1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ sập biệt thự Pháp khiến 2 người chết, trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí) - Vụ sập biệt thự Pháp cổ 107 Trần Hưng Đạo làm 2 người chết, 6 người bị thương đã trôi qua được 4 ngày nhưng trách nhiệm vẫn chưa được làm rõ, các đơn vị liên quan còn loanh quanh “đá bóng” cho nhau.

Vào khoảng 12h45 ngày 22/9, tầng 2 nhà 107 Trần Hưng Đạo được xây từ thời Pháp bị sập. Khối nhà đổ sập đã làm rơi một khối lượng lớn bê tông, gạch đá… sang ngõ đi chung bên cạnh. Sự cố xảy ra đã làm 2 người chết, 6 người khác bị thương. Hơn 40 hộ dân đang sinh sống ổn định ở khu nhà 107 Trần Hưng Đạo từ nhiều năm qua bỗng chốc phải sống tạm cư dưới Định Công, quận Hoàng Mai.

Kết quả điều tra ban đầu của Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) - Công an TP Hà Nội xác định sơ bộ nguyên nhân ban đầu của vụ sập là do nhà đã qua sử dụng nhiều năm (110 năm), bị xuống cấp. Thời tiết mưa liên tục nhiều ngày, trước thời điểm xảy ra sự cố cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực và đổ sập.


Hiện trường vụ sập nhà làm 2 người chết, 6 người bị thương (Ảnh Nguyễn Dương)

Hiện trường vụ sập nhà làm 2 người chết, 6 người bị thương (Ảnh Nguyễn Dương)

Sau vụ sập, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, khu nhà 107 Trần Hưng Đạo được thực dân Pháp khởi công xây dựng năm 1900 và hoàn thành năm 1905. Những năm gần đây, ngành đường sắt nhận thấy tòa biệt thự bị hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm. Và vào năm 2008, đơn vị này đã báo cáo UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng cho phép di dời các hộ dân, phá dỡ biệt thự để xây dựng trụ sở làm việc nhưng không nhận được câu trả lời.

Theo ông Hoàng Tú - Trưởng ban 61/CP Sở Xây dựng Hà Nội thì căn biệt thư có tuổi đời 110 năm chưa bao giờ được kiểm định chất lượng công trình. Ông Tú cũng cho biết, trách nhiệm chủ sử dụng hoặc sở hữu biệt thự phải “khám bệnh”, bảo trì công trình thường xuyên. Quá trình đó nếu phát hiện nguy hiểm có thể báo cáo chính quyền hoặc Bộ ngành chủ quản để bàn hướng khắc phục.

Vì vậy, theo Sở Xây dựng thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết, khắc phục và xử lý sự cố, chịu trách nhiệm giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật, theo trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng công trình.

Tuy nhiên, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đơn vị này chỉ có trách nhiệm sử dụng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Ông Hoạch cũng khẳng định đơn vị này đã nhiều lần báo cáo bằng văn bản tình trạng xuống cấp của tòa nhà lên đơn vị chức năng.

Cũng theo ông Hoàng Tú, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng tòa biệt thự và hiện đang làm thủ tục cấp sổ đỏ thì phải chịu trách nhiệm trước sự cố. Ngoại trừ trường hợp khi phát hiện công trình nguy hiểm nhưng người dân quá nghèo không tự làm được thì chính quyền phải vào cuộc. Trường hợp đó, ít nhất chính quyền sẽ giúp được chỗ tạm cư cho người dân, sau đó cùng các đơn vị tìm cách khắc phục.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thì chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng trong tòa nhà có trách nhiệm khắc phục sự cố theo yêu cầu của UBND Hà Nội và lập hồ sơ sự cố theo quy định. Sau khi khắc phục sự cố, UBND Hà Nội sẽ quyết định việc đưa các hạng mục công trình lân cận vào khai thác, sử dụng trở lại, nếu có.

Trả lời báo chí, ông Phạm Tiến Văn - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chỉ rõ, trong Nghị định 46 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng đã quy định rõ trách nhiệm của các bên, các chủ thể và cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, trước hết thực hiện về mặt bảo trì thì trách nhiệm thuộc về chủ quản lý sử dụng và chủ sở hữu công trình và sau đó là trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra, hướng dẫn trong việc thực hiện bảo trì công trình.

Quang Phong

 

Vụ sập biệt thự Pháp khiến 2 người chết, trách nhiệm thuộc về ai? - 2