1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xác định Người có công: Khoảng 19.000 trường hợp không còn giấy tờ

(Dân trí) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, khảo sát hơn 2 triệu đối tượng chính sách giai đoạn 1 cho thấy tỉ lệ hưởng đúng, đủ chiếm gần 96%. Tuy nhiên, cả nước còn hơn 63.700 trường hợp đang xem xét xác nhận người có công, hơn 75.000 trường hợp hưởng chưa đầy đủ, hơn 2.900 trường hợp hưởng sai.

 

tham-thuong-binh-5084c

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền (trái) thăm và tặng quà cựu chiến binh tại Lào Cai.

Giải quyết thêm hơn 9.600 trường hợp hưởng chính sách

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, kết quả khảo sát gần đây cho thấy, cả nước có hơn 63.768 trường hợp kê khai chờ được xem xét xác nhận người có công. Việc xử lý đã được đẩy nhanh hơn thời gian trước đây.

Cụ thể, tới đầu tháng 7/2015, các địa phương đã xác nhận và giải quyết chế độ đối với 9.622 trường hợp, ngành LĐ- TB&XH đang hướng dẫn lập hồ sơ 13.724 trường hợp; chuyển các cơ quan khác theo thẩm quyền để hướng dẫn xem xét 20.771.

Tuy nhiên, khoảng 19.000 trường hợp không còn giấy tờ trong 63.768 trường hợp chờ được xem xét xác nhận. Đây là những vướng mắc không nhỏ để giải quyết.

“Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để  đôn đốc các địa phương xử lý những trường hợp còn tồn đọng, thành lập các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn các địa phương giải quyết những vướng mắc trong quá trình xác lập hồ sơ” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), bên cạnh số đối tượng chờ hưởng chính sách, cả nước vẫn còn 75.978 người chưa được hưởng đầy đủ, hưởng sai là 2.901 người.

Khảo sát mới đây của Cục Người có công, cho thấy: Về các đối tượng hưởng chưa đầy đủ, các tỉnh đã giải quyết được 47.134 trường hợp, đang xem xét 11.496 trường hợp và chưa giải quyết 1.027 trường hợp.

Tuy nhiên, việc giải quyết những trường hợp hưởng sai chính sách mới có báo cáo số tiền truy thu ở 3 địa phương là Hà Nội, An Giang và Quảng Ninh. Ngoài ra còn nhiều tỉnh chưa có báo cáo kết quả giải quyết việc hưởng sai.

Một trong những khó khăn của việc xử lý việc hưởng sai vì liên quan tới nhiều cơ quan khác nhau. Đặc biệt là cơ quản quản lý người bị thương, hy sinh hoặc cấp giấy chứng nhận.

“Ví dụ như hưởng sai bệnh binh, thương binh phải có văn bản kết luận của cơ uan đã cấp giấy chứng nhận bị thương, bệnh tật. Đề nghị các địa phương nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, kết luận để có kết quả báo cáo giải quyết” - một chuyên gia của Cục Người có công cho biết.

Giám định gần 8.500 mẫu hài cốt liệt sĩ

Căn cứ vào sự phân công của Chính phủ, đề án về công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ được giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý, đề án về công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai việc phân tích lấy mẫu hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin với sự cẩn trọng cao. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị giám định, thực hiện việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ để so sánh đối khớp, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ở các nghĩa trang liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ mới được quy tập về để phân tích ADN phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Cụ thể, 8.495 mẫu hài cốt liệu sĩ và 2.288 mẫu sinh phẩm thân nhân được giám định ADN. Trong đó, việc lấy mẫu phân tích, đối chiếu được triển khai với 3.041 mẫu hài cốt liệt sĩ và 2.288 mẫu thân nhân. Công tác phân tích ADN với 2.723 mẫu hài cốt liệt sĩ và 1.860 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.

Cơ quan chức năng đã so sánh, đối chiếu và thông báo kết quả 846 trường hợp (317 mẫu có quan hệ huyết thống, 491 mẫu không có quan hệ huyết thống, 110 mẫu đã phân hủy, không phân tích được ADN). So với mục tiêu của Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, kết quả giám định ADN là 10.000/8.495 = 84,95%.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân liệt sĩ chưa biết thông tin về phần mộ liệt sĩ để phân tích và lưu giữ ADN phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin;

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu ban hành quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng ngân hàng gen phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Hoàng Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm