Quảng Nam báo cáo Thủ tướng vụ phá rừng pơmu
(Dân trí) - “Vụ việc phá rừng, khai thác gỗ (pơmu) trái phép xảy ra tại khu vực biên giới là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong địa bàn quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của khu vực biên giới; có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức… Vì vậy cần phải truy cứu và xử lý nghiêm…”.
Sáng nay 22/7, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ vụ phá rừng pơmu ở khu vực biên giới gây xôn xao dư luận.
Văn bản cũng gửi các Sở, ngành liên quan như Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Sở NN&PTNT; Giám đốc Sở Ngoại vụ; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh; Cục trưởng Cục Hải quan…
Theo văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh – ông Đinh Văn Thu – khẳng định vụ việc phá rừng, khai thác gỗ (pơmu) trái phép xảy ra tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang) là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong địa bàn quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của khu vực biên giới; tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ; gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt. Vì vậy cần phải truy cứu và xử lý nghiêm túc các sai phạm và làm rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam giao Giám đốc Công an tỉnh lập chuyên án, xây dựng kế hoạch để huy động lực lượng, khẩn trương tổ chức điều tra, củng cố chứng cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh làm việc với Sở An ninh tỉnh Sê Kông (Lào) và các đơn vị chức năng để tổ chức phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm sớm kết luận, đưa ra truy cứu trách nhiệm pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của địa phương.
Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh chủ động kiến nghị các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quản lý để phục vụ tốt nhất cho hoạt động điều tra, truy cứu trách nhiệm pháp lý và xử lý sai phạm.
Giao Sở Ngoại vụ tham mưu, liên hệ với chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Sê Kông để tạo điều kiện, phối hợp kịp thời trong công tác điều tra xử lý, đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế và thỏa thuận hợp tác.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng và chịu trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Công an tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Sở NN&PTNT và UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các tập thể, cá nhân liên quan báo cáo giải trình về trách nhiệm quản lý, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tạm thời đình chỉ công tác đối với các cá nhân có dấu hiệu sai phạm để chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng; đồng thời củng cố lại bộ máy tổ chức để tăng cường quản lý tốt địa bàn, trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã phân công ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc này, theo dõi và báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh – ông Lê Hồng Quang – cũng cho biết, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã giao cho Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu đối với đảng viên theo Điều lệ Đảng.
Về vụ phá rừng này, ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng liên quan đến vụ việc, đã có 3 cán bộ biên phòng bị đình chỉ công tác gồm Trung tá Nguyễn Tấn Lạc - Đồn trưởng và Trung tá Đỗ Hoành Minh, Chính trị viên đồn biên phòng Đắc ốc; Trung tá Lê Xuân Chính, đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc, huyện Nam Giang.
Ngoài ra, ông Lê Trung Thịnh – Chi Cục trưởng Hải quan cửa khẩu Nam Giang – cũng đã bị đình chỉ công tác kể từ ngày 20/7.
Công Bính