1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xã hội chung tay vì Tết trung thu cho trẻ em thiệt thòi

(Dân trí) – Với tinh thần không để bé nào "mất" tết trung thu, khắp các địa phương trên cả nước, cả xã hội đã quan tâm tổ chức đêm hội trăng rằm cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.

Tại Đà Nẵng, những em nhỏ không may bị nhiễm chất độc da cam, khuyết tật, lang thang cơ nhỡ và trẻ mồ côi tại các trung tâm chăm sóc, bảo trợ trẻ em... đã có một buổi vui Trung thu thật ý nghĩa.
Các em nhỏ tại các trung tâm chăm sóc, bảo trợ trên địa bàn TP Đà Nẵng được xem múa lân 
Các em nhỏ tại các trung tâm chăm sóc, bảo trợ trên địa bàn TP Đà Nẵng được xem múa lân (ảnh: Khánh Hiền).
 
Tại đây, các em nhỏ được tặng quà Trung thu và tham gia các trò chơi vui nhộn, xem múa lân. Đặc biệt, các em còn được xem phim hoạt hình 3D bộ phim Kỷ Băng Hà tại rạp chiếu Megastar. Các em đều tỏ ra rất thích thú và tham gia rất nhiệt tình.

Trước đó, vào tối 29/9, tại Nhà Văn hóa Lao động (TP Đà Nẵng), Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp cùng Hội đồng Đội và Nhà Thiếu nhi thành phố tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho hơn 1000 trẻ em trên toàn thành phố. Các em đã có một đêm hội với những hoạt động thú vị như: Lễ hội ẩm thực, liên hoan các trò chơi dân gian, thi múa lân, thi lồng đèn…

Các em nhỏ vui 
Các em nhỏ vui “Đêm hội trăng rằm” tại Nhà văn hóa Lao động TP Đà Nẵng (ảnh: Khánh Hiền).

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao 400 suất quà, mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng cho 400 em học sinh nghèo, vượt khó học giỏi trên địa bàn thành phố. Chương trình đã diễn ra sôi nổi, với nhiều hoạt động như lễ hội rước đèn ông sao, múa lân, phá cỗ Trung thu, chương trình nghệ thuật đặc sắc về sự tích tết Trung thu, Chị Hằng, Chú Cuội.
 
Tại Huế, tối 28/9, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Huế phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh TT-Huế đã tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm” cho gần 1.000 em thiếu nhi khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại chương trình Ban tổ chức đã trao 30 học bổng Dioxin tổng trị giá 27 triệu đồng (mỗi suất 900.000đ) do Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi và Văn phòng tư vấn di truyền hỗ trợ trẻ khuyết tật Đại học Y Dược phối hợp tổ chức cho các em chịu ảnh hưởng chất độc Dioxin. Đồng thời, trao 44 suất học bổng cho các em thuộc các Trung tâm, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi có thành tích học tập tốt tổng trị giá 22 triệu đồng (mỗi suất 500.000đ). Trao 28 suất quà Tết Trung thu cho các Trung tâm, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn Tỉnh tham gia chương trình “Đêm hội trăng rằm".
 
1.000 em nhỏ bệnh tật, khó khăn tại Huế phá cỗ Trung thu

1.000 em nhỏ bệnh tật, khó khăn tại Huế phá cỗ Trung thu (ảnh: Đại Dương)
 
Vui mừng với đèn ông sao trên tay
(Ảnh: Đại Dương)

Tại Nghệ An, hòa chung với niềm vui các em nhỏ trên cả nước đón Tết trung thu, chiều ngày 29/9, các em mồ côi, khuyết tật tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi-khuyết tật 19/3 (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã cùng tham gia phá cỗ với các bạn tình nguyện viên của câu lạc bộ Khát Vọng Xanh. Chương trình “Vầng trăng yêu thương” đã diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, ngập tràn tình yêu thương của sự sẻ chia đối với những trẻ em kém may mắn.

