“Vua phá bom” Cao Xuân Thọ và cái ôm ấm áp nhất cuộc đời
(Dân trí) - “Người ta được một lần gặp Bác Hồ đã là hạnh phúc lớn trong cuộc đời, tôi vinh dự được gặp Bác 4 lần. Được Người tận tay gắn lên ngực huy hiệu. Hạnh phúc đó, không diễn tả nổi thành lời. Khoảnh khắc gặp Bác đã hơn 60 năm xa rồi mà mỗi lần nhắc đến cảm giác như chỉ mới hôm qua thôi”.
Đó là tâm sự của người lính cụ Hồ, người TNXP năm xưa từng được mệnh danh là “vua phá bom” Cao Xuân Thọ.
Được gặp Bác Hồ vì phá hơn 100 quả bom...
Cụ Cao Xuân Thọ (xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) năm nay đã ngoài 90 tuổi, ấy vậy mà kỷ niệm về những lần được gặp Bác, cụ nhớ như in.
Gặp tôi, cụ như được dịp để trải lòng về cảm xúc mấy chục năm, nhưng vẫn như còn nguyên vẹn ấy. Cụ kể say sưa, thi thoảng lại đưa tay lên lau những giọt nước mắt đang rưng rưng vì xúc động. Cụ bảo những năm tháng chiến đấu trong mưa bom bão đạn, những khoảnh khắc được gặp Bác Hồ là báu vật tinh thần của cuộc đời mình. Cụ cũng tự hào cho rằng cái hạnh phúc ấy chẳng mấy ai có được.
Không những vinh dự được gặp Bác, cụ Thọ còn được gặp Bác 4 lần và 3 lần được tặng Huy hiệu của Người, được Bác trực tiếp gắn Huân chương Lao động hạng 3.
Cụ kể, năm 1946, cụ lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Gia nhập đoàn Thanh niên xung phong (TNXP), cụ tham gia hết chiến dịch Thu Đông đến chiến dịch Hòa Bình, Thượng Lào và đặc biệt là phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong những lần tham gia chiến dịch Thu Đông, Hòa Bình, Thượng Lào, cụ Thọ cùng hai đồng chí nữa là Nguyễn Văn Kích và Nguyễn Am Tiêm được bầu làm chiến sỹ thi đua xuất sắc nhất của toàn đoàn TNXP. Vì vậy, tháng 12/1953, cụ Thọ cùng các đồng chí này được về chiến khu Việt Bắc để dự đại hội chiến sỹ thi đua. Tại đại hội này, lần đầu tiên cụ Thọ được vinh dự gặp Bác Hồ.
Cụ kể, khi Bác bước vào, cả hội trường mừng vui, reo to “Bác đến, Bác đến”, “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”. Mọi người im phăng phắc khi Bác nói chuyện và sau đó Bác để dành thời gian trò chuyện, căn dặn các chiến sỹ.
“Bao lâu nay toàn nghe nhắc về Bác, được nghe giọng Bác qua chiếc đài cát xét của đơn vị, đến lúc được gặp Bác mà thấy vừa run, hồi hộp xen lẫn vui sướng. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm xúc ấy cho tới tận bây giờ. Bác nói với chúng tôi rằng công việc có khó khăn, chiến đấu là phải hy sinh xương máu nhưng Bác tin các chú là người đầu tàu gương mẫu sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách… Rồi Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ gắn huy hiệu Bác tặng cho ba chúng tôi” – cụ Thọ nhớ lại.
Cụ bảo câu nói của Bác, niềm tin của Bác như là sức mạnh cho những thanh niên xung phong suốt quãng đời lăn lộn với mưa bom bão đạn. Chỉ cần nhớ đến câu Bác nói rằng Bác tin chúng tôi sẽ vượt qua là mọi khó khăn, gian khổ lại hóa bình thường.
Lần thứ 2, gặp Bác Hồ của cụ Thọ là sau chiến dịch dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, cụ vừa chỉ huy vừa trực tiếp phá, thu gom được trên 100 quả bom các loại, lăn lộn ở những nơi nguy hiểm nhất để làm đường phá bom như ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vài, cầu Hát Lót, đèo Pha Đin… Chính những thành tích ấy đã đưa cụ Thọ tiếp tục được gặp Bác Hồ.
