Vụ "vứt xó" hơn 200 tấn xi măng: Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo nóng
(Dân trí) - Ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan vụ lượng lớn xi măng làm đường nông thôn mới hư hỏng.
Sáng 17/5, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý các nội dung phản ánh về việc xi măng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê bị hư hỏng.
Ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, giao UBND huyện Hương Khê khẩn trương kiểm tra cụ thể nội dung phản ánh; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm theo quy định nếu có; báo cáo kết quả trước ngày 22/5.

Hàng chục tấn xi măng đông cứng như đá do để ở khu đất trống, phủ bạt tạm bợ (Ảnh: Dương Nguyên).
Lãnh đạo Hà Tĩnh cũng giao UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát, báo cáo công tác quản lý, sử dụng xi măng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn quản lý; gửi các sở: Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 22/5.
Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chỉ đạo xử lý ngay các bất cập, tồn tại, vi phạm nếu có; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Liên quan đến vụ việc này, ông Thái Phúc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên trong thời gian 15 ngày (kể từ ngày 17/5) để thực hiện việc kiểm tra, làm rõ trách nhiệm.

Trong hơn 200 tấn xi măng, số hư hỏng bước đầu được xác định khoảng 40 tấn (Ảnh: Dương Nguyên).
Như Dân trí đã đưa tin, năm 2024, UBND xã Lộc Yên được tỉnh Hà Tĩnh cấp kinh phí mua xi măng phục vụ cho việc làm đường giao thông nông thôn mới.
UBND huyện Hương Khê sau đó đã đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung ứng xi măng. Đến tháng 12/2024, UBND xã Lộc Yên đã được cấp 210 tấn xi măng, trị giá hơn 200 triệu đồng.
Sau khi tiếp nhận, xã Lộc Yên tập kết toàn bộ số xi măng ở sân bóng thôn Bình Phúc và dùng bạt trùm kín lại.
Theo ghi nhận của phóng viên, đây là khu vực trũng thấp, đọng nước. Số xi măng được đựng trong hàng nghìn bao bì, phủ bạt tạm bợ, phơi nắng, phơi mưa.

Người dân cho rằng số xi măng này nếu sử dụng tiếp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình (Ảnh: Dương Nguyên).
Do đó, nhiều tấn xi măng đã bị hư hỏng, đông cứng như đá. Số còn lại cũng khó có thể sử dụng được.
Nhiều người dân địa phương phản ánh, họ không hiểu tại sao không đưa số xi măng này vào kho cất giữ, bảo quản mà lại tập kết tại bãi đất trũng thấp.
Một lãnh đạo xã Lộc Yên thừa nhận, trong số 210 tấn xi măng được cấp, hiện có khoảng gần 40 tấn bị đông cứng, hư hỏng.
Nguyên nhân là xã không tìm được nguồn vật liệu đối ứng nên việc làm đường chưa được thực hiện.