Khoảng sân nhỏ của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi-khuyết tật 19/3 trước ngày trăng tròn đông vui hơn hẳn những ngày thường bởi sự có mặt của màu áo xanh tình nguyện. Biết tin các anh chị tình nguyện viên của CLB Khát Vọng Xanh tổ chức ngày hội trăng rằm, nhiều em đã háo hức chờ đón từ mấy ngày nay. Bạn Lê Thị Cẩm Tú - Chủ nhiệm CLB Khát Vọng Xanh cho biết: “Đây là lần thứ 2 chúng mình tổ chức chương trình vầng trăng yêu thương cho các em trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi-khuyết tật. Mỗi lần đến với các em, chúng mình đều có cảm xúc đặc biệt bởi các em ở đây đều là những số phận đáng thương, chịu nhiều thiệt thòi. Chúng mình chỉ muốn góp một chút bé nhỏ để xoa dịu phần nào nỗi đau cho các em”.

Các em ngồi quây quần bên nhau, cùng lắng nghe những tiết mục văn nghệ do các sinh viên tình nguyện và 1 số em của trung tâm biểu diễn. Những chiếc bánh trung thu, chiếc đèn lồng tự làm, những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, những trò vui chơi như múa lân, rước đèn đã mang đến cho tất cả các em món quà tuy đơn sơ nhưng lại đầy ý nghĩa, đậm tình yêu thương nhân dịp Trung thu về.

Tại ngày vui phá cỗ trăng rằm với các em, Maria Đặng Thị Phúc - Giám đốc Trung Tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi-khuyết tật 19/3 chia sẻ: “Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi-khuyết tật 19/3 được thành lập vào ngày 19/03/2001. Lúc đầu chỉ có 7 em khuyết tật nhưng con số các em ngày càng đông lên, hiện nay lên tới 52 em khuyết tật và mồ côi. Hầu hết các em khuyết tật vào đây đều mắc các căn bệnh hiểm nghèo do chất độc màu da cam, nhiều em bị bại não, bại liệt hoàn toàn, thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện. Công việc hằng ngày của 25 chị em ở trung tâm là nuôi dưỡng, chăm sóc các em khuyết tật, các em mồ côi bị bỏ rơi, ngoài ra còn làm các nghề như: thêu may áo lễ, làm hoa trang trí, bán sách và photocopy để có thêm thu nhập”.

Tết Trung thu ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi-khuyết tật 19/3 kết thúc bằng màn phá cỗ đơn giản với bánh trái do các bạn tình nguyện viên mang đến. Đằng sau những nụ cười dẫu chưa trọn vẹn là cả một nỗi đau lớn mà các em đang hàng ngày vượt qua. Mong rằng mỗi ngày với các em đều là 1 ngày tết để nụ cười đó không bao giờ tắt.
(Ảnh: Đại Dương)
(Ảnh: Nguyễn Duy)

Giữa rừng Pù Mát, tối 29/9, tại trường Tiểu học Môn Sơn 3, Câu lạc bộ tình nguyện Tia Sáng phối hợp với Đồn biên phòng Môn Sơn và nhà trường tổ chức đêm hội “Trung thu biên cương” mừng tết Trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng là con em đồng bào người Thái và tộc người Đan Lai.

Mới 7h tối, hàng trăm học sinh và phụ huynh đã đổ về sân trường. Xúng xính trong những bộ đồng phục, các em ngồi ngay ngắn giữa sân, khuôn mặt vui tươi hớn hở lẫn trong tiếng nhạc rộn ràng của giai điệu “Chiếc đèn ông sao sao 5 cánh tươi màu…Tùng..rinh…rinh…”. Nhờ được các bạn tình nguyện viên trang trí, sân trường trở nên đầy màu sắc với đèn ông sao, hoa và nến.

Mặc dù phải di chuyển một quãng đường xa hơn 150km, thế nhưng 35 tình nguyện viên của CLB Tia Sáng vẫn rất năng động và nhiệt tình. Các bạn đã tổ chức chương trình rất bài bản, trong đó lồng ghép khéo léo giữ phần văn nghệ với những trò chơi vui nhộn và bổ ích, kết nối được hàng trăm em học sinh.

Bạn Lê Sơn Nam (một tình nguyện viên đến từ Cửa Lò) cho biết: “Đây là lần đầu em đến với bà con vùng biên, đường xa tuy có mệt một tý, nhưng khi tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con thì mọi mệt bỗng tan biến hết. Nhất là chiều nay, hình ảnh các em nhỏ nơi đây cùng giúp sức với anh chị trong đoàn chuẩn bị sân khấu cho đêm phá cỗ, ánh mắt các em rạng ngời hạnh phúc, đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng em, ai cũng cảm thấy hạnh phúc vì mình đã góp một phần nhỏ bé cho mùa Trung thu nơi nơi vùng cao biên giới này”.
 
