Bừng tỉnh giữa đêm khuya
Giữa màn đêm yên tĩnh, cơn mưa mùa hạ nặng hạt xuất hiện. Mấy ai ngờ rằng đó là nguồn cơn khiến 5 con người trong một bản làng phải ra đi vĩnh viễn. Ngày 26/5, cao điểm của mùa hè oi bức, ban ngày vừa nắng như đổ lửa, đêm đến đã lại đổ xuống bất ngờ một cơn mưa rừng dữ dội. Cơn mưa lớn kéo dài 3 tiếng đồng hồ, ngay sau đó là những dòng nước đổ về từ đầu nguồn như thác lũ.
Gỗ, cây cối sau cơn lũ đã choán hết mặt đường, khiến các phương tiện không thể đi được
Tiếng nước ầm ầm kéo theo bao nhiêu cây cối, từng mảng núi cũng bị nước lũ bóc đi hàng ngàn m3 đất đá. Trong chốc lát, bản Pa Tý thuộc xã Yên Tĩnh chìm trong làn nước đỏ ngầu đặc quánh.
Trên chòi canh rẫy, ba người trong một gia đình gồm anh Lương Văn Dân, 30 tuổi; chị Lữ Thị Khát, 26 tuổi, vợ anh Dân cùng đứa con trai của họ là Lương Văn Sắn, mới 5 tháng tuổi đang ngon giấc bỗng bị nước lũ cuốn đi mỗi người mỗi ngả. Mãi đến ngày 28/5, sau khi lực lượng cứu hộ tích cực truy tìm, thi thể anh Dân mới được tìm thấy cách nương rẫy của anh tới 20km, vợ anh cũng bị nước lũ đưa đi xa 30km và đứa con 5 tháng tuổi thì nằm lại nương rẫy.
Cùng bản Pa Tý, hai anh em Lương Văn Hải (14 tuổi) và Lương Văn Quỳnh (11 tuổi) vì mới được nghỉ hè nên rủ nhau lên chòi canh ngô ngủ, canh thay cho bố, đêm hôm đó cũng mất mạng trong dòng nước lũ hung ác. Thông tin mới nhất, đến sáng nay (29/5) thi thể của hai em vẫn chưa được tìm thấy.
Anh Vi Văn Hòa trong căn nhà xập xệ bị lũ cuốn đi một nửa, vẫn chưa hết hốt hoảng kể lại: “Chưa bao giờ người dân chúng tôi chứng kiến thiên tai giáng họa như thế này. Vừa lốp đốp những hạt mưa, một lát sau mưa mù mịt trời đất, trời tối như mực đổ. Chỉ trong gang tấc nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt. Chỉ 10 phút sau căn nhà đã bị cuốn đi một nửa. Thú thật, bà con chúng tôi sống ở đây hết thế hệ này đến thế hệ khác chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ quét kinh hoàng như thế này…”.
Các chiến sỹ lội bộ vào bản giúp bà con
Chị Lương Thị Lan, người may mắn thoát nạn trong trận lũ quét kể lại: “Chồng đi ra thị trấn thăm bà con ngoài đó, hai mẹ con ở nhà cơm nước xong sang nhà hàng xóm chơi. Một lúc thấy sấm chớp liên hồi, mưa lớn xuất hiện, hai mẹ con ôm nhau chạy về lấy củi đang phơi ngoài sân vào kẻo ướt. Đang trên đường chạy về, gió lớn, mưa như xối nước đẩy hai mẹ con ngã giữa đường. Tôi cố gượng dậy ôm con chạy, được một đoạn thì một làn nước cộng với đất đá lướt qua chỗ hai mẹ con vừa ngã. Tôi quay mặt lại nhìn thì một đoạn đường bị cắt đứt, nước chảy như thác đổ”.
Đêm Pa Tý dữ dội. Nếu mưa lớn kéo dài thêm 1 tiếng đồng hồ nữa thôi, bản làng này sẽ ra sao?