Đó là vào tháng 11/1954, cụ Thọ cùng 16 chiến sỹ thi đua về dự đại hội chiến sỹ thi đua toàn đoàn TNXP tại Hà Nội. Lần về dự này, cụ Thọ cùng các đồng chí được đến thăm trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch.
“Người ta được gặp Bác đã làm hạnh phúc lắm rồi, thế mà tôi có được những 4 lần gặp Bác. Lần đầu tiên gặp Bác, tôi không dám nghĩ mình lại được gặp lại Người thêm một lần nữa. Lần đầu ấy, tôi cố gắng nhìn ngắm khuôn mặt người, hình dáng Người vì sợ mình sẽ quên mất. Đến lần thứ 2 thì tôi sung sướng lắm, nhất là lần này chúng tôi lại được Bác khen hoàn thành nhiệm vụ”
“Bác bảo thành tích về phá bom nổ chậm ở Điện Biên Phủ của các chú là rất tốt. Đồng chí Hiệu trưởng đã ca ngợi các chú, các chú là tấm gương để sinh viên được học tập tại chỗ. Nói đến đó, Bác chia quà cho chúng tôi rồi cùng chúng tôi hát bài hát Đoàn kết là sức mạnh” – Cụ Thọ hồi tưởng lại.
Cũng trong lần thứ 2 gặp Bác Hồ, cụ Thọ được tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, tiếp tục được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.
Mang su hào 10kg, cải sen 12 kg tặng Bác Hồ
Năm 1955, đơn vị của cụ Thọ được phân công làm đường từ Lai Châu đến biên giới Trung Quốc. Vì đường mới hoàn toàn, núi cao hiểm trở, thiếu thốn toàn diện, rau không có, lương thực thiếu. Lúc này, cụ Thọ đang là Đại đội phó C415 TNXP của đội 34+40. Nhớ lại lời dạy của Bác Hồ là “thực túc binh cường”, đơn vị cụ đã phát động phong trào tác phong C407 xây dựng doanh trại, tăng gia nuôi lợn, gà, chó, trồng rau. Cụ Thọ cùng các đồng chí trong đơn vị lên tận Vĩnh Hồ, Sa Pa để mua hạt rau giống về trồng.
“Sau khi có thành quả, Ban chỉ huy đội đã cử tôi cùng 3 đồng chí anh em vào rừng chặt tre đan 2 cái sọt để đựng 4 củ su hào nặng 10 kg, 1 cây cải sen nặng 12 kg về Hà Nội biếu Bác. Khi đến Phủ của Người, chúng tôi được đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác ra đón vào. Bác thấy chúng tôi đến thì Bác giơ tay vẫy vẫy, chúng tôi ai nấy đều chạy lại ôm Bác. Cái ôm ấm áp nhất cuộc đời mà tôi nhớ mãi cho tới tận bây giờ”
“Bác rất vui khi nhận quà của đơn vị, rồi Bác khen chúng tôi rằng các chú làm được như thế là rất tốt, vùng đất cao, tìm được hạt giống của nước bạn mới có củ xu hào và cây cải sen to đến như thế. Các chú không những bảo vệ, làm đường giỏi, phá bom giỏi mà sản xuất cũng rất giỏi…” – cụ Thọ tự hào kể lại.
Trong lần gặp này, cụ Thọ thay mặt anh em nhận cờ thi đua Bác tặng cho Đại đội 407.
Lần cuối cùng mà cụ Thọ được vinh dự gặp Người nữa đó là vào ngày 23/6/1956, 12 chiến sĩ thi đua của đội 34+40 được về dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Ở đại hội này, cụ Thọ cùng đồng đội cũng được Bác Hồ bắt tay và khen ngợi “Bác rất vui khi biết các chú là thanh niên tiêu biểu, là bông hoa của mùa xuân mà đại hội đã bầu ra…”
“Được gặp Bác Hồ lần thứ 4 này, tôi và đồng chí Nguyễn Tiến Thụ cảm động đến trào nước mắt khi được nắm đôi tay Người, được nhận phần thưởng của nhà nước tặng như Huân chương kháng chiến, giấy khen, bằng khen và cả Huy hiệu của Người. 4 lần gặp Bác thì 3 lần tôi được vinh dự nhận Huy hiệu của Người. Niềm hạnh phúc và tự hào ấy theo tôi suốt quãng đời còn lại” – cụ Thọ trải lòng.
Nguyễn Thùy