1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vùng TPHCM sẽ bao gồm cả 7 tỉnh xung quanh

(Dân trí) - Phạm vi vùng TPHCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh xung quanh, gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.

Trung tâm bán kính 30km và 5 cực phát triển

Dự kiến phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4.

Theo đó, vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững; là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao; đồng thời là trung tâm văn hoá - đào tạo - y tế chất lượng cao, là vùng có cảnh quan và môi trường tốt.

Dự kiến đến năm 2020, dân số trong vùng khoảng 20-22 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 16-17 triệu người, với tỷ lệ đô thị hoá khoảng 77-80%. Và đến năm 2050, dân số trong vùng khoảng 28-30 triệu người với tỷ lệ đô thị hoá khoảng 90%.

Mô hình phát triển vùng TPHCM dự kiến theo hình thức Tập trung - Đa cực với vùng trung tâm bán kính 30km và 5 cực phát triển. Trong đó, vùng trung tâm bán kính 30km với hạt nhân là TP Hồ Chí Minh và các đô thị vệ tinh trực thuộc từ đường vành đai 2 vào trung tâm; vùng phụ cận từ 30 đến 50km dọc theo tuyến vành đai cao tốc số 3, phát triển mật độ thấp gắn với vùng cảnh quan sinh thái; các cực phát triển đối trọng.

5 cực phát triển sẽ bao gồm: Cực phía Đông Nam hướng về phía Bà Rịa - Vũng Tàu với TP Vũng Tàu là hạt nhân vùng và đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa, Long Hải hỗ trợ, cùng các đô thị khác tạo thành vùng đô thị TP Vũng Tàu;

Cực phía Đông theo Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20 chuỗi đô thị Dầu Dây, Long Thành, Giá Ray, Định Quán, Tân Phú, đô thị Vĩnh Cửu với đô thị Long Khánh là hạt nhân;

Cực phía Bắc theo Quốc lộ 13 đi Chơn Thành, Hoa Lư. Chuỗi đô thị có Mỹ Phước, Chơn Thành, An Lộc, Lộc Ninh và Hoa Lư; cùng với Đồng Xoài và các đô thị trong vùng tạo thành cực phía Bắc với Chơn Thành là trung tâm;

Cực phía Tây Bắc theo Quốc lộ 22 bao gồm Trảng Bàng, Gò Dầu, Mộc Bài, Tây Ninh, Xa Mát và các đô thị Huyện lỵ trong vùng với đô thị Trảng Bàng – Gò dầu – Mộc bài – Tây ninh làm hạt nhân cực phát triển;

Cực phía Tây Nam theo tuyến Quốc lộ 1A bao gồm Bến Lức, Tân An, Tân Hiệp, Mỹ Tho và các đô thị trong vùng tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh. TP. Mỹ tho – Tân An tạo thành cực phát triển.

Phát triển nhà ở thương mại trong vùng trung tâm đến vành đai 2

Định hướng đến năm 2020 sẽ có 2 vùng chức năng đó là vùng phát triển đô thị và vùng phát triển công nghiệp. Trong đó, vùng trung tâm bán kính 30km bao gồm đô thị hạt nhân TP Hồ Chí Minh, các đô thị vệ tinh độc lập được xác định bán kính 30km từ trung tâm đô thị hạt nhân TPHCM (bao gồm TP Biên Hòa, TP Thủ Dầu Một), các đô thị vệ tinh phụ thuộc (đô thị mới Nhơn Trạch, đô thị mới Tam Phước (đô thị mới sân bay).

Bên cạnh đó có các đô thị mới: Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Long Thành, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè; Cấn Giờ, Dĩ An – Thuận An và các đô thị vùng phụ cận: Bao gồm các đô thị loại 3 -4 ở phía ngoài vành đai 3 như Dầu dây, Vĩnh Cửu, Tân uyên, Mỹ phước, Hậu nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc.

Cũng trong vùng phát triển đô thị sẽ có các vùng đối trọng: Vùng đô thị đối trọng phía Đông Nam (Vùng đô thị Bà Rịa Vũng Tàu – trục hành lang kinh tế đô thị Quốc lộ 51); vùng đô thị đối trọng phía Đông TPHCM (Vùng đô thị Đồng Nai - Trục hành lang Quốc lộ 1A);

Vùng đô thị đối trọng phía Bắc (Bình Phước – Trục hành lang kinh tế đô thị Quốc lộ 13);Vùng đô thị đối trọng phía Tây Bắc (Tây Ninh - Trục hành lang kinh tế đô thị Quốc lộ 22 Xuyên Á); Vùng đô thị đối trọng phía Tây Nam (Long An, Tiền Giang – Trục hành lang kinh tế đô thị Quốc lộ 1A đi Cần Thơ).

Đối với vùng phát triển công nghiệp được phân bổ làm 6 vùng. Vùng công nghiệp trung tâm tại TP Hồ Chí Minh bố trí các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, cơ khí chính xác và công nghiệp phụ trợ;

Vùng công nghiệp phía Bắc tại tỉnh Bình Dương bố trí các ngành khai thác, chế biến nông lâm sản, công nghiệp điện tử, vật liệu xây dựng; Vùng công nghiệp phía Đông tại tỉnh Đồng Nai bố trí các ngành công nghiệp đa ngành, chế biến nông lâm, chế tạo cơ khí và công nghiệp phụ trợ;

Vùng công nghiệp Đông Nam tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: bố trí công nghiệp nặng, công nghiệp dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp sử dụng cảng biển; Vùng công nghiệp Tây Nam tại tỉnh Long An và Tiền Giang: bố trí công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng;

Vùng công nghiệp Tây Bắc tại tỉnh Tây Ninh và Long An: bố trí công nghiệp vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, điện tử...

Về hệ thống phân bố nhà ở được chia làm 3 vùng: Vùng trung tâm từ vành đai 2 sẽ phát triển nhà ở thương mại tập trung mật độ cao; Vùng từ đường vành đai 2 đến đường vành đai 3 phát triển theo các đô thị mở rộng và trung tâm đô thị gắn với các khu công nghiệp và vùng sinh thái.

Các vùng đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung: phát triển tập trung cao ở các đô thị trong vùng và phát triển mở rộng tại các vùng xung quanh, theo cơ chế chinh sách linh hoạt, nhà giá rẻ gắn liền với mở rộng đất đai.

Lan Hương