(Ảnh: Đại Dương)
(Ảnh: Nguyễn Duy)

Theo bạn Thu Hường (SV năm 3 khoa, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Nghệ An, chủ nhiệm câu lạc bộ), CLB Tia Sáng tập hợp các bạn sinh viên, những người đã ra trường đi làm và cả những học sinh THPT. “Mục đích của chúng em là muốn mang đến một ngày tết Trung thu đúng nghĩa đến thiếu nhi vùng cao. Các em sẽ có bánh, có đèn ông sao, được phá cỗ đón chị Hằng…”.

Tại đêm hội, CLB Tia Sáng đã trao tặng 250 chiếc bánh Trung thu, hàng nghìn cuốn sách vở, bút chì, quần áo… đến các em thiếu nhi ở Môn Sơn. Đây là những phần quà của các nhà hảo tâm trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, CLB còn trao tặng xã Môn Sơn 200kg gạo để hỗ trợ cho bà con.
Trong không khí vui tươi, phấn khởi, các em thiếu nhi dân tộc thiểu số ở các bản: Ón, Mò O, Ồ Ồ và Yên Hợp đã được hòa mình vào không gian cổ tích, được giao lưu với chú Cuội, chị Hằng, được ca hát, rước đèn ông sao, phá cỗ và tham gia nhiều trò chơi dân gian bổ ích… 

Tại Quảng Bình, tối 28/9, tại trường Tiểu học Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Chi đoàn và Tổ phụ nữ báo Biên phòng phối hợp với ĐBP Cà Xèng (Quảng Bình) tổ chức đêm hội trăng rằm cho 270 em thiếu nhi đồng bào Rục và đồng bào Sách. Trong đêm hội, đại diện Chi đoàn và Tổ Phụ nữ báo Biên phòng cùng với ĐBP Cà Xèng đã trao 50 suất quà cho các em thiếu nhi vượt khó học giỏi cùng bánh kẹo, đồ chơi… với tổng trị giá 22 triệu đồng; đại diện Quỹ Vừ A Dính của Báo Thiếu niên Tiền phong cũng đã trao 20 suất học bổng, cùng 220 suất quà trị giá 22 triệu đồng; đại diện Bệnh viện Hoàng Viết Thắng (Thừa Thiên Huế) trao 280 suất quà với tổng trị giá trên 10 triệu đồng. Với hoạt động này của các cơ quan, đoàn thể và doanh nghiệp nhằm động viên, góp phần chia sẻ khó khăn và mong các em cố gắng vươn lên trong học tập...phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội.
 
Các chiến sĩ chuẩn bị trung thu cho các em rất chu đáo (Ảnh: Nguyễn Duy).
Các chiến sĩ chuẩn bị trung thu cho các em rất chu đáo (Ảnh: Nguyễn Duy).

Các em nhỏ đồng bào Rục phấn khởi đón nhận những món quà Trung thu (ảnh: Nguyễn Duy).
Các em nhỏ đồng bào Rục phấn khởi đón nhận những món quà Trung thu (ảnh: Nguyễn Duy).

Tối 29/9, tại Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Quảng Bình, đã diễn ra chương trình “Hội trăng rằm” cho các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban tổ chức đã đưa ra nhiều hoạt động vui chơi rất bổ ích gây hứng thú. Cuối chương trình, ban tổ chức cũng đã trao nhiều phần quà giúp các em thiếu nhi có được một Tết trung thu thật ấm áp và ý nghĩa. Chương trình “Trung thu cho em” tại bản Khe Ngát, thị trấn Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) và trao quà cho các trẻ em nghèo dân tộc Vân Kiều cũng được tổ chức trước đó.

Nhiều phần quà đã được trao cho các em thiếu nhi (ảnh: Đặng Tài).

Nhiều phần quà đã được trao cho các em thiếu nhi (ảnh: Đặng Tài).

