1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ phá rừng pơmu: Ai “bảo kê” cho lâm tặc phá rừng?

(Dân trí) - Vụ phá rừng ngay sát trạm kiểm soát biên phòng nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu điều tra, lãm rõ; Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thì nhận định “có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ…”.

Trên Dân trí, bạn đọc Nguyễn Hữu Thùy cho rằng: “Không có sự tiếp tay của cán bộ, lâm tặc không thể tự do phá rừng như vậy được”. Bạn đọc Xuan Cuong Pham thì yêu cầu: “Công an vào cuộc điều tra và xử lý hình sự, không để lâm tặc là kiểm lâm, kiểm lâm thành lâm tặc có tiếp tay của biên phòng”…


Hiện trường ngổn ngang gỗ pơmu ngã đổ, kéo theo hàng loạt cây rừng khác ngã rạp

Hiện trường ngổn ngang gỗ pơmu ngã đổ, kéo theo hàng loạt cây rừng khác ngã rạp

Những bức xúc thấy rõ bởi vụ việc quá nghiêm trọng lại diễn ra ngay sát trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang quản lý) một thời gian dài. Các nghi vấn được nêu ra, lâm tặc không thể một mình mà qua mặt được hàng loạt cơ quan chức năng để tự tung tự tá, vậy cá nhân, tổ chức nào “bảo kê” cho lâm tặc phá rừng?

Những hình ảnh trên báo chỉ thể hiện một phần hiện trường vụ phá rừng này. Trưa ngày 20/7, sau 1 tiếng rưỡi băng rừng đến hiện trường, tất cả những thành viên đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam mục sở thị cánh rừng bị "hạ sát" đều có chung cảm giác đau xót và kinh hoàng. Khi đó, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phải trỏ những cây pơmu đổ ngổn ngang ở hiện trường mà thốt lên: “Không thể tin được”.

Một gốc pơmu được cơ quan chức năng đánh dấu để điều tra
Một gốc pơmu được cơ quan chức năng đánh dấu để điều tra

Giữa cánh rừng, trong vòng bán kính vài trăm mét, hàng loạt cây pơmu cả trăm năm tuổi, có cây 2 người ôm đã bị lâm tặc hạ gục nằm la liệt. Tổng cộng có tất cả 66 cây pơmu đã bị đốn hạ, đó là chưa kể những cây pơmu đã bị lâm tặc cưa nhưng chưa đổ, hoặc những cây pơmu nằm sát hiện trường nhưng bên phần đất của nước bạn Lào.

Hiện trường cũng còn rất nhiều phách pơmu bị lâm tặc bỏ lại do “bị động”, chưa kịp chuyển ra ngoài.

Với gần 600 phách gỗ pơmu được vận chuyển ra ngoài, cơ quan chức năng nhận định, cần phải tốn rất nhiều thời gian và công sức bởi quãng đường từ hiện trường đi ra bìa rừng là QL14D đi bộ băng rừng 1 tiếng rưỡi đồng hồ với khoảng 7-8km đường đèo dốc.

Mỗi người một ngày nhiều lắm cũng chỉ vận chuyển được 2 phách gỗ ra ngoài, được trả công khoảng 600 ngàn. Vậy với gần 600 phách thì cần bao nhiêu ngày và bao nhiêu lao động mới vận chuyển từ hiện trường ra? Nhiều người ước tính, số nhân lực lâm tặc huy động giống cả một... đội quân.

Bên cạnh đó, để vận chuyển pơmu ra ngoài chỉ duy nhất một con đường, đó là đường tuần tra biên giới. Vậy trong những ngày lâm tặc vận chuyển gỗ ra ngoài, lực lượng Bộ đội biên phòng ở đâu, có biết hay không?

Câu hỏi này cũng đã được nhiều người trong đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng như bạn đọc Dân trí đặt ra.

Lâm tặc xẻ thử một gốc pơmu thấy rỗng ruột nên “chê”
Lâm tặc xẻ thử một gốc pơmu thấy rỗng ruột nên “chê”

Bạn đọc cũng quan tâm đến việc lực lượng kiểm lâm địa bàn ở đâu khi để ra tình trạng phá rừng kinh hoàng đến thế mà không hay biết vì theo quy định tại khu vực biên giới thì do Bộ đội biên phòng quản lý và quản lý rất chặt chẽ. Bất cứ ai đi qua lại, hay vào rừng đều phải có phép.

Khu rừng này nằm ở khu vực biên giới nên đương nhiên là do Biên phòng quản lý, kiểm lâm hay chính quyền địa phương muốn vào kiểm tra lâm sản cũng phải xin phép Biên phòng. Nếu Biên phòng không cho thì cũng không thể vào được.

Điều này đã được ông Alăng Mai – Chủ tịch huyện Nam Giang, một thành viên trong đoàn khảo sát hiện trường đưa ra khi họp với các cơ quan liên quan. Ông Alăng Mai nói, một tép ma túy chỉ hơn 1 gram giấu trong người, Bộ đội Biên phòng vẫn phát hiện tìm ra, còn những khối gỗ pơmu lớn như thế, hàng trăm phách được vận chuyển ra mà lực lượng Biên phòng không biết là điều vô lý.

Hơn nữa, hàng trăm phách gỗ pơmu đã được phát hiện sát nách trạm biên phòng và trong khuôn viên Hải quan cửa khẩu… Vậy các cán bộ thực thi nhiệm vụ ở đây có biết?

Ông Alăng Mai còn “tố” Biên phòng gây khó dễ cho địa phương khi muốn kiểm tra lâm sản ở khu vực biên giới này. Ông còn đề nghị Biên phòng tỉnh phải quan tâm hơn đến các đồn biên phòng đóng ở khu vực biên giới vì “chỉ nghe báo cáo tốt chứ chưa nghe cái chưa tốt” ở các đồn Biên phòng.

Vụ việc đang được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc. Vấn đề dư luận đang yêu cầu được trả lời là cá nhân, tổ chức nào đứng sau lưng đội ngũ lâm tặc này, vì lâm tặc không thể “tự tiện” phá rừng một cách công khai với khối lượng lớn như thế được.

Trước mắt, có 4 cán bộ gồm 1 lãnh đạo Hải quan cửa khẩu và 3 cán bộ gồm lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang và trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc đã bị đình chỉ công tác.

Công Bính