúc đến như vậy, đủ thấy mức độ nghiêm trọng của vi phạm cũng như thái độ quyết liệt của tỉnh đối với vụ việc kể trên. Tuy nhiên, có một sự thật vô lý mà trẻ lên ba cũng trông thấy: Rằng là tiền tỉ ăn của đút vào túi quan tham, nó là tiền của hàng trăm “chị Dậu” - giáo viên thì đã không lấy lại được, còn hậu quả thì giáo viên phải nai lưng ra gánh chịu.

 

Trở lại với cuộc họp tôi và độc giả đang “xâm nhập” kể trên. Một cuộc họp không giấy mời, không chủ tọa, không thư ký, nháo nhào nhào, giáo viên mầm non không có đàn ông, tất cả 80 chị em đều buồn bã, bất bình, nghiến răng nghiến lợi, nhiều người bụng mang dạ chửa, khóc lóc sầu thảm. Tóm lại là huyện, phòng giáo dục “đánh tiếng” mời 80 cô giáo có biên chế ra để đưa cho họ cái hợp đồng phía họ đã thảo sẵn, rồi bảo các cô ký vào, từ nay các cô không còn là biên chế nhà nước nữa, mà là hợp đồng công chức.

 

Cậu cán bộ phòng giáo dục ra lời trước, rất bề trên, hách dịch: “Mời các đồng chí vào phòng, chúng tôi sẽ phát cho các đồng chí bản hợp đồng, các đồng chí cũng không phải viết tay gì cả mà chỉ việc ký thôi, nếu mà có những thông tin ví dụ như ngày tháng năm sinh, nơi sinh, chứng minh thư, nơi cấp, ngày cấp mà sai thì các đồng chí sửa bằng bút khác màu để tôi biết sửa lại. Còn về cái mục hưởng lương, ở trong này tôi đã tính cả...”. “Quan” huyện úy lạo các kỹ sư tâm hồn của chúng ta rằng: Hợp đồng dân nuôi ấy cũng là hợp đồng công chức, nó có giá trị như... biên chế. Một cô giáo ối giời ơi ầm ĩ, nếu nó giống nhau thì đuổi chúng tôi ra khỏi biên chế, bắt chúng tôi ký lại làm gì?

 

Một trường, có... 2.000 đồng “ngân khố”/năm học

 

Một lãnh đạo UBKTTU Yên Bái đau đớn nói: Chúng tôi phải lên tận Bộ Nội vụ để hỏi xem, việc thừa biên chế và cán bộ giáo viên như thế, xử lý thế nào? Câu trả lời là ai lấy thừa thì người đó chịu trách nhiệm. Nhưng mà ngân sách nhà nước lấy đâu để trả lương cho hơn 300 lao động “thừa” đó? Nhất là trong thời buổi thắt hầu bao, giảm chi như bây giờ. Theo quy chế, lẽ ra, sau khi trả lương thì ngân sách dành cho giáo dục còn 18% kinh phí để phục vụ các hoạt động dạy và học cùng nhiều hoạt động bổ trợ khác. Thế mà, vì thừa giáo viên quá nhiều, nên không có tiền để trả, họ đã phải nợ hàng tỉ đồng tiền lương. Dẫn đến, có trường mỗi năm chỉ có 2.000 đồng... chi cho các khoản khác. Cả huyện trường nào cũng cắt hết các suất mua báo phục vụ nhà trường, “mù thông tin tuốt”. Thiếu tiền đã dẫn đến lạm thu của học sinh và nhiều bi kịch khác. Tính đến kết thúc đợt thanh tra, như trường ở xã Tân Hương, đã nợ 200 triệu đồng tiền lương thầy-cô giáo.

 
(Còn nữa...)

Theo Đỗ Doãn Hoàng

Lao Động