Chương trình với nhiều hoạt động sôi nổi như múa hát, tổ chức các trò chơi… thu hút sự tham gia của các em nhỏ và giúp các em ở bản Khe Ngát vui tết Trung thu 2012 thật ý nghĩa. 5 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường THCS Ba Rền với trị giá 200 ngàn đồng/suất đã được trao. Ngoài ra CLB Thiện Tâm còn tặng 100 đèn ông sao, 100 mặt nạ, 50 bộ quần áo và cắt tóc cho các em nhỏ. Cùng tham gia hoạt động của CLB Thiện Tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cũng đã tặng 5 suất học bổng cho các em học sinh bản Khe Ngát. Trước đó, đại diện Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho các cháu thiếu nhi đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và trao 52 suất quà cho các bệnh nhi với tổng trị giá hơn 15 triệu đồng.

Và cắt tóc cho trẻ em nghèo (ảnh: Đặng Tài)
Và cắt tóc cho trẻ em nghèo (ảnh: Đặng Tài).

Dù vậy, trung thu vẫn có những "nốt trầm" vì nụ cười không trọn niềm vui, ánh mắt không trọn hào hứng trước những phận đời nghèo mà khó cách nào bù đắp cho đủ. Tại Thanh Hóa, chúng tôi có mặt tại làng chài Thành Công, nơi có gần 20 nóc thuyền đang nép mình dưới chân cầu Sâng. Mặc dù nằm ngay giữa lòng thành phố, nhưng dường như làng vạn chài là một thế giới nào đó xa lạ lắm. Nếu ở trên bờ, phố xá tấp nập, nhộn nhịp trong ngày Tết trung thu, trẻ em nô nức đi chơi thì dưới những chiếc thuyền này, cuộc sống mưu sinh vẫn cứ lặng lẽ như vốn thế của đời lênh đênh sông nước.

Vì gồng mình với miếng cơm mang áo mà trẻ em nơi vạn chài không bao giờ biết đến Tết trung thu.
Vì gồng mình với miếng cơm mang áo mà trẻ em nơi vạn chài không bao giờ biết đến Tết trung thu.

Những đứa trẻ làng vạn chài nép mình sau những cánh cửa ngước lên phía xa chỉ để ngắm những chiếc bánh trung thu, những chiếc đèn lồng được bày bán mà không dám ước mơ bởi đó chỉ là thứ xa xỉ không bao giờ dành cho chúng.

Bố mẹ các em cả đời chỉ biết đến con tôm, con cá, lầm lũi mưu sinh, lầm lũi kiếm miếng cơm để qua ngày đoạn tháng, một chữ cắn đôi cũng không biết nên hầu như lũ trẻ ở đây cũng chỉ biết sinh ra để rồi lại đi bắt tôm, cá, cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Vì thế nơi này có đến hơn 60 đứa trẻ mà chỉ có 3 đứa đang được đi học còn lại là mù chữ. Cuộc sống khốn khó đã khiến họ chỉ nghĩ đến “gồng mình” mưu sinh. Những Tết nhất, lễ lạt dường như không có trong khái niệm của họ và rồi những đứa trẻ sinh ra vẫn cứ mãi thiệt thòi.

Cậu bé Nguyễn Văn Mạnh, 6 tuổi đôi mắt tròn xoe ngơ ngác khi tôi hỏi: “Tết trung thu có được bố mẹ mua bánh cho cháu không”, rồi bất giác cậu bé quay sang mẹ hỏi: “Tết trung thu là ngày gì thế mẹ?”. Chị Nguyễn Thị Huệ, mẹ của cậu bé rưng rưng nước mắt tâm sự: “Từ bé tới giờ có năm nào làm Trung thu cho mấy đứa nhỏ đâu. Anh chị thấy đó, cơm còn phải chạy từng bữa thì còn nghĩ được điều gì nữa. Mỗi ngày hai vợ chồng cặm cụi làm cũng chỉ được vài ba chục bạc, có ngày chẳng được gì. Khổ lắm. Trẻ con ở đây lâu lắm rồi chưa biết đến cái kẹo, cái bánh”.

Bánh kẹo là thứ quà xa xỉ mà lũ trẻ không dám mơ dù là ngày Tết trung thu.
Bánh kẹo là thứ quà xa xỉ mà lũ trẻ không dám mơ dù là ngày Tết trung thu.

