"Xử lý tài xế ma men chống đối phải bình tĩnh, mềm dẻo"
(Dân trí) - Đó là ý kiến của Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội khi nói về việc xử lý của cán bộ, chiến sỹ CSGT đối với các tài xế "ma men"
Thời gian qua, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã triển khai cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn. Trong đó nổi bật là xử lý vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về cơi nới thùng xe và chở hàng quá tải trọng, quá khổ trên đường bộ...
Để tìm hiểu về kết quả của đợt cao điểm xử lý vi phạm nói trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội.
Cách xử lý tài xế "ma men" chống đối
Xin ông cho biết về những kết quả đã đạt được của đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thời gian qua?
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công an TP Hà Nội, Phòng CSGT đã triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự TTATGT; trong đó tập trung xử lý các hành vi vi phạm gồm: vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; vi phạm về cơi nới thùng xe và chở hàng quá tải trọng, quá khổ trên đường bộ; phương tiện đường thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép... để kiềm chế đến mức thấp nhất xảy ra các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Sau 3 tháng triển khai, thực hiện (từ 20/6 đến 20/9/2022), Phòng CSGT đã huy động hơn 13.000 tổ công tác với gần 43.000 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia tuần tra kiểm soát, qua đó đã xử lý hơn 48.000 trường hợp vi phạm về TTATGT, phạt tiền hơn 46 tỷ đồng, tạm giữ hơn 4.700 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe hơn 5.000 trường hợp.
Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 3.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 18 tỷ đồng; xử lý gần 2.400 trường hợp vi phạm về tốc độ, phạt tiền hơn 3,2 tỷ đồng; xử lý hơn 1.800 trường hợp vi phạm về quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe, phạt tiền gần 5 tỷ đồng; xử lý 321 trường hợp chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện trên đường thủy.
Qua ghi nhận thực tế tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn, đã không ít tài xế "ma men" khi bị CSGT yêu cầu kiểm tra tỏ ra chống đối, xin xỏ để bỏ qua lỗi vi phạm hoặc gọi điện thoại để xin trợ giúp. Thậm chí có những trường hợp cố tình lao xe vào tổ công tác để bỏ chạy. Đối với các trường hợp như vậy, quan điểm của phòng CSGT sẽ xử lý như thế nào?
- Khi gặp các trường hợp nêu trên, chúng tôi quán triệt các cán bộ chiến sỹ giữ đúng tư thế, tác phong theo Điều lệnh CAND; bình tĩnh, mềm dẻo nhưng kiên quyết xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và luôn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trường hợp các đối tượng có biểu hiện côn đồ, hung hãn, dùng vũ lực chống người thi hành công vụ, lực lượng CSGT sẽ sử dụng vũ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị hoặc các phương tiện cần thiết theo quy định của pháp luật, để ngăn chặn hành vi của đối tượng và khống chế, vô hiệu hóa sự chống đối, đưa đối tượng vào trụ sở công an nơi gần nhất để xử lý.
Đối với những trường hợp cố tình lao xe vào tổ công tác để bỏ chạy, lực lượng CSGT sẽ nhanh chóng ghi lại thông tin, đặc điểm của phương tiện như màu sơn, nhãn hiệu, biển số để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh và mời người điều khiển phương tiện lên trụ sở công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để làm rõ hành vi vi phạm.
Gần 2 tháng xử lý hơn 4.200 tài xế "ma men"
Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 đang cận kề, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và ngoài Tết, Phòng CSGT đã lên kế hoạch như thế nào?
- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên phạm toàn quốc dịp Tết Nguyên đán Quý mão 2023, từ ngày 15/11/2022, Phòng CSGT đã triển khai, ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội đầu xuân 2023 trên địa bàn thành phố.
Kết quả sau hơn một tháng triển khai, thực hiện kế hoạch (từ ngày 15/11/2022 đến 8/1/2023), Phòng CSGT đã huy động hơn 8.500 tổ công tác với gần 28.000 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia tuần tra kiểm soát, qua đó đã xử lý hơn 33.000 trường hợp vi phạm về TTATGT, phạt tiền hơn 40 tỷ đồng, tạm giữ hơn 4.600 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe gần 4.300 trường hợp.
Cụ thể, CSGT đã xử lý hơn 4.200 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 23 tỷ đồng; xử lý vi phạm về tốc độ hơn 1.500 trường hợp, phạt tiền hơn 1,5 tỷ đồng; xử lý hơn 800 trường hợp vi phạm về quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe; phạt tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Với các con số đã nêu, ông nhìn nhận thế nào về ý thức của người dân tham gia giao thông tại Thủ đô so với cùng kỳ các năm đã qua?
- Trong năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CSGT Công an Thủ đô trong công tác xử lý vi phạm về TTATGT, tình hình TTATGT trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực; ý thức của người tham gia giao thông, các chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải đã được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, chất có cồn tại các nhà hàng, quán ăn, vũ trường, bar, karaoke còn diễn ra phổ biến, nhất là vào buổi trưa và chiều, tối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông giao thông, mất trật tự công cộng.
Xin cảm ơn ông!
Nói về giải pháp để xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách chạy "rùa bò" đón khách gần khu vực bến xe Mỹ Đình mà báo Dân trí vừa phản ánh mới đây, Thiếu tá Đào Việt Long nhấn mạnh: Để giải quyết tình trạng trên, Phòng CSGT đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan, nắm tình hình và có phương án bảo đảm an toàn hoạt động vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, hạn chế tối đa xảy ra tình trạng xe khách "nhồi nhét" khách; xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định hoạt động, như dư luận, quần chúng nhân dân đã phản ánh.