Cái chết bi phẫn của một Tổng Giám đốc
(Dân trí) - Một buổi chiều đầu đông năm 1987, mưa phùn, gió lạnh, tôi vừa đi làm về đang trùm chăn xem sách chờ cơm tối thì anh Đào Quang Thép, lúc này là trưởng phòng phụ nữ Đài truyền hình T.Ư, người bạn thân của tôi xô cửa bước vào giục: “Đi, đi ngay!”…
Tổng giám đốc “đại tiêu cực”
Lên xe, tôi đã thấy người ngồi kín cả 2 ghế chiếc gát 69 đít vuông của Liên hiệp xí nghiệp rượu bia và nước giải khát I. Xe lao đi trong mưa phùn, gió bấc. Đến 94 Lò Đúc chúng tôi được mời vào phòng khách của Liên hiệp Xí nghiệp rượu bia và nước giải khát I.
Ba ông Phó tổng Liên hiệp là Vũ Lai Giáp, Lê Văn Lãng, Lê Xuân Quỳnh chủ trì buổi làm việc.
Những tiêu cực mà ba Phó tổng Vũ Lai Giáp, Lê Văn Lãng, Lê Xuân Quỳnh, thư ký công đoàn Liên hiệp rượu bia I và một số công nhân tố cáo Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi gồm một loạt những vấn đề nghiêm trọng: Độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, thiếu dân chủ, trù dập hàng trăm người, con liệt sĩ, thương binh, nhiều cán bộ có năng lực, nhiều công nhân kỹ thuật bậc cao. Buông lỏng quản lý, kỹ thuật để hư hao mất mát hàng trăm triệu đồng, phẩm chất đạo đức kém, giả dối không trung thực...”.
Buổi làm việc kéo dài đến 11h30 phút đêm.
Chúng tôi hẹn buổi làm việc tiếp tối hôm sau để gặp những nhân chứng bị trù dập. Cứ mỗi lần làm việc đều có xe đưa đón tận nơi và khi ra về cặp lại đầy thêm nhiều đơn tố cáo mới được đánh máy phô-tô-cóp-pi rất cẩn thận.
Qua nhiều buổi làm việc ở Liên hiệp rượu bia, ở nhà máy rượu, nhà máy bia, và một số cơ sở khác với băng ghi âm, ghi hình đầy đủ những nhân chứng sống, bỗng tôi cảm thấy những gì tố cáo Trần Xuân Hợi đều như có sự sắp đặt, bố trí trước. Có một điều gì đó gờn gợn lên trong tôi vì qua rất nhiều buổi làm việc, qua rất nhiều lời tố cáo, và những tập đơn, nhưng khi tôi đặt một câu hỏi: “Ông Hợi có tham ô không?”, cả ba phó tổng nhìn nhau, im lặng không trả lời, rồi lảng sang chuyện khác.
Đòn đánh của tiêu cực
Sau buổi làm việc này, chúng tôi chính thức gặp gỡ với Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi tại Liên hiệp, có tổ chức ghi âm, ghi hình đầy đủ. Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi đã lý giải đầy đủ bằng các biên bản kỷ luật của Hội đồng kỷ luật (với một số trường hợp tố cáo Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi trù dập họ).
Sau đó, chúng tôi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm, đồng chí Vũ Tuân - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm, đồng chí Dương - Bí thư Quận uỷ Hai Bà Trưng.
Tất cả các đồng chí đó đều đánh giá ông Hợi là một Tổng Giám đốc tận tuỵ, nhiệt tình, năng động, có nhiều đóng góp cho ngành, không có biểu hiện tham ô, hối lộ. Chỉ còn một số yếu điểm là trong tác phong lãnh đạo còn nôn nóng, mệnh lệnh. Đồng chí Vũ Tuân nói: “Đến bây giờ tôi vẫn khẳng định anh Hợi là một cán bộ tốt. Tôi đã phát biểu ý kiến của tôi về anh Hợi với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tôi cũng đã nói rõ với anh Tạn, đề nghị anh Tạn xem xét kỹ”.
