1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ Đồng Tiến (kỳ 2): Khai hoả cuộc đấu

(Dân trí) - Sau khi tiến hành điều tra ban đầu tại xã Đồng Tiến theo đơn tố cáo của người dân, tôi đã được Bí thư Đảng ủy xã mời về nhà ăn cơm. Trở về Hà Nội, tôi nhận định như vậy là đã “rút dây động rừng” rồi. Họ đang tìm cách đối phó với cuộc điều tra của tôi...

Mời được Bí thư Tỉnh ủy về xã trao bằng khen không phải là việc dễ làm. Quan hệ được với một người có thế lực trong cơ quan pháp luật trung ương để bẫy, mời tôi về ăn cơm ở xã cũng rất cao thủ, không phải ai cũng làm được. Tôi thầm nghĩ giá như tay Bí thư xã này dùng cái tài này để phục vụ nhân dân thì tốt biết bao.

 

Nhà báo Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Chính trị báo Đại Đoàn Kết, hiện đang định cư ở Nhật, là giảng viên môn tiếng Việt tại một số trường Đại học ở Tokyo. Mới đây, Minh Tuấn gửi về một cuốn sách mà anh dự định in ở VN, trong đó tập hợp tất cả các vụ việc gây tiếng vang trước đây mà anh và đồng nghiệp đã thực hiện, đưa ra ánh sáng công lý như vụ CSGT Nguyễn Tùng Dương, vụ Đồng Tiến,  vụ ông Hồng Minh...

Khi đó tôi không biết rằng, động tới xã Đồng Tiến, tức là động tới vị Bí thư Tỉnh ủy kia, và có thể, còn động tới cấp trên của ông ấy nữa. Nhưng do còn quá trẻ để hiểu hết “ván cờ chính trị” trong vụ Đồng Tiến, nên tôi vẫn quyết tâm làm vụ Đồng Tiến, giống như kẻ “điếc không sợ súng”. Tôi không báo cáo tất cả các lắt léo phía sau vụ Đồng Tiến cho ông Tổng Biên tập, vì sợ rằng ông sẽ lo ngại, không dám cho tôi làm.

 

Sau khi nghe tôi trình bày kết quả điều tra, Ban biên tập tăng cường thêm một số phóng viên cùng tôi làm vụ Đồng Tiến. Nhà báo Lê Văn Ba được cử phụ trách nhóm. UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cử một cán bộ quê ở Hải Hưng xuống tăng cường cho báo Đại Đoàn Kết để làm vụ Đồng Tiến. Rất may nhà của vị cán bộ Mặt trận Trung ương này ở gần xã Đồng Tiến, nên chúng tôi thiết lập  trạm liên lạc ở đây, để mọi người dân Đồng Tiến có thể đến liên lạc, cung cấp các tài liệu chứng minh các vụ việc bán đất, cướp đất, bắt giam người trái phép. Chúng tôi cũng có thể ăn nghỉ dài ngày ở đấy, ngay bên cạnh xã Đồng Tiến để điều tra, không phải đi về Hà Nội vừa xa, vừa tốn kém.

 

Chúng tôi làm việc với nạn nhân của các vụ cướp hàng hóa xảy ra trên đoạn đường tỉnh lộ đi qua xã Đồng Tiến, mà theo tố cáo do lãnh đạo xã Đồng Tiến chỉ đạo cướp. Cùng lúc đó, chúng tôi làm việc với rất nhiều cơ quan liên quan ở tỉnh Hải Hưng, ở huyện Châu Giang để lấy các tài liệu liên quan. Tôi đi lên Xuân Hòa, cách Hà Nội hơn 60km để xác minh lý lịch, con người ông Bí thư xã Đồng Tiến, nơi trước kia ông ta đã từng làm việc. Một cán bộ của Công an Hà Nội khi nghe kể lại các bước điều tra của chúng tôi về vụ Đồng Tiến đã lắc đầu nói “Nhà báo các ông còn làm điều tra kỹ hơn Công an bọn tôi”.

