Xả lũ đột ngột ở Đắk Lắk: Huyện phê duyệt không đúng thẩm quyền
(Dân trí) - Liên quan đến việc xả lũ đột ngột tại hồ thủy lợi Ea Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến San - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lụt tỉnh Đắk Lắk.
Theo báo cáo, cơn bão số 8 đã làm 8 người tại tỉnh Đắk Lắk bị chết và 1 người mất tích, đến nay chưa được tìm thấy. Có hơn 2.360 căn nhà bị ngập, trong đó huyện Ea Súp có hơn 2.130 nhà, huyện Ea H’leo có 230 nhà.
Đặc biệt có 22 căn nhà bị sập và bị nước cuốn trôi, trong đó thiệt hại nhất là huyện Ea H’leo có 18 căn nhà và huyện Ea Súp có 4 căn nhà. Toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 4.000 ha cây trồng bị ngập lụt, trong đó hơn 2.000 ha lúa, hơn 1.990 ha cây trồng khác và 22 ha ao nuôi cá. Tổng thiệt hại về vật chất trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk sau bão số 8 là hơn 211 tỷ đồng.
Công trình hồ thủy lợi Ea Drăng (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) có dung tích 1,2 triệu m3, có chức năng đảm bảo tưới tiêu cho 500 ha cà phê cho khu vực xung quanh thị trấn Ea Drăng và cấp nước cho cho các hộ dân vùng này. Ông Phạm Tiến San - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống bão lụt tỉnh Đắk Lắk cho biết, công trình được nghiệm thu từ năm 2009, chủ đầu tư là UBND huyện Ea H’leo, chủ quản lý công trình là UBND thị trấn Ea Drăng.
Trước đó ngày 17/9, công tác vận hành đập thủy lợi Ea Đrăng chưa đảm bảo khiến đập này có nguy cơ bị vỡ. Để đảm bảo an toàn công trình, UBND huyện Ea H'leo đã chỉ đạo xả lũ qua tràn với lưu lượng lớn nhất để hạ thấp mực nước hồ, do đó gây lũ lớn cho vùng hạ du, tài sản của người dân bị cuốn trôi.
Mới đây ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra, đánh giá việc khắc phục hậu quả và công tác vận hành các hồ chứa sau cơn bão số 8, đặc biệt thực tế từ việc xả lũ đột ngột ở hồ thủy lợi Ea Drăng gây thiệt hại nghiêm trọng. Vậy những bài học nào được rút ra từ sau vụ việc này thưa ông?
Bài học quan trọng nhất là người quản lý phải đủ năng lực. Nếu theo Thông tư 40 của Bộ NN&PTNT thì yêu cầu việc quản lý hồ này tối thiểu phải có 2 người học Cao đẳng về thủy lợi và có một người có kinh nghiệm từ 5 năm trở trở lên, đồng thời có một thợ điện tối thiểu phải từ bậc 4 trở lên.
Hồ thủy lợi Ea Drăng được giao quản lý cho những người không có trình độ chuyên ngành, nên khi nước về, theo nguyên tắc là phải tháo tràn để lượng nước về đến đâu thì chảy đến đó. Thời điểm đó khi nước trong hồ thủy lợi Ea Drăng đã cao quá rồi thì họ mới huy động lực lượng ra quay tràn, mà tràn thì nặng không quay được, may mà đấu nối điện kịp thời mới quay lên được.
Rất may việc xả lũ diễn ra ban ngày, nếu xảy ra ban đêm thì thiệt hại là rất lớn. Việc mở cống lên quá nhanh như thế làm nước xuống hạ lưu rất lớn. Cho nên đối với các hồ có cửa van xả sâu phải thận trọng trong công tác xả lũ.
Hồ thủy lợi có dung tích 1,2 triệu m3 này đã được thẩm định và phê duyệt đúng thẩm quyền hay chưa?
Theo Nghị định 72 của Chính phủ, việc thẩm định và phê duyệt hồ thủy lợi Ea Drăng là chưa đúng thẩm quyền. Người ta xây dựng quy trình vận hành từ tháng 1/2006 đến tháng 9/2011 thì mới phê duyệt. Mà đây là do Chủ tịch UBND huyện phê duyệt là không đúng thẩm quyền, phải do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt mới đúng thẩm quyền.
Còn cơ quan thẩm định thì không có cơ chuyên môn nào thẩm định, mà chỉ căn cứ vào tờ trình của Phòng Nông nghiệp để trình sang UBND huyện và UBND huyện cứ thế thẩm định là sai quy định của Nhà nước. Chính vì thế cũng lưu ý những chủ đập, những cơ quan khi nhận những hồ đập tương tự như thế này thì cần nghiên cứu kỹ những quy định của Nhà nước để thực hiện đúng quy trình.
Người dân vùng hạ du cho rằng do sự tắc trách trong công tác vận hành hồ thủy lợi Ea Drăng mới dẫn đến việc xả lũ đột ngột khiến họ không kịp trở tay. Vậy nguyên tắc xả lũ tại hồ thủy lợi Ea Drăng vừa qua đã đảm bảo đúng quy trình chưa, thưa ông?
Theo tôi nhận định thì lượng mưa lúc ấy vượt tần xuất khoảng 60mm, trước khi xả hồ thì ở vùng hạ lưu, nước cũng về rất lớn rồi. Cho nên khi người ta xả thì có tác động một phần làm nước vùng hạ lưu tăng lên. Việc vùng hạ du Ea H’leo bị ngập nặng một phần do mưa, một phần do việc xả lũ ở hồ thủy lợi Ea Drăng, cho nên hai cái cùng tác động nên việc ảnh hưởng nặng hơn.
Dự luận cho rằng việc xả lũ đột ngột tại hồ thủy lợi Ea Drăng cho thấy tính mạng và tài sản của người dân bị xem nhẹ. Vậy những ai sẽ chịu trách nhiệm trong vụ việc này và các đơn vị liên quan đã có đền bù gì cho người dân chưa?
Theo tôi không phải là xem nhẹ, ở đây nếu không xả lũ đột ngột thì có khả năng vỡ đập. Bởi khi đó nước đã tràn qua tường chắn sóng 40 phân, nếu không xả lũ khẩn cấp (đã có thông báo đến dân) thì có nguy cơ vỡ đập, khi đó thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều. Việc xả lũ khẩn cấp lúc đó là bắt buộc, không còn cách nào nữa.
UBND huyện Ea H’leo cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, vì đã thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành là không đúng thẩm quyền. Trong khi đó lại giao cho người không có đủ năng lực để quản lý.
Hiện nay các đơn vị liên quan cũng đã thống kê chi tiết để đền bù thỏa đáng cho người dân. Hiên nay mỗi một nhà ở vùng hạ du bị nước cuốn trôi đã được hỗ trợ xấp xỉ 20 triệu đồng.
Về việc xả lũ đột ngột tại hồ thủy lợi Ea Drăng, mới đây, ông Đinh Văn Khiết - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trong cuộc họp với các ban ngành liên quan của tỉnh này sau khi tổ chức kiểm tra, đánh giá việc khắc phục hậu quả và công tác vận hành các hồ đập sau cơn bão số 8, nói rõ: “Lượng nước xuống nhanh trong khi đơn vị quản lý đã ứng phó chậm, trang thiết bị kỹ thuật chưa đồng bộ, công tác vận hành công trình chưa đảm bảo, công tác quản lý chưa chặt chẽ và thường xuyên. May mắn là việc xả lũ chỉ gây ngập, nếu xảy ra vỡ đập thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”. |
Viết Hảo (thực hiện)