1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM:

Vụ nổ làm 11 người chết: Có phải chỉ là chất nổ phim trường?

(Dân trí) - “Tôi không nghĩ vụ cháy nổ làm 11 người chết vừa xảy ra xuất phát từ loại thuốc cháy nổ bình thường trong phim trường. Tôi càng không hiểu tại sao một người cẩn trọng như ông Phương lại để xảy ra sai sót gây hậu quả nghiêm trọng như vậy”.

Tiến sĩ Nguyễn Phước Thành, Chủ nhiệm liên ngành Hóa phân tích - Hóa đại cương, Trường Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM, đã có những chia sẽ về mặt kỹ thuật với PV Dân trí liên quan đến vụ cháy nổ kinh hoàng tại nhà ông Lê Minh Phương, Giám đốc Công ty Lạc Việt, làm 11 người chết.

Sức công phá hơn quả bom lớn

Tiến sĩ Thành phân tích, cháy, nổ là 2 vấn đề. Nếu cháy, trong quá trình dồn nén mà nơi đang cháy có kíp nổ, thuốc nổ, sẽ sinh ra quá trình nổ. Phim trường chủ yếu tạo ra khói và lửa. Còn nổ thì phim trường không cho nổ bằng thứ thuốc nổ mạnh. Vì vậy, chắc chắn trong kho của ông Lê Minh Phương có khối thuốc cháy và khối thuốc nổ rất lớn.

Dù cho có thuốc nổ, thuốc cháy thì cũng phải có tác động, đập, xẹt, tia lửa thì mới xảy ra quá trình cháy, nổ. Khối nổ lớn nằm trong không gian hẹp, bị nén lại nên bung ra một cái làm sập nhà, chết người.

TS Thành cho rằng, vấn đề sát thương không xảy ra ở vụ nổ mà do sức nổ công phá làm sập nhà, nạn nhân bị thương và khi quá trình cháy xảy ra thì họ đã chết nóng, chết cháy.
Sức công phá của vụ nổ có thể không đơn thuần là do thuốc cháy nổ của phim trường
Sức công phá của vụ nổ có thể không đơn thuần là do thuốc cháy nổ của phim trường

“Khi một trái bom nổ tạo ra sóng xung kích với sức công phá lớn. Khi sóng xung kích mạnh thì sức công phá sẽ mạnh, làm phá vỡ không gian trong nhà được bao bọc bởi những bức tường kín, kiên cố. Sóng xung kích tác động những nhà xung quanh, tức tạo ra một lực ép, bung ra theo kiểu lan tỏa. Bán kính của sóng xung kích tùy thuộc cấu trúc hạ tầng. Nếu những nhà xung quanh không chắc thì sức tàn phá còn lớn nữa. Quá trình nổ và cháy sẽ phát ra nhiệt độ cao, lấy toàn bộ ôxy trong quá trình cháy, tạo CO2 dẫn đến những người trong nhà bị ngộp thở cùng với sức nóng của lửa, tác động cơ học của vụ sập… dẫn đến tử vong”, TS Thành phân tích.

Chuyên gia hóa học này cũng cho biết thêm về quy trình đơn giản nhất tạo hiệu ứng cháy nổ. Theo đó, đầu tiên phải có thuốc cháy, pha tùy tỉ lệ, muốn thuốc cháy bắt cháy phải có kíp nổ (to, nhỏ tùy yêu cầu) làm mồi. Khi chích kíp nổ thì lửa mới bùng lên. Tuy nhiên, phim trường không làm nổ to mà sử dụng kỹ xảo nhiều hơn. Quá trình cháy nổ kéo dài 5, 10 giây hay 1 phút…, hiệu ứng to, nhỏ… tùy yêu cầu của đạo diễn và phụ thuộc tỉ lệ thành phần các chất pha chế.

“Sức nổ công phá làm sập 3 căn nhà, 10 người chết tại chỗ, tiếng vang to thì chứng tỏ sức nổ rất lớn, tầm cỡ quả bom. Vì thế, tôi không nghĩ trong kho của anh Phương chỉ chứa chất cháy, nổ thông thường dùng cho phim trường”, TS Nguyễn Phước Thành nói.