 

Sự ủng hộ trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

 

Hơn 4 tháng ròng rã, việc điều tra đã tạm xong. Chúng tôi báo cáo kết quả lên Tổng Biên tập Ngọc Thạch. Ông đồng ý cho đăng. Tôi viết bài phóng sự điều tra đầu tiên, đầu đề “Sự thật ở xã Đồng Tiến”. Bài phóng sự được đăng lên báo Đại Đoàn Kết, như một quả bom ở Hải Hưng vào năm 1987. Với vụ Đồng Tiến, lần đầu tiên trên báo chí Việt Nam xuất hiện khái niệm “bọn cường hào mới ở nông thôn”, để chỉ một bộ phận đảng viên làm lãnh đạo ở nông thôn đang thực sự trở thành bọn cường hào mới, áp bức, bóc lột nhân dân, không khác gì trong xã hội thực dân - phong kiến xưa kia.

 

Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đang có một loạt bài viết ở mục “Những việc cần làm ngay” trên trang nhất báo Nhân Dân, ký tên NVL. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng chính sách “Đổi Mới” năm 1986 ở Việt Nam. Và để hỗ trợ chính sách “Đổi Mới” này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết loạt bài “Những việc cần làm ngay”, yêu cầu chính quyền các cấp phải xử lý ngay các vụ việc nghiêm trọng được nêu trên báo chí. Có thể nói, loạt bài viết “Những việc cần làm ngay” như là chiếc gậy chỉ đường, là vũ khí cho các nhà báo nhằm yêu cầu các cấp chính quyền phải xử lý các vụ việc, không được làm ngơ, không được im lặng. Bài báo “Sự thật ở xã Đồng Tiến“ của tôi cũng nhanh chóng được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh quan tâm. Tổng Bí thư đã viết về vụ Đồng Tiến trên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân, yêu cầu tỉnh Hải Hưng phải xem xét trả lời báo Đại Đoàn Kết. Chúng tôi vô cùng phấn khởi trước bài báo ngắn “Những việc cần làm ngay” ký tên NVL này và càng vững tin vì đã có một sự hậu thuẫn tốt, một sự hậu thuẫn rất mạnh, rất có sức nặng.

 

Nhưng những diễn biến sau đó cho thấy lãnh đạo tỉnh Hải Hưng khi đó chẳng coi bài báo của chúng tôi, và bài báo “Những việc cần làm ngay” của NVL là cái gì cả. Tỉnh ủy Hải Hưng thành lập một đoàn kiểm tra do Trưởng ban kiểm tra Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn về Đồng Tiến tái kiểm tra các nội dung mà bài báo đã nêu. Sau đó, Tỉnh ủy Hải Hưng đã có báo cáo gửi Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo Đại Đoàn Kết nêu rõ bài báo tôi viết là sai sự thật, yêu cầu xử lý kỷ luật báo Đại Đoàn Kết và phóng viên viết bài.

 

Cuộc chiến một mất, một còn

 

Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch có vẻ lo lắng, nhưng ông rất tin ở chúng tôi. Tôi cũng hơi lo, vì tôi còn quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm điều tra, và nhất là thiếu kinh nghiệm đối phó lại các phản ứng sau các bài điều tra. Nhưng tôi tin ở việc mình làm. Vị cán bộ Mặt trận được giao nhiệm vụ giúp chúng tôi thì quả là một thứ vũ khí lợi hại. Anh động viên chúng tôi, động viên Tổng Biên tập Ngọc Thạch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng rất tin tưởng ở báo Đại Đoàn Kết. Ở Đài Truyền hình Trung ương có nhà báo Trường Phước cũng rất ủng hộ chúng tôi. Anh đề nghị gửi báo biếu thường xuyên cho anh, để khi có tin mới về vụ Đồng Tiến, anh sẽ điểm báo trên truyền hình, để dư luận cả nước biết đến vụ việc rộng rãi hơn, tạo hậu thuẫn dư luận cho chúng tôi. Chúng tôi lại tiếp tục theo đuổi, tiếp tục đăng thêm các bài điều tra mới, đưa thêm các chứng cứ chứng minh các sai trái của xã Đồng Tiến. Và đăng thư bạn đọc trong cả nước hưởng ứng, ủng hộ bài báo. Thực sự đây là một cuộc chiến đấu “một mất một còn”. Đã có lúc tôi chuẩn bị tinh thần là nếu bị “thua”, tôi có thể phải đi vùng kinh tế mới Lâm Đồng.

