Vụ bồi thường ông Nén 10 tỷ: Truy trách nhiệm người gây oan sai như thế nào?

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao - khẳng định cơ quan này sẽ xem xét trên cơ sở pháp luật về đề nghị của Bộ Tài chính trong việc xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ sau khi ngân sách phải bồi thường ông Huỳnh Văn Nén 10 tỷ đồng.

Ngân sách nhà nước vừa phải chi trên 10 tỷ đồng để bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)
Ngân sách nhà nước vừa phải chi trên 10 tỷ đồng để bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)

Hôm qua, TAND tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất việc chuyển khoản hơn 10 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Đây là số tiền mà Bộ Tài chính đã thống nhất bổ sung dự toán năm 2017 của TAND Tối cao từ nguồn chi quản lý hành chính ngân sách Trung ương năm 2017 đã được Quốc hội phê duyệt. Đồng thời với đó, Bộ Tài chính đề nghị TAND Tối cao có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc cơ quan có trách nhiệm xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC.

Trao đổi với PV Dân trí, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại TAND Tối cao chưa có ý kiến gì với TAND tỉnh Bình Thuận xung quanh việc xác định trách nhiệm hoàn trả của những cán bộ kết án oan cho ông Nén.

“Đó mới chỉ là đề nghị của Bộ Tài chính thôi, còn TAND Tối cao xem xét, đánh giá sự việc phải dựa trên các quy định của pháp luật”- ông Sơn nói.

Theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 04 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả sẽ xác định lỗi của người thi hành công vụ trên cơ sở nội dung văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định tại Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Trong trường hợp các văn bản chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ thì Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp và các tình tiết của vụ việc để xác định lỗi của người có trách nhiệm hoàn trả trên cơ sở áp dụng quy định của pháp luật dân sự.

Điều 8 Thông tư liên tịch số 04 quy định chi tiết về mức hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả trên 500 triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Liên quan đến vấn đề này, theo báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (2011-2016) do Bộ Tư pháp thực hiện, đến ngày 31/12/2015 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này chỉ có 22 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ, với tổng số tiền gần 677 triệu đồng (!).

“Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa đúng theo quy định của pháp luật”- Bộ Tư pháp nhận định.

Nhiều lần trả lời PV Dân trí, lãnh đạo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) đều khẳng định, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả nếu có lỗi (cố ý hoặc vô ý) nhưng một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ lại không xem xét yếu tố lỗi của người thi hành công vụ (?!).

“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén được biết đến là người mang hai án oan giết người - duy nhất trong ngành tố tụng Việt Nam. Vụ án oan chấn động xảy ra vào năm 1993, khi bà Dương Thị Mỹ (ngụ xã Tân Minh, Bình Thuận) được phát hiện bị giết tại một vườn điều thuộc xã Tân Minh. Sau đó, do không tìm ra thủ phạm nên vụ án đã được đình chỉ. Năm 1998 nơi này tiếp tục xảy ra vụ án bà Lê Thị Bông bị giết. Qua xác minh, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt giam ông Huỳnh Văn Nén. Sau đó, ông Nén đã khai nhận mình và 9 người khác trong gia đình bên vợ đã giết bà Dương Thị Mỹ.

Vụ án Vườn điều được phục hồi điều tra sau đó. Tuy nhiên, sau nhiều năm không tìm được chứng cứ buộc tội, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã phải đình chỉ vụ án và tiến hành xin lỗi công khai, bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng cho 9 người. Riêng ông Nén vẫn bị giam và không được bồi thường vì bị kết án trong vụ giết bà Bông. Đến thời điểm được trả lại quyền công dân, ông Nén đã ngồi tù oan hơn 17 năm.

Thế Kha