1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ Tư pháp nói về vụ nhận bồi thường oan sai 2,3 tỷ đồng phải chi 900 triệu

Thế Kha- Nguyễn Trường

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tư pháp cho biết đang nghiên cứu để có hướng xử lý vụ việc gia đình ông Mưu Quý Sường vừa nhận được trên 2,35 tỷ bồi thường oan sai đã phải "chi ngay" 900 triệu đồng gây ồn ào dư luận.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 2/4, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp cho biết đã nắm được thông tin vụ việc gia đình ông Mưu Quý Sường (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) vừa nhận được trên 2,35 tỷ đồng bồi thường oan sai nhưng phải "chi ngay" 900 triệu đồng cho một cá nhân ở công ty luật đã giúp hỗ trợ pháp lý.

"Chúng tôi đang nghiên cứu vụ việc để có hướng xử lý"- bà Mai nói.

Bộ Tư pháp nói về vụ nhận bồi thường oan sai 2,3 tỷ đồng phải chi 900 triệu - 1

Bà Nguyễn Thị Mai - Phó cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp (Ảnh: Nguyễn Trường).

Theo bà, đến nay chưa rõ lãnh đạo công ty luật ở Hà Nội này có phải luật sư hay không?. Khi liên hệ làm việc với gia đình ông Mưu Quý Sường với tư cách cá nhân hay đại diện công ty luật?

"Ở đây có 2 khía cạnh: Nếu liên hệ với tư cách cá nhân thì có thể sẽ xử lý theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu người này là luật sư và đòi thù lao 900 triệu đồng thì đã có quy định pháp luật liên quan, cụ thể là Luật Luật sư, văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành luật và bị điều chỉnh bởi quy định về đạo đức nghề nghiệp do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành, cũng như phải thông báo cho khách hàng rõ ràng về mức thù lao"- bà Mai cho hay.

Từ vụ việc này, lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp khuyến cáo người dân, doanh nghiệp khi làm việc với các công ty luật nên có hợp đồng pháp lý bằng văn bản, trong đó có điều khoản về thù lao, để tránh những rắc rối như báo chí đã phản ánh.

Trong khi đó, ông Lê Thái Phương - Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước - khẳng định báo chí giữ vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền về bồi thường oan sai. Việc đưa tin bài về các vụ việc nhạy cảm, phức tạp đã giúp cho nhiều người dân bị oan sai được bồi thường nhanh chóng.

Liệu có lỗ hổng trong cơ chế hỗ trợ cho người dân bị oan sai hay không khi báo chí liên tiếp phản ánh việc người dân phải chi số tiền rất lớn sau khi nhận được tiền bồi thường?

Ông Lê Thái Phương cho rằng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành đã dự liệu và điều chỉnh nhiều nội dung hỗ trợ người bị hại. Trong đó có việc cơ quan quản lý bồi thường phải đôn đốc cơ quan liên quan nhanh chóng giải quyết và giải đáp vướng mắc cho các cá nhân.

Bên cạnh đó luật đã thiết lập việc hỗ trợ người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường. Chức năng này do 2 loại cơ quan thực hiện gồm: Trung tâm hỗ trợ việc yêu cầu bồi thường thuộc Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) và thuộc về UBND cấp tỉnh.

"Nếu người bị thiệt hại chưa biết gửi đơn đến cơ quan nào, thì họ cư trú ở đâu có thể gửi đơn tới Sở Tư pháp nơi mình cư trú để được hỗ trợ" - ông Phương nói.

Nói về trách nhiệm của cán bộ làm sai dẫn tới Nhà nước phải bồi thường, ông Lê Thái Phương khẳng định: "Họ có thể chịu trách nhiệm kỷ luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và thứ ba là trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước. Trách nhiệm hoàn trả được quy định rất rõ, cơ chế tương đối rõ. Cách thức xác định tiến hành như thế nào cũng được nêu trong Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước và Nghị định hướng dẫn".

Bộ Tư pháp nói về vụ nhận bồi thường oan sai 2,3 tỷ đồng phải chi 900 triệu - 2

Sau 44 năm bị khởi tố oan sai, ông Mưu Quý Sường mới được bồi thường. Ông qua đời cuối năm 2013.

Như Dân trí đã phản ánh, 3 năm sau khi tiến hành xin lỗi công khai vì đã khởi tố, bắt tạm giam oan ông Mưu Quý Sường vào năm 1977, Công an tỉnh Bắc Giang vừa hoàn tất việc chi trả bồi thường hơn 2,35 tỷ đồng cho gia đình ông Sường.

Đáng chú ý, đại diện gia đình ông Mưu Quý Sường khẳng định, ngay sau khi nhận đủ số tiền