1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: “Phải chữa từ nguyên nhân”

(Dân trí) - “Trong vụ việc ở Tiên Lãng, xử lý ông Vươn rõ ràng là xử lý hậu quả nhưng chữa bệnh thì phải chữa từ nguyên nhân” - LS Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ & Pháp luật UBTW MTTQ nhận định.

Nhìn lại toàn bộ quá trình giao đất, thu hồi đất, cưỡng chế trong vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua cũng như trả lời của các cấp chính quyền địa phương về vụ việc, ông có ý kiến gì?

Trong vụ việc này có hai câu hỏi cần phải trả lời cho dân biết: Có cơ sở pháp lý để thu hồi đất của dân đang sử dụng hợp pháp không? Nếu việc thu hồi đất là trái pháp luật thì chính quyền có được phép ra lệnh cưỡng chế không?

Điều 5 Luật đất đai 1993 quy định rõ nhà nước khuyến khích người dân đầu tư cải tạo đất. Theo Điều 20, đất nuôi trồng thủy sản như của ông Vươn khi được giao, có thời hạn sử dụng 20 năm. Điều 26 quy định nhà nước thu hồi đất khi người sử dụng không có nhu cầu hoặc vi phạm luật. Điều 27 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại.”
 
Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: “Phải chữa từ nguyên nhân” - 1
LS Tiết: "Người ra lệnh phá nhà ngoài diện tích cưỡng chế phải bị xử lý theo pháp luật".

Ở đây, ông Vươn không vi phạm luật và vẫn có nhu cầu sử dụng đất. Nhà nước không có nhu cầu thu hồi đất. Vậy huyện ra lệnh thu hồi đất để làm gì?

Khi không có có sở pháp luật để thu hồi đất mà còn huy động lực lượng để cưỡng chế dân thì đây là hành vi không bình thường. Tòa sơ thẩm huyện càng không có căn cứ  pháp luật để công nhận việc làm của chính quyền huyện là đúng pháp luật (!)

Trong buổi họp báo về sự việc, đại diện UBND huyện Tiên Lãng có lý giải là không áp dụng luật đất đai 1993 vì thời điểm ký giao đất cho ông Vươn trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực 10 ngày?

Theo trật tự pháp luật, luật ra sau có giá trị thi hành nếu luật ban hành trước đó chưa quy định hay quy định trái với luật mới. Luật trước năm 1993 không quy định thời hạn giao đất thì có nghĩa là vô thời hạn. Đến 1993, Luật định thời hạn là 20 năm thì nhất định phải thi hành theo đó.

Về phần của cơ quan xét xử, sau khi tòa án sơ thẩm xử cho huyện “thắng”, người dân đã kháng cáo lên tòa thành phố. Đại diện Tòa thành phố lại giải quyết theo cách để UBND huyện và ông Vươn thỏa thuận với nhau và huyện đã đặt điều kiện nếu ông Vươn rút đơn kháng cáo thì sẽ tiếp tục giao đất cho gia đình sử dụng. Nhưng sau đó huyện không thực hiện thỏa thuận, không giao đất tiếp mà lệnh cưỡng chế. Cách xử lý của tòa như vậy theo ông có phù hợp?

Án sơ thẩm bị kháng cáo thì phải được xét xử phúc thẩm. Tòa phúc thẩm, phải bằng bản án, hủy án sơ thẩm nếu xét thấy trái pháp luật, giữ nguyên án sơ thẩm nếu cho là đúng. Việc Tòa phúc thẩm “mặc cả” quyền kháng cáo của dân là việc làm trái nguyên tắc xét xử hai cấp.

Trong vụ việc này còn có chi tiết lực lượng cưỡng chế phá hủy căn nhà không nằm trên diện tích đất phải cưỡng chế. Theo ông, việc này phải giải quyết theo hướng nào?

Việc này là vi phạm pháp luật. Phá nhà của dân thì phải đền bù đầy đủ thiệt hại vật chất và tinh thần. Người ra lệnh phá nhà phải bị xử lý theo pháp luật.

Huyện Tiên Lãng đặt vấn đề thu hồi đất của ông Vươn từ 2005, đến nay đã là 6 năm. Suốt quá trình đó, người dân không dám đầu tư trên diện tích đất rộng như vậy, gây thiệt hại, lãng phí lớn. Ông ý kiến gì về vấn đề này?

Người dân ở vùng biển Tiên Lãng đã phơi sương, đội nắng hàng chục năm, đối mặt với  bão tố để mong có bát cơm đầy cho gia đình và làm giàu cho đất nước. Nay đến ngày hái quả bỗng nhiên lại bị thu hồi. Nếu việc thu hồi đất là minh bạch, thỏa đáng thì người dân không hề đắn đo, còn mọi lý do đưa ra để bào chữa cho việc thu hồi đất trái pháp luật đều không thể chấp nhận.
 