Hôm nay là Tết trung thu nhưng cậu bé này lại cùng mẹ chèo thuyền đi mò cua bắt ốc.
Hôm nay là Tết trung thu nhưng cậu bé này lại cùng mẹ chèo thuyền đi mò cua bắt ốc.

Cháu Điền Thị Mai Hương, 11 tuổi tâm sự: “Ở dưới đây không có Tết trung thu đâu cô ạ. Biết bố mẹ nghèo khó nên chúng cháu không đứa nào dám xin mua cái gì cả. May mà cháu còn được bố mẹ cho đi học đấy. Như thế là vui rồi cô ạ. Hôm qua, đi học các bạn khoe được mua nhiều thứ lắm, các bạn còn bảo qua Tết trung thu sẽ mang bánh cho cháu nữa cơ”.

Mặc dù bố mẹ khốn khó, trẻ em ở đây thất học hết nhưng cô bé Hương này vẫn mong ước giấc mơ con chữ. Ngày ngày, em cùng hai bạn nữa ở đây chèo đò vài cây số rồi cột đò lại một chỗ đi bộ đến trường.

Bà Nguyễn Thị Hòa, 65 tuổi, ở đây cho biết: “Hầu hết các gia đình ở đây hộ nào cũng nghèo đói, phải lo cái ăn mỗi ngày rồi mới nghĩ đến các khác được. Nên ăn còn thiếu thì mơ gì đến học chữ đến vui Tết trung thu. Năm nào cũng vậy, Tết trung thu ở đây cũng chỉ là ngày thường thôi, trung thu năm nào trẻ con ở đây cũng ngước lên bờ nhìn con cái người ta đánh trống, rước đèn, thương chúng nó lắm”.

Hai chị em cháu Điền Thị Mai Hương đang chèo đò lên bờ đi nhặt ve chai.
Hai chị em cháu Điền Thị Mai Hương đang chèo đò lên bờ đi nhặt ve chai.

Những đứa trẻ nơi đây khi được hỏi về ước mơ trong ngày Tết trung thu đều trả lời “thèm được ăn kẹo bánh, thích có được một cái đèn ông sao”. Cái ước mơ tưởng như nhỏ bé nhưng lại thật lớn lao đối với chúng. Từ khi sinh ra cho đến bây giờ những đứa trẻ chưa bao giờ được biết đến khái niệm Tết trung thu. Cũng vẫn như bao ngày bình thường khác, trong ngày trung thu, những đứa trẻ ở đây vẫn phải theo bố mẹ đi mò con cua con tép hay đi lượm ve chai về bán lấy tiền mua gạo.

Nhìn cảnh lũ trẻ nheo nhóc, tóc khô cháy vàng, đôi chân trần lấm lem bùn, mũi dãi lò thò mà không khỏi chạnh lòng. Khi chúng tôi lặng lẽ vào bờ mua một ít bánh kẹo cho các cháu, chúng ùa vào xô nhau tranh phần, rồi ăn ngấu nghiến ngon lành đến tội nghiệp. Thế mới biết những đứa trẻ nghèo này, chúng sống trong cảnh đói khát như thế nào.

Bà Hòa còn bùi ngùi tâm sự: “Sau những những dịp trung thu này, những đứa trẻ ở đây mỗi khi đi nhặt ve chai về để bán mà bắt gặp được chiếc đèn lồng cũ, bị hư hỏng một chút được người ta bỏ đi là chúng mừng lắm, giữ chơi mãi thôi”.

Rời xóm vạn chài, vẫn ám ảnh trong tôi cái bức tranh về lũ trẻ nheo nhóc, quần áo xộc xệnh cũ mèm, mũi dãi lò thò, những cái lắc đầu khi hỏi “Tết trung thu có được mua gì không” mà thương đến nhói lòng. Nơi đây và phố phường chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng lại tồn tại như một thế giới khác. Biệt lập và côi cút!

Một góc làng vạn chài dưới chân cầu Sâng.
Một góc làng vạn chài dưới chân cầu Sâng.

 Ánh mắt buồn của lũ trẻ làng chài ngày Tết trung thu (ảnh: Đặng Tài).

 Ánh mắt buồn của lũ trẻ làng chài ngày Tết trung thu (ảnh: Đặng Tài).
 Ánh mắt buồn của lũ trẻ làng chài ngày Tết trung thu (ảnh: Duy Tuyên).
 
Nhóm PV