1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đắk Lắk:

Xót xa chứng kiến cuộc sống khốn cùng của cụ già 90 tuổi

(Dân trí) - Trong cái gầm nhếch nhác, bẩn thỉu và ẩm thấp dưới nhà văn hóa cộng đồng buôn Knia 1, xã Ea Bar (Buôn Đôn, Đắk Lắk), có một cụ già tóc bạc, mặt mũi nhem nhuốc, mang những hơi thở yếu ớt gồng sức thổi vào bếp củi...

Xót xa chứng kiến cuộc sống khốn cùng của cụ già 90 tuổi
Nhà văn hóa cộng đồng buôn Knia 1 khóa cửa “phơi nắng dầm sương”. Dưới gầm nhà, một cụ già sống lay lắt đã 5 năm nay.

Đó là cụ Y Chô Ê-ban, 90 tuổi, vô gia cư, hơn 5 năm nay sống một mình dưới gầm nhà văn hóa cộng đồng của buôn.

Người dân buôn Knia 1 kể, cụ Y Chô Ê-ban trước kia cũng có một gia đình khá đàng hoàng, nhưng do chung sống không hòa hợp nên vợ chồng cụ đã chia tay. Cụ Y Chô có hai con trai, một đã chết, một theo chế độ mẫu hệ của người Ê đê nên đang ở nhà vợ. Cụ Y Chô ở với các cháu một thời gian nhưng sau đó bỗng thấy cụ khăn gói dọn đến gầm nhà văn hóa cộng đồng sống.

Cụ Y Chô Ê-ban và cuộc sống dưới gầm nhà văn hóa
Cụ Y Chô Ê-ban và cuộc sống dưới gầm nhà văn hóa
Cụ Y Chô Ê-ban và cuộc sống dưới gầm nhà văn hóa

Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Y Chô không còn đủ sức để lao động, cơm nước hàng ngày bữa no bữa đói. “Nhà” của cụ giống như ổ chuột, chỉ rộng vài mét vuông, vô cùng bẩn thỉu, nhếch nhác và lộn xộn. Không ai đến chăm nom cụ nên đồ đạc, xoong nồi, gạo củi, bao bì… nằm ngổn ngang hỗn độn. Trong góc tối tăm có kê một cái giường cũ nát, chăm màn ám khói bếp nhem nhuốc.

Nơi đây không có điện, khi mặt trời khuất hẳn cũng là lúc cuộc sống của cụ Y Chô bị bóng tối dìm nghỉm. Cuộc sống mù mịt và khốn cùng ấy của cụ đã kéo dài hơn 5 năm nay.

Cụ nói tiếng Kinh chữ được chữ mất, mặt lúc nào cũng nhăn nhó vì bị chứng tê thấp hành hạ. Cụ tâm sự tay trái, chân trái đã bị liệt, khi đi lại phải chống gậy, lê lết. Ốm đau già yếu nhưng cụ chẳng có nổi một viên thuốc, những lúc trời mưa, nước mưa tạt cắt mặt vào thẳng nơi tá túc của cụ, khiến mọi thứ đều ướt sũng.

Khi chúng tôi đến, chứng kiến bữa cơm của cụ Y Chô Ê-ban; ngoài một ít cơm trắng vừa nấu chín còn có 3 con cá khô kẹp trong chiếc vỉ sắt nằm bên xó bếp, đã bốc mùi. Cụ khoe cá này được người dân mang đến cho, rồi bảo bữa cơm này đã “khá” hơn so với mọi ngày.

Bữa ăn của cụ Y Chô Ê-ban rất may vẫn còn có cơm trắng
Bữa ăn của cụ Y Chô Ê-ban rất "may" vẫn còn có cơm trắng

Cô giáo Lê Thị Bích Liên - giáo viên dạy mầm non trường Hoa Thiên Lý phân hiệu tại buôn Knia 1 - tâm sự: “Cụ Y Chô Ê-ban lâu lâu mới thấy có người đến cho thức ăn. Còn các cô giáo dạy ở đây có thức ăn gì thì cũng cho cụ. Mỗi lần chia thức ăn cho các cháu còn cơm thì chia cho cụ với, hoặc nhà bếp còn dư thì mình lấy thêm đưa qua cho cụ nhưng lúc có lúc không, lúc mà cháu không đủ thì mình không đáp ứng được. Chân cụ bị liệt đi có nổi đâu! Có lúc trời lạnh không thấy cụ đi lại mấy ngày. Trước kia thì thấy có thắp đèn, nhưng giờ không thấy thắp nữa chắc là cụ không có tiền mua dầu…”.

Bà H’Riu (53 tuổi, vợ của trưởng buôn Knia 1) nói, thấy cụ sống khốn khổ như vậy cũng thấy tội nhưng bà con ở đây cũng toàn người nghèo, muốn giúp cũng khó.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Y Sen Kbuôr - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar - cho biết, cụ Y Chô Ê-ban giấy tờ ghi sinh năm 1923. Do con cháu không quan tâm nên cụ sống ở dưới nhà văn hóa cộng đồng từ năm 2008. UBND xã cũng muốn quan tâm tới cụ nhưng muốn xây nhà cho cụ mà không có đất.

Hỏi: Chính quyền địa phương định để cụ Y Chô Ê-ban tiếp tục sống dưới nhà gầm nhà văn hóa cộng đồng bao lâu nữa? Ông Y Sen Kbuôr phân trần: “Chúng tôi có thể xây nhà cho ông Y Chô ở khu đất của xã theo diện 167, nhưng cái khó nữa là ông Y Chô không chịu đến đó ở vì xa buôn, lại không có người chăm sóc. Cách để làm được là thuyết phục con cháu ông cho một miếng đất...”. Hỏi: Vì sao xã không hỗ trợ cung cấp điện cho cụ Y Chô Ê-ban? Ông Y Sen nói sắp tới sẽ nghiên cứu lại.

Bữa ăn của cụ Y Chô Ê-ban rất may vẫn còn có cơm trắng
 
Ông Y Sen khẳng định: “Ông không bao giờ thiếu đâu! Các ngày lễ, tết các đơn vị, nhà hảo tâm khi đến thăm ông còn cho ông phong bì riêng nữa…”.
 
Được biết, hàng tháng cụ Y Chô được trợ cấp xã hội 180.000 đồng.

Viết Hảo