 
Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: “Phải chữa từ nguyên nhân” - 2
Hàng trăm chiến sỹ đã được huy động tham gia buổi cưỡng chế (Ảnh: Người Lao động)

Gia đình ông Vươn sử dụng hình thức chống đối như thế là quá nhưng đặt vấn đề ông chủ tịch huyện, chủ tịch xã, ông thẩm phán tòa sơ thẩm… ở vào tình thế như ông Vươn, bản thân các ông đó có chịu đựng được không ?.

Xử lý ông Vươn rõ ràng là xử lý hậu quả. Chữa bệnh thì phải chữa từ nguyên nhân. Nước bị ô nhiễm thì phải làm trong sạch từ nơi xuất xứ chứ không phải là từ hạ lưu.

Hành động chống người thi hành công vụ của ông Vươn và người thân là đáng phê phán. Tuy nhiên, xung quanh vụ việc, các chuyên gia, luật sư, nguyên lãnh đạo cấp cao đều phân tích là chính quyền địa phương sai trước, nhưng cho đến nay  lãnh đạo huyện, thành phố chưa có động thái nào nhận sai. Ông ý kiến gì về việc này?

Việc này không phải là vấn đề gì rắc rối về pháp luật mà rõ ràng là có hành vi cố ý làm sai pháp luật với những động cơ không trong sáng, minh bạch. Việc này không thể dựa vào phê bình và tự phê bình được. Vấn đề cần giải quyết, trước hết là trách nhiệm của Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố.

Tôi tán thành ý kiến của ông Đặng Hùng Võ. Hành vi của ông Vươn và những người trong gia đình đáng phê phán nhưng vấn đề đáng lên án, đáng phải xử lý là hành vi làm sai pháp luật của những người cầm cân nảy mực.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói những việc này nếu không xử lý nghiêm sẽ làm mất lòng tin của nhân dân, ông có ý kiến gì?

Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của nguyên Chủ tịch nước. Đây không phải là sự việc đơn lẻ, duy nhất mà đã từng xảy ra cả ở những nơi khác. Vậy nên vụ việc này mà không giải quyết, không làm rõ trách nhiệm của huyện, của tỉnh, của cả chính quyền và tòa án, người dân sẽ mất lòng tin.

Xin cảm ơn ông!
 
Đoàn Văn Vươn là tội phạm, cũng vừa là…nạn nhân!
 
Trao đổi về vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh nhận định:
Chính quyền huyện Tiên Lãng đã có những sai sót ngay từ quyết định giao đất. Theo quy định của luật đất đai thì việc giao đất nuôi trồng thủy sản của huyện Tiên Lãng đã không tuân thủ luật định về thời hạn giao đất là 20 năm mà chỉ giao 14 năm và cần phải xác định loại đất gia đình ông Vươn được giao là loại đất nông nghiệp, khi thu hồi đất cần có phương án đền bù và giải phóng mặt bằng theo đúng quy định.
 
Việc UBND huyện Tiên Lãng đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất khi chưa xác định rõ mốc giới mà trong trường hợp ngôi nhà 2 tầng của ông Vươn nằm ngoài diện tích đất bị thu hồi và giải phóng mặt bằng là việc làm sai. Cơ quan tổ chức cưỡng chế phá ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý không thuộc phần đất có quyết định cưỡng chế là đã trực tiếp hủy hoại tài sản của người dân. Tôi cho rằng hành vi đó là xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp và hủy hoại tài sản, trách nhiệm cần phải được xem xét và bồi thường tài sản cho gia đình ông Vươn theo quy định của pháp luật về Bồi thường Nhà nước.
 
Hơn nữa, vì phía gia đình người bị thu hồi đất đã có hành vi chống người thi hành công vụ thì cần phải xác định ngôi nhà 2 tầng nằm ngoài diện tích đất bị thu hồi là địa điểm và hiện trường gây án, cần có biện pháp bảo vệ, giữ nguyên hiện trường để cơ quan công an điều tra làm cơ sở đưa vào phục vụ điều tra vụ án chứ không thể phá nát được.
 
Hành vi chống người thi hành công vụ của ông Đoàn Văn Vươn có thể được xem là thái quá dẫn đến phạm tội, vì gia đình bị can cũng đã cố gắng để bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền, từ việc làm đơn xin bổ sung, gia hạn đối với diện tích đất mình đang được giao, sử dụng khi có quyết định thu hồi đã tham gia tố tụng tại tòa án... Tôi cho rằng hành vi “chống người thi hành công vụ” của Đoàn Văn Vươn có thể được xem xét dưới góc nhìn “phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Quốc Đô
 
 
Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)