1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Xác minh thông tin côn đồ bảo kê máy gặt lúa, ép giá nông dân

(Dân trí) - Ngay sau khi xuất hiện thông tin có tình trạng xã hội đen bảo kê máy gặt lúa, ép giá nông dân trên địa bàn xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc làm rõ.

Theo tìm hiểu của Dân trí, sáng ngày 12/9, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh, huyện Kỳ Anh, đặc biệt là Công an tỉnh này phải khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin, đồng thời xử lí nghiêm minh (nếu có) tình trạng xã hội đen bảo kê máy gặt lúa, ép giá nông dân xảy ra trên địa bàn xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh.

Theo phản ánh, do bị côn đồ khống chế nên tại thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân chỉ có 1 máy gặt lúa khiến việc thu hoạch vụ hè thu chậm hơn các địa bàn khác trong thôn (Ảnh: Cẩm Thạch).
Theo phản ánh, do bị côn đồ khống chế nên tại thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân chỉ có 1 máy gặt lúa khiến việc thu hoạch vụ hè thu chậm hơn các địa bàn khác trong thôn (Ảnh: Cẩm Thạch).

Ngay trong sáng cùng ngày một tổ công tác của huyện Kỳ Anh đã về xã Kỳ Xuân làm việc với chính quyền xã này, đồng thời xuống cánh đồng của thôn Quang Trung- nơi được phản ánh xuất hiện tình trạng “xã hội đen” bảo kê, ép giá nông dân- để nắm bắt thực tế phản ánh của bà con nông dân.

Chiều tối cùng ngày 12/9, Thiếu tá Võ Châu Tuấn, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh thông tin kết quả xác minh bước đầu nội dung vụ việc.

Thiếu tá Tuấn xác nhận, tại địa bàn thôn Quang Trung có xuất hiện việc giá gặt lúa của một người đưa máy về cho bà con cao hơn giá niêm yết của xã 10.000 đồng. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Tuấn, đây là mức giá đã được cả người dân, chủ máy gặt và chính quyền xã thống nhất với nhau xuất phát từ ruộng lúa ở thôn Quang Trung trũng sâu, khó gặt.

“Vào đầu tháng 9/2018, anh Quan Tự Đức (thường gọi là Úc Râu, sinh năm 1990, trú tại xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) trực tiếp liên hệ với người dân thôn Quang Trung để đưa máy về gặt lúa. Hai bên thống nhất giá mỗi sào 170.000 đồng. Tuy nhiên tại thông báo niêm yết giá gặt mỗi sào lúa trên địa bàn xã của UBND xã Kỳ Xuân là 160.000. Vì có sự chênh lệch giữa giá niêm yết với giá thực tế nên chính quyền xã Kỳ Xuân đã có ý kiến với anh Đức. Tuy nhiên, anh Đức không thống nhất như giá niêm yết của xã vì cho rằng khu vực ruộng tại thôn Quang Trung trũng sâu, khó gặt. Sau đó vì không liên hệ được máy gặt khác nên chính quyền đã thống nhất giá gặt mỗi sào như thỏa thuận của anh Đức với người dân thôn Quang Trung” – Thiếu tá Tuấn thông tin.

Về thông tin côn đồ ngăn không cho người dân đưa máy về gặt cho bà con nông dân, Thiếu tá Tuấn cho hay, đầu tháng 9/2018, anh Trần Tiến Dũng (SN 1972, trú tại thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân) có liên hệ với anh Cao Xuân Quy (trú tại thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong) để đưa máy về gặt tại địa bàn thôn. Khi anh Quy đưa máy xuống xã Kỳ Xuân, biết máy Quan Tự Đức đang gặt ở đây, mặt khác thấy diện tích cần gặt ít, nên anh Quy nhường lại cho anh Đức gặt mà không tham gia gặt lúa tại xã Kỳ Xuân nữa.

Thiếu tá Tuấn cho biết, hiện lực lượng công an huyện đang cử một tổ công tác rà soát trên địa bàn toàn huyện, nếu có việc bảo kê chèn ép nông dân là Công an huyện xử lí nghiêm, có đủ dấu hiệu phạm tội là khởi tố vụ án ngay.

Trước đó, nhiều thông tin phản ánh, những ngày qua khi đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu, nhưng nhiều hộ nông dân ở thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) phải “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận bị “chặt chém” giá gặt rất cao. Nguyên nhân người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài chiếc máy độc quyền mà thành phần “xã hội đen” bảo kê đưa về đây.

Văn Dũng