Khi ông Trần Xuân Hợi tự sát, tôi mới ý thức được một cách đầy đủ quan điểm đó. Nó khác nào như sự mặc nhiên bỏ rơi số phận một con người. Nhìn lại toàn bộ quá trình diễn biến vụ việc, chúng tôi bắt đầu hình dung rõ cả một âm mưu lật đổ, có tổ chức, có chỉ huy chặt chẽ, được triển khai rất bài bản qua các bước:
1. Vận động một số công nhân viên viết đơn tố cáo, ba Phó tổng Vũ Lai Giáp, Lê Văn Lãng, Lê Xuân Quỳnh trực tiếp viết đơn và gặp Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn phản ánh cái gọi là “cuộc đấu tranh của công nhân”.
2. Thành lập đoàn thanh tra. Tổ chức đẩy “chiến dịch tố cáo” lên mức cao hơn, với cường độ lớn hơn. Tranh thủ các cơ quan ngôn luận. Dùng Đảng ủy, Công đoàn, dùng công nhân lên gây sức ép với Bộ trưởng để cách chức Trần Xuân Hợi.
3. Tiến tới thành lập bộ máy lãnh đạo mới ở Liên hiệp.
Về phía Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi, sau hơn 8 tháng dằn vặt đấu tranh, vật lộn với chân lý, với hàng trăm đơn thư kèm theo hàng ngàn bản Phô–tô–cóp-py (sau này tôi mới biết vợ anh Hợi phải bán một xe đạp mi- pha để chồng chi tiêu khoản này) gửi đến các nơi, nhưng không một lời đáp lại.
Thế rồi đến ngày 13, 14/4/1988, Trần Xuân Hợi bị đoàn thanh tra cùng với ba ông Phó tổng Vũ Lai Giáp, Lê Văn Lãng, Lê Xuân Quỳnh và thư ký công đoàn Trần Hùng “đấu tố” suốt 2 ngày. Trần Xuân Hợi không được phép giải trình, đến nhà Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đưa đơn kêu cứu, bị Bộ trưởng từ chối! Trong cơn sốc “lòng tin” Trần Xuân Hợi đã chọn con đường tự sát. Ông cuốn dây điện vào người và cắm điện.
Tôi ân hận và dằn vặt thấy mình có phần trách nhiệm không ngăn chặn được âm mưu của những tên cơ hội, lợi dụng cuộc đấu tranh chống tiêu cực để thanh toán những con người tích cực. Lợi dụng “Những việc cần làm ngay” để chống phá “Những việc cần làm ngay”. Lợi dụng đổi mới để chống đổi mới.
Sau cái chết của TGĐ Trần Xuân Hợi, Bộ Nông Nghiệp & Công nghiệp thực phẩm có tổ chức một cuộc họp báo để làm rõ hơn về việc này. Cuộc họp do chính Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn chủ trì (ông Tạn sau này được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng).
Khi Bộ trưởng “ra đòn”
Có thể nói cuộc họp báo của Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn tối 10/5/1988 là một cuộc đụng đầu giữa báo chí và đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Công nghiệp thực phẩm diễn ra xung quanh cái chết bi thảm của nguyên Tổng Giám đốc Trần Xuân Hợi.
Mặc dầu cuộc họp báo được tổ chức vào ban đêm nhưng có lẽ đây là một cuộc họp báo có nhiều nhà báo đến dự nhất, có đông người tham gia nhất về những vụ việc ở Liên hiệp Rượu bia I, chủ yếu là cái chết của Tổng giám đốc Trần Xuân Hợi.
Không hiểu bằng cách nào, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn biết được báo Tuần tin tức, Lao Động, Tiền Phong chuẩn bị đăng bài về vụ việc liên quan đến cái chết của ông Trần Xuân Hợi. Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đã đề nghị đồng chí Nguyễn Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu dừng bài lại.
Một tuần sau bài báo “Xôn xao một cái chết” của tôi mới ra mắt bạn đọc (đăng trên Tiền Phong).
Dù bài báo ra, nhưng cuối cùng cũng chỉ như “hòn đá ném xuống ao bèo”. Những người đã tổ chức cuộc “đấu tố” ông Trần Xuân Hợi vẫn tại vị, thậm chí còn lên chức.
Chỉ có cái chết của ông Hợi là vẫn còn đọng lại một sự nhức nhối. Ông đã đầu hàng quá sớm. Có người cho là ông hèn nhát. Nhưng nếu thử đặt bạn vào hoàn cảnh của Trần Xuân Hợi, bạn sẽ làm gì?
Trần Đình Bá
Kỳ tiếp: Vụ Quán Cây Dừa và số phận người đàn bà kỳ lạ