 

Nhưng sự việc cứ dần dần được sáng tỏ. Phản ứng của Tỉnh ủy Hải Hưng ngày càng yếu. Nhân dân Đồng Tiến, nhân dân huyện Châu Giang và nhân dân tỉnh Hải Hưng và độc giả báo Đại Đoàn Kết cả nước hồi hộp theo dõi cuộc đấu giữa báo Đại Đoàn Kết và Tỉnh ủy tỉnh Hải Hưng. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ về tinh thần của nhân dân tỉnh Hải Hưng. Ai biết thêm được chứng cứ nào, họ tự nguyện đến gặp chúng tôi cung cấp tài liệu. Đặc biệt, chúng tôi được một cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật ở Hải Hưng bí mật cho mượn một bộ hồ sơ chứng minh việc mua bán đất trái phép, tham nhũng đất của lãnh đạo xã Đồng Tiến. Tôi liền chụp ảnh lại những tài liệu quan trọng nhất (vì khi đó ở Hà Nội chưa có máy photocopy). Tôi cũng điều tra được việc khai man lý lịch của vị Bí thư xã Đồng Tiến và cho đăng công khai sự việc khai man này lên báo. Đây quả là một đòn chí mạng làm thay đổi toàn bộ ván cờ. Tỉnh ủy Hải Hưng không còn có thể bênh che cho vị Bí thư xã nhiều bê bối này.

 

Kết thúc có hậu và bữa cơm khoai mừng thắng lợi

 

Sau đó, đích thân ông Trần Xuân Bách - Ủy viên Bộ Chính trị khi đó đã được cử về Hải Hưng để giải quyết vụ Đồng Tiến. Chúng tôi không ngờ  các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng lại quan tâm đến vụ việc của một xã đến như thế. Lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng trực tiếp tham gia để làm rõ sự thật. Chúng tôi đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, đồng thời là Chủ nhiệm báo Đại Đoàn Kết. Ông Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Văn Kiết cũng rất ủng hộ báo. Chúng tôi còn phải theo đuổi hơn nửa năm nữa với rất nhiều gian khổ, căng thẳng, mới đi đến giải quyết được vụ Đồng Tiến. Cuối cùng, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến mất chức. Và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Hưng sau đó cũng được thuyên chuyển công tác khác, rồi về hưu.

 

Chúng tôi không thể ngờ được rằng cái vụ việc của một xã cỏn con lại ảnh hưởng đến tương lai của một vị lãnh đạo vốn có đấy hứa hẹn. Thực tình ngay cả lúc đó, tôi nghĩ ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng ấy không phải là một người xấu. Nhưng lỗi của ông ấy là quan liêu, không biết được sự thật ở cơ sở. Với các vị lãnh đạo thì quan liêu có lẽ là điều tai hại nhất, vì sẽ không hiểu tình hình thực tế, không hiểu thực tế đang xảy ra điều gì. Và điều đó thật là nguy hiểm.

 

Nhưng một số vụ việc khác, như các vụ cướp hàng hóa, bắt giam người trái phép, tham nhũng đất đai... thì không được giải quyết.

 

Một số nhân dân xã Đồng Tiến đã mang lên Hà Nội mấy cân gạo nếp và khoai tây để cảm ơn báo Đại Đoàn Kết và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giúp họ lật đổ được bọn cường hào mới ở xã. Tôi đã dùng gạo nếp, khoai tây đó làm cơm mời họ ăn, bữa cơm đạm bạc mừng chiến thắng. Nhà báo Lê Văn Ba, người phụ trách nhóm phóng viên chúng tôi làm vụ Đồng Tiến, đã dựa vào vụ Đồng Tiến để viết bút ký nổi tiếng “Người đàn bà quỳ” với bút danh Trần Khắc. Sau đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã tặng giải nhất Giải thưởng báo chí Việt Nam năm 1987 về vụ việc này.

 

Kỳ tiếp: Vụ án Cầu Chương Dương - Chấn động dư luận một thời

 

Minh Tuấn