1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xe máy leo đường cấm, đi ngược chiều ở Hà Nội: Vắng CSGT là vô tư vi phạm

Trần Thanh

(Dân trí) - Lực lượng chức năng cho biết, việc người dân đi ngược chiều, đi vào đường cấm... không phải là mới, tuy nhiên, do một bộ phận người dân ý thức chưa cao nên tình trạng này vẫn tái diễn.

Thời gian qua, báo Dân trí đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng một bộ phận người dân tại TP Hà Nội có hành vi điều khiển xe máy, xe đạp... đi vào đường cấm, đường ngược chiều trên nhiều tuyến phố. Việc này tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Xe máy liều mình "đua tốc độ" cùng ô tô

Theo ghi nhận của phóng viên, vào các khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, trên các tuyến đường, phố như Láng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Trường Chinh, Đại La, Tố Hữu... tình trạng xe máy đi ngược chiều diễn ra dày đặc. Thậm chí có thời điểm, hàng chục xe máy nối đuôi nhau đi ngược chiều.

Xe máy leo đường cấm, đi ngược chiều ở Hà Nội: Vắng CSGT là vô tư vi phạm - 1

Đoàn xe máy ngang nhiên đi ngược chiều đường Tố Hữu (Ảnh: Trần Thanh).

Việc một số người dân vi phạm như đi xe máy vào đường cấm trên Vành đai 2, Vành đai 3 trên cao cũng gây bức xúc với các tài xế ô tô.

Anh Tuấn Vũ (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh rất ngao ngán khi phải điều khiển ô tô đi chung với xe máy trên đường Vành đai 2 trên cao.

"Nhiều người cứ vin vào lý do đường tắc rồi đi lên đường cấm xe máy. Việc này rất nguy hiểm, bởi đây là đường dành riêng cho ô tô di chuyển với tốc độ cao", anh Vũ bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Trung tá Bùi Đăng Hùng, tổ trưởng tổ công tác xử lý xe máy đi ngược chiều trong ca làm việc ngày 25/10 (Đội CSGT đường bộ số 3, Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, với lỗi đi ngược chiều, các tài xế xe máy sẽ bị xử phạt rất nặng tới 1,5 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Theo Trung tá Hùng, việc người dân vi phạm đi ngược chiều, đi vào đường cấm... không mới, do một bộ phận người dân ý thức chưa cao nên tình trạng này tái diễn thời gian dài.

Xe máy leo đường cấm, đi ngược chiều ở Hà Nội: Vắng CSGT là vô tư vi phạm - 2

Khi phát hiện CSGT, một người vi phạm liều lĩnh quay đầu xe máy bỏ chạy trên đường cấm xe máy Vành đai 2 (Ảnh: Trần Thanh).

"Vào các khung giờ cao điểm như ngày lễ, Tết... các khung giờ cao điểm buổi sáng, chiều, mật độ phương tiện tăng cao, diễn biến phức tạp, một số người ý thức chưa cao đã viện nhiều lý do để vi phạm. Đây là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Ngoài ra, tại một số thời điểm, ở các nút, điểm giao thông có các công trình đang xây dựng, một số người dân cũng lợi dụng việc này để vi phạm. Khi được hỏi lý do thì nhiều người nói để tiết kiệm thời gian, tránh phải di chuyển quãng đường xa hơn", Trung tá Hùng chia sẻ.

Soi camera phạt nguội, lập trang Zalo nhận phản ánh

Theo Trung tá Hùng, trước tình hình trên, lực lượng CSGT đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm phòng ngừa ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Theo Phòng CSGT Hà Nội, trong tháng cao điểm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông với học sinh vừa qua, lực lượng CSGT toàn TP Hà Nội đã tổ chức gần 150 buổi tuyên truyền tại các điểm, trường học trên địa bàn.

Ngoài ra, tại các điểm, nút giao thông trọng điểm, có tình hình giao thông diễn biến phức tạp, hoặc có các công trình đang xây dựng, các đơn vị địa bàn thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng như Sở GTVT, thanh tra giao thông... tổ chức khảo sát, đề xuất các giải pháp giao thông phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông, phòng ùn tắc.

Xe máy leo đường cấm, đi ngược chiều ở Hà Nội: Vắng CSGT là vô tư vi phạm - 3

Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp vi phạm đi vào đường ngược chiều ở Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

"Ngoài việc xử lý trực tiếp các hành vi vi phạm, lực lượng CSGT còn sử dụng cả camera phạt nguội để phát hiện, phạt nguội các trường hợp vi phạm", Trung tá Bùi Đăng Hùng cho biết.

Phòng CSGT Hà Nội cũng có trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội" tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông.

"Thời gian qua, đơn vị liên tục xử lý các trường hợp đi ngược chiều. Đây là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng này lại tái diễn gây bức xúc cho người tham gia giao thông", Trung tá Hùng nói.

Lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đơn vị này đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó đề xuất điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc và một số nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Xe máy leo đường cấm, đi ngược chiều ở Hà Nội: Vắng CSGT là vô tư vi phạm - 4

Một trường hợp đi xe máy ngược chiều đường Cát Linh rồi bỏ chạy khi thấy CSGT (Ảnh: Trần Thanh).

Theo lãnh đạo Cục CSGT: "Việc tăng mức xử phạt đối với một số hành vi là hoàn toàn cần thiết, đảm bảo tính nhân văn và nâng cao ý thức người lái xe, xây dựng môi trường văn hóa giao thông bình đẳng, văn minh. Tất cả các giải pháp nhằm vào việc kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông liên quan đến học sinh".