TPHCM:
Xe buýt sạch - còn lắm gian nan
(Dân trí) - Vừa tiết kiệm chi phí tiêu hao nhiên liệu lại giảm lượng phát thải các chất độc hại, xe buýt CNG (sử dụng khí nén thiên nhiên) đang được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải còn băn khoăn vì thiếu cơ chế hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, những vướng mắc như bến bãi, trạm bơm khí, hạ tầng đi kèm cũng khiến doanh nghiệp còn e dè…
Lợi nhiều nhưng khó phát triển
Tại hội thảo “Sử dụng nhiên liệu CNG trong giao thông vận tải khu vực miền Nam” vừa diễn ra, ông Lê Hoàng Minh – Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, từ năm 2011, thành phố cho thí điểm đầu tư 21 xe buýt CNG nhập khẩu, đưa vào phục vụ vận tải hành khách công cộng.
Sau 1 năm chạy thử nghiệm, các xe buýt CNG tiết kiệm được 2 tỷ đồng (23% chi phí nhiên liệu) so với các xe chạy dầu diezel trên cùng cự ly. So với động cơ xăng và dầu diezel thì sử dụng khí CNG động cơ vận hành êm, các khí độc hại giảm từ 53 – 63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không gây bụi và khói đen.
Ông Minh đánh giá, việc sử dụng nhiên liệu sạch trong hoạt động vận tải giúp giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Và từ năm 2012, nhiều doanh nghiệp có điều kiện cũng đầu tư xe buýt CNG phục vụ vận tải hành khách.
Theo ông Minh, sở GTVT TP đã tham mưu cho UBND TP ban hành chính sách hỗ trợ vốn đầu tư đổi mới xe buýt (nhà nước hỗ trợ 70% vốn vay với lãi suất ưu đãi), cho phép giữ lại phần chênh lệch giá giữa nhiên liệu CNG và Diezel trong cơ cấu trợ giá.
Tuy nhiên, những cơ chế, chính sách hỗ trợ này vẫn chưa tạo được sự đột phá trong việc chuyển đổi, đầu tư phát triển hệ thống xe buýt CNG. Tính đến nay, trong tổng số gần 2.700 xe buýt đang hoạt động trên 136 tuyến ở thành phố thì mới có 137 xe sử dụng nhiên liệu CNG.
Còn ông Trần Văn Quang – Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, cho rằng địa phương này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đề án 550 xe buýt CNG trong 5 năm qua.
“Sở đã trình UBND tỉnh Đồng Nai 2 lần và chủ yếu là xin chính sách để thực hiện nhưng vẫn vướng. Giá xe xấp xỉ 3 tỷ đồng/chiếc thì may đâu có TPHCM còn đầu tư được còn đối với các tỉnh thì rất khó. Nếu bỏ khoảng 1,5 tỷ đồng, còn lại trung ương hỗ trợ thì may đâu chúng tôi mới đầu tư được, còn như hiện nay thì rất khó”, ông Quang nói.
Vốn lớn lại thiếu chính sách hỗ trợ
Ông Phùng Đăng Hải – Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TPHCM cho rằng doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ tốt hơn. Theo ông Hải, với áp lực trả nợ ngân hàng hiện nay thì trung bình 1 xe buýt CNG phải có thu nhập từ 35 – 40 triệu đồng/tháng và phải ổn định như vậy trong vòng 7 năm thì mới trả đủ nợ gốc lẫn lãi.
“Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhiều của chính sách Trung ương nhưng thực tế hiện nay các chính sách hay chủ trương về việc tạo điều kiện cho xe buýt CNG chỉ dùng lại ở cấp Sở. Không có chính sách hỗ trợ rất nguy hiểm. Mới chỉ hỗ trợ lãi suất thì không ăn thua. Hàn Quốc hỗ trợ đơn vị mua 1 xe lên tới 18.500 USD, bằng cách trừ vào tiền mua xe và hàng loạt chính sách nên phát triển xe này mạnh. Còn mình đây rất hồi hộp”, ông Hải nói.
Ngoài ra, ông Hải cũng băn khoăn về nguồn cung cấp nhiên liệu CNG liệu có ổn định hay không? Việc quy hoạch giữa các trạm bơm cung cấp nhiên liệu cũng là vấn đề cần phải bàn. Cả TPHCM hiện có 4 trạm. Thế nên có nhiều trường hợp xe đi vào hoạt động đã hết nhiên liệu giữa đường và phải rất vất vả kéo về.
Còn ông Võ Hoàng Khải, Phó giám đốc Sở GTVT Hậu Giang đặt vấn đề về việc cải tạo, chuyển đổi các xe đang sử dụng nhiên liệu diesel sang CNG có thể thực hiện được không? So với xe mới thì tiết kiệm được kinh phí như thế nào? Hiệu quả hoạt động ra sao?
Theo chuyên gia đến từ Hàn Quốc, việc chuyển đổi động cơ dầu sang động cơ sử dụng khí nén không khó khăn. Tuy nhiên, đối với xe hoạt động từ 5 năm trở xuống thì mới đạt hiệu quả. Còn hiện tại xe buýt ở TPHCM hầu hết đã cũ nên chuyển đổi động cơ sẽ không đạt hiệu quả về kinh tế và không đáng được khuyến khích.
Ông Trần Văn Quang – Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai đề nghị các tỉnh, thành cần có tiếng nói chung để trình trung ương xin chính sách hỗ trợ còn để các tỉnh tự lo chính sách thì khó chạy nổi.
“Trung ương cần có chính sách mạnh hơn về thuế nhập khẩu, hỗ trợ kinh phí để xây dựng các trạm bơm khí nén. Doanh nghiệp cần được vay lãi thấp, hoặc vay không tính lãi để đầu tư. Để sử dụng xe buýt sạch giúp giảm gây ô nhiễm môi trường thì trung ương và địa phương phải cùng làm”, ông Quang nói.
Quốc Anh