Cẩn thận với cháy nổ không bao giờ thừa

Có thông tin cho rằng, ông Phương “khói lửa” mua hóa chất ở chợ Kim Biên (Q.5, TPHCM) và lấy thuốc từ đạn mã tử để làm hiệu ứng cháy nổ trong phim trường. TS Thành cho biết, những hóa chất tạo hiệu ứng cháy, nổ mà ông Phương có thể mua ở chợ Kim Biên là Nitrat (NO3), Kaliclorat (KClO3), bột than nhẹ, phốt pho đỏ… Tuy nhiên, những chất tự pha chế này sức nổ kém, tính sát thương không cao mà chỉ tạo ra khói, lửa… “Để tạo khí nhiều, người ta thường cho bột than nhẹ và kaliclorat. Muốn có chất nổ như pháo thì người ta sử dụng nitrat và bột than nhẹ”, TS Thành nói.

Kết quả khám nghiệm hiện trường ban đầu cho thấy có nhiều vỏ đạn mã tử. TS Thành cho rằng, thuốc đạn mã tử rất nhạy cháy, tùy kích cỡ mà lượng thuốc nhiều hay ít. Tuy nhiên, đây vẫn là loại được quản lý nghiêm ngặt không khác gì thuốc nổ TNT. “Có thể, ông Phương đã trộn thuốc trong đạn mã tử với hóa chất mua từ chợ Kim Biên để tăng độ nhạy cho thuốc… Vấn đề là làm sao mà ông có được thuốc từ đạn mã tử đấy”, TS Thành nói.

TS Thành bác bỏ khả năng vụ nổ là do con trẻ trong nhà ông Phương nghịch phá gây ra, không thể do mâu thuẫn gia đình và cũng khó có khả năng bị trả thù vì cạnh tranh trong làm ăn mà ông Phương đang làm “độc quyền” hiệu ứng cháy nổ trong phía Nam.

Hiện trường vụ việc đang được phong tỏa để điều tra làm rõ nguyên nhân
Hiện trường vụ việc đang được phong tỏa để điều tra làm rõ nguyên nhân

TS Thành cũng không ngờ một con người được cho là cẩn thận như ông Phương mà lại đưa cả gia đình về ở trong kho chứa đạo cụ, thuốc cháy nổ tạo hiệu ứng phim trường. “Có thể biết nhiều quá, nên chủ quan chăng? Không có cẩn thận nào là thừa trong cuộc sống cả. Có kinh nghiệm như anh Phương nhưng chỉ cần chủ quan hay một sai sót nhỏ là hậu quả khôn lường. Hoạt động với chất cháy nổ thì không loại trừ sai sót nào hết”, TS Thành nói.

Qua sự việc đau lòng xảy ra đối với gia đình ông Lê Minh Phương và các nạn nhân khác, TS Nguyễn Phước Thành khuyên mọi người nên cẩn thận với cháy nổ. Theo đó, cách quản lý chất cháy nổ an toàn nhất là không bao giờ cho chất cháy gần chất nổ. Phải bảo vệ, cất giữ trong khu đặc biệt, nhà kho, tường phải bảo đảm an toàn, cách xa dân cư, xa tất cả những khu vực có thể gây ra tiếng động, lực cơ học. Khi vận chuyển chất cháy nổ phải dùng loại xe chuyên biệt và khoảng thời gian di chuyển rất nhanh. 

“Cẩn thận với cháy nổ không thừa. Phải biết rất kỹ tính chất từng hóa chất đang dùng. Hiểu nó để bảo vệ mình. Phải nắm kỹ các quy định kỹ thuật về pha chế chất cháy nổ, không được làm ẩu… Phải có chuyên gia về cháy nổ chỉ dạy. Chứ sự việc của anh Phương khiến tôi cứ suy nghĩ mãi rằng chẳng lẽ đây là số mệnh, sinh nghề tử nghiệp”, TS Thành trăn trở.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm