Xin chuyển đổi 45ha rừng phòng hộ làm dự án du lịch cao cấp
(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng về Dự án Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh (Ninh Thuận) đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng 45ha rừng đặc dụng - yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) để lấy ý kiến tham vấn cộng đồng.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là gần 3,6 triệu m2; trong đó đất nông nghiệp của người dân trên 240.000m2, đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam quản lý khoảng 450.000m2 và đất chưa sử dụng do UBND xã Phước Dinh quản lý gần 3 triệu m2.
Chủ dự án - Công ty cổ phần Cap Padaran Mũi Dinh, dự kiến đưa toàn bộ dự án vào hoạt động vào tháng 10/2032.
Dự án được chia làm 4 giai đoạn thực hiện, trong đó sẽ xây dựng các căn hộ nghỉ dưỡng, tổ hợp khách sạn, quán bar, khu biệt thự du lịch, căn hộ du lịch thương mại liền kề…
Khu du lịch cao cấp này dự kiến phục vụ 35.000 người/ngày.
Việc phải chuyển đổi đất có rừng tự nhiên gần 17ha và đất chưa có rừng hơn 28ha thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo ĐTM theo Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan thẩm định là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chủ đầu tư khẳng định dự án Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh không chồng lấn với các dự án về khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Báo cáo ĐTM cũng trích dẫn các văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận về việc đã báo cáo, giải trình ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Trong đó, thừa nhận dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng của 45ha đất rừng phòng hộ thuộc yếu tố nhạy cảm về môi trường theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 28, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Tại khu vực dự án, chủ đầu tư nói có 5 căn nhà cấp 4, với 5 hộ dân đang sinh sống và một số chòi tạm. Người dân trong khu vực sinh sống chủ yếu làm nghề nông.
"Khi triển khai thực hiện dự án, những tác động do hoạt động thi công xây dựng cũng như khi đưa dự án vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến người dân sinh sống nơi đây. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, chủ dự án phải nghiêm túc quản lý, giám sát các đơn vị nhà thầu thi công thực hiện thi công theo đúng thiết kế được phê duyệt và các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường", báo cáo ĐTM nhìn nhận.
Các bước lập, thẩm định, phê duyệt ĐTM
Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022 của Chính phủ, báo cáo ĐTM của dự án được tiến hành theo các trình tự sau:
- Bước 1: Nghiên cứu dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế cơ sở dự án.
- Bước 2: Nghiên cứu điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khu vực dự án.
- Bước 3: Khảo sát, đo đạc và phân tích chất lượng môi trường khu vực dự án.
- Bước 4: Xác định các nguồn tác động, đối tượng và quy mô tác động. Phân tích và đánh giá các tác động của dự án đến môi trường tự nhiên, xã hội.
- Bước 5: Xây dựng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường của dự án.
- Bước 6: Xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường của dự án.
- Bước 7: Tham vấn cổng thông tin điện tử Bộ tài nguyên và Môi trường, tham vấn các đối tượng có liên quan.
- Bước 8: Tổng hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.
- Bước 9: Bảo vệ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường trước Hội đồng thẩm định.
- Bước 10: Chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo góp ý của Hội đồng thẩm định, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.