Vụ "bịa" nội dung biên bản hỏi cung: Xác định cơ quan bồi thường oan sai
(Dân trí) - VKSND Tối cao yêu cầu Viện kiểm sát tỉnh Phú Yên chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện ngay việc thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường oan sai của bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh (TPHCM).
Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) - VKSND Tối cao mới đây đã có văn bản gửi VKSND tỉnh Phú Yên để trao đổi về việc giải quyết bồi thường oan sai cho bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh (trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM).
Theo đó, căn cứ Điều 34 và khoản 2 Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Vụ 7 đề nghị Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện ngay việc thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường của bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh theo đúng quy định pháp luật.
Căn cứ khoản 2 Điều 65 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, VKSND tỉnh Phú Yên chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.
Hướng dẫn nêu trên được Vụ 7 đưa ra sau khi trao đổi với liên ngành các cơ quan Trung ương và báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao. VKSND tỉnh Phú Yên phải báo cáo kết quả thụ lý, giải quyết vụ việc gửi về VKSND Tối cao trước ngày 20/4.
Bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh là người bị các cơ quan tố tụng thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) khởi tố, truy tố, xét xử oan trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy.
Cụ thể, ngày 2/5/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Tuy Hòa ban hành quyết định khởi tố bị can, khởi tố hình sự đối với bà Ngọc Anh.
Đến ngày 25/3/2014, TAND thành phố Tuy Hòa ra bản án tuyên bị cáo Nguyễn Hồng Ngọc Anh phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" theo quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999. Ngay lập tức, bà Ngọc Anh làm đơn kháng cáo.
Trải qua nhiều năm giải quyết, đến ngày 31/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Tuy Hòa ra Quyết định số 01/CSĐT quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Nguyễn Hồng Ngọc Anh với lý do: "Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm".
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định, Quyết định số 01/CSĐT là văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Chỉ rõ cơ quan bồi thường là ngành kiểm sát
Tháng 7/2019, người đại diện của bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh bắt đầu gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường oan sai. Sau đó đã nảy sinh việc "đá qua, đá lại" trách nhiệm bồi thường oan sai giữa các cơ quan ở Phú Yên.
UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến về việc xác định cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết bồi thường.
Ngay lập tức, Bộ Tư pháp đã tổ chức chỉ đạo cho nhiều đơn vị có liên quan phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước để trao đổi, thảo luận và sau đó có công văn lấy ý kiến liên ngành TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an.
Căn cứ ý kiến tham khảo của các ngành, Bộ Tư pháp chính thức có ý kiến tại Công văn số 361/BTP-BTNN hướng dẫn nghiệp vụ cho UBND tỉnh Phú Yên, trong đó xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là thuộc ngành Kiểm sát.
Căn cứ quy định tại Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Viện kiểm sát là cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây: "Tòa án cấp sơ thẩm quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm" (khoản 4). Vì thế, VKSND thành phố Tuy Hòa là cơ quan giải quyết bồi thường.
Bộ Tư pháp đã đề nghị UBND tỉnh Phú Yên thực hiện việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự trong trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan giải quyết bồi thường để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
"Có một điểm cần lưu ý qua vụ việc này: Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền rất mới là xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp có sự không thống nhất giữa các cơ quan nhà nước theo quy định tại Điều 40 (điểm a và điểm b khoản 1) và Điều 73 (khoản 2 và khoản 3) của luật"- lãnh đạo Cục Bồi thường Nhà nước cho hay.
Tháng 7/2020, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Việt Cường (44 tuổi, cựu trung tá, điều tra viên Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên) 18 tháng tù về tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án".
Khi còn là một điều tra viên, Nguyễn Việt Cường đã cố tình thực hiện hành vi "Làm sai lệch hồ sơ vụ án", viết thêm vào biên bản hỏi cung nhằm buộc tội bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh đồng phạm trong việc mua bán chất ma túy.