Tang tóc Pa Tý
Con đường vào bản Pa Tý, xã Yên Tĩnh là con đường độc đạo dài khoảng 50km nhưng đã bị lũ quét sạt lở, núi sập vùi lấp, đất bám dày 1m nên mọi phương tiện đều phải bó tay. Cách duy nhất để tiếp cận Pa Tý là đi bộ mất khoảng 5 giờ đồng hồ. Ngày 27, 28/5, dân quân, bộ đội, công an và cán bộ huyện Tương Dương đã huy động máy móc, nạo vét, ủi mở đường vào Pa Tý nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
Xã Yên Tĩnh phút chốc tan hoang vì thiên tai và tang thương với 5 đám tang trong cùng 1 ngày. Trên khuôn mặt những người ở lại ai cũng ủ dột, ngơ ngác, bàng hoàng. Họ không ngờ rằng cơn mưa đầu mùa hạ lại khắc nghiệt đến thế, đã đẩy họ vào những khó khăn chất chồng khi hàng trăm ha hoa màu, lúa, nhà cửa, ruộng nương, vườn, trâu bò… đội nón ra đi.
Bầu trời vẫn u ám, mùi hôi thối từ bùn xông lên nồng nặc.
Trong căn nhà sàn cũ kỹ, cụ Lương Văn Vinh, 80 tuổi, bố anh Dân ngồi thẫn thờ, đôi mắt đỏ hoe: “Già này năm nay đã 80 tuổi chưa từng chứng kiến cảnh lũ quét này bao giờ. Cháu và con của ta đã bị thần chết cướp đi trong gang tấc, nếu như hôm đó nó ở nhà với ta thì đã không có chuyện gì xảy ra rồi. Đau lắm các anh ơi, khổ lắm chứ, nó chết ở rẫy thì giờ nó trở thành ma rẫy mất rồi…”.
Công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng những nơi có xác chết động vật và người
Ông Trịnh Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh - rầu rĩ: “Xã chúng tôi bị nặng nhất, thiệt hại về người cũng nặng nhất. Bây giờ nhìn Pa Tý hoang tàn, tiêu điều xác xơ, đau thương mất mát, nhà cửa tan hoang không biết đến bao giờ được như trước”.
Dòng nước lũ không chỉ gây thiệt hại về người mà còn làm sụp đổ nhà cửa, phá hoại hư hỏng nhiều công trình giao thông, làm tê liệt hệ thống điện, thông tin liên lạc, cô lập các địa bàn. Hiện công tác cứu hộ, cứu trợ đang được các ban ngành từ tỉnh tới huyện gấp rút tiến hành.
UBND huyện cũng giao cho Trung tâm Y tế huyện đưa người xuống địa bàn 3 xã Yên Na, Yên Tĩnh và Yên Hòa để phun thuốc tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt chú trọng đến nước uống cho bà con, kịp thời hỗ trợ gạo, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho gia đình mỗi người chết 4 triệu đồng và mỗi gia đình có nhà bị sập 5 triệu đồng.
Báo cáo mới nhất đến sáng 29/5 từ Ban PCLB huyện Tương Dương như sau: Tuyến đường Yên Na - Yên Hoà dài 8 km đang bị tắc. Có 8 điểm sạt lở 1.000 m3; 6 điểm sạt lở mất 1/2 mặt đường với chiều dài 1km, lấp toàn bộ các cống trên tuyến, 01 cầu dân sinh bản Xiêng Nứa bị cuốn trôi, 21 ha lúa bị vùi lấp, 14 ha ao cá bị san phẳng; 160 nhà bị ngập, sập; 2 xe máy và 1 máy xay xát bị cuốn trôi, 14 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng, 2 công trình thuỷ lợi và 4km kênh mương bị hỏng, đường điện 35KV bị gãy, 1 cột và đường điện 0,4KV bị hỏng khoảng 300m; Trường THCS Yên Tĩnh bị hỏng 2 bộ máy vi tính; 25 tấn xi măng xây dựng trường THCS bị ngập, ước tính thiệt hại ban đầu 25 tỷ đồng. |
Nguyễn Duy