Biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội chưa bao giờ được kiểm định chất lượng

(Dân trí) - “Chúng tôi mới đánh giá chất lượng biệt thự từ thời Pháp để lại bằng cảm quan. Còn để biết được mỗi một biệt thự nguy hiểm thế nào thì phải có một cơ quan kiểm định riêng. Kiểm định như vậy liên quan đến khoản kinh phí rất lớn, vì vậy chưa làm được”.

Liên quan ngôi biệt thự 107 Trần Hưng Đạo bị sập, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Tú - Trưởng Ban 61/CP Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công trình này cũng như nhiều biệt thự cổ khác ở Hà Nội chưa từng được kiểm định chất lượng.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn bao nhiêu căn biệt Pháp cổ? Với những công trình cả trăm tuổi như vậy, Sở Xây dựng cũng như cơ quan chức năng đã bao giờ kiểm định chất lượng hay chưa?

Trên địa bàn thành phố hiện còn 1.565 biệt thự do Pháp để lại. Trong đó được chia làm 4 nhóm khác nhau, nhóm một có 225 biệt thự, nhóm hai có 282 biệt thự, nhóm ba có 646 biệt thự. Nhóm cuối cùng gồm có 312 biệt thự, là những công trình có nguồn gốc là biệt thự nhưng đã xây mới hoàn toàn. Do vậy, biệt thự thuộc nhóm bốn được đưa ra ngoài danh mục quản lý và được "ứng xử" như những công trình bình thường.

Từ trước đến nay, chúng tôi mới đánh giá chất lượng biệt thự từ thời Pháp bằng cảm quan để chấm điểm xếp loại. Còn để biết được mỗi một biệt thự nguy hiểm thế nào thì phải có một cơ quan kiểm định riêng. Kiểm định như vậy liên quan đến khoản kinh phí rất lớn, vì vậy chúng tôi chưa làm được.

Thực tế có nhiều cơ quan mình có muốn vào kiểm định họ cũng không nhờ. Cái khó chúng tôi gặp phải là như vậy. Còn trách nhiệm chủ sử dụng hoặc sở hữu biệt thự phải “khám bệnh”, bảo trì công trình thường xuyên. Quá trình đó nếu phát hiện nguy hiểm có thể báo cáo chính quyền hoặc Bộ ngành chủ quản để bàn hướng khắc phục.

 


Biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập, nát vụn sau một trận mưa lớn kéo dài. (Ảnh Tiến Nguyên)

Biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập, "nát vụn" sau một trận mưa lớn kéo dài. (Ảnh Tiến Nguyên)

Tuy rằng chủ sử dụng hoặc sở hữu phải “khám bệnh” thường xuyên các căn biệt thự, nhưng về mặt quản lý nhà nước, chính quyền cũng phải lo cho tính mạng, tài sản của người dân? Sau vụ sập nhà ở 107 Trần Hưng Đạo, Sở Xây dựng có đề xuất thành phố cho rà soát, kiểm định chất lượng các biệt thự Pháp cổ không?

Đứng về mặt quản lý nhà nước thì chính quyền các cấp cùng lo cho tính mạng, tài sản của người dân sống và làm việc trong các căn biệt thự đó.

Còn quản lý biệt thự (bảo trì, sửa chữa định kỳ hoặc cải tạo xây mới) thì cũng như những công trình xây dựng khác. Điều khác biệt ở đây là nó thuộc diện bảo tồn, vì vậy khi phá dỡ, xây mới phải theo quy định đặc biệt hơn: Nếu như ở nhóm một phải xây lại đúng như cũ thì ở nhóm hai nếu xây dựng lại bảo đảm kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của biệt thự cũ.

Còn đề xuất UBND thành phố Hà Nội kiểm định chất lượng các biệt thự cổ thì sao, thưa ông?

Chúng tôi không tự vào nhà người ta làm việc này, việc kia được. Thế nhưng trong Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội có khuyến cáo người sử dụng hoặc sở hữu công trình bảo trì theo đúng quy định hiện hành.

Ngoại trừ trường hợp khi phát hiện công trình nguy hiểm nhưng người dân quá nghèo không tự làm được thì chính quyền phải vào cuộc. Trường hợp đó, ít nhất chính quyền sẽ giúp được chỗ tạm cư cho người dân, sau đó cùng các đơn vị tìm cách khắc phục.

Trường hợp cụ thể như biệt thự Pháp cổ ở 107 Trần Hưng Đạo đã bao giờ được kiểm định chất lượng công trình hay chưa?

Tôi được biết, biệt thự 107 Trần Hưng Đạo chưa được kiểm định chất lượng công trình.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định có văn bản xin UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng cho phép nâng cấp biệt thự 107 Trần Hưng Đạo nhưng không được trả lời?

Cái này tôi không nắm được thông tin nên không thể trả lời. Có thể họ gửi cho đầu mối khác mà tôi không được biết.

Những biệt thự như 107 Trần Hưng Đạo, nếu xuống cấp ở mức nguy hiểm thì có được xây mới hay vẫn phải tìm mọi cách để bảo tồn?

Tất cả các biệt thự đã cũ nếu được kiểm định đánh giá là nguy hiểm đều được phá dỡ, xây dựng lại theo đề xuất của đơn vị quản lý. Tuy nhiên, xây dựng biệt thự Pháp cổ phải theo quy chế của thành phố. Cụ thể như tôi đã nói, biệt thự thuộc nhóm một xây dựng lại phải nguyên bản; còn nhóm hai xây dựng giữ lại như vỏ bên ngoài, riêng bên trong có thể thay đổi công năng; nhóm 3 xây dựng phù hợp với quy hoạch - không xây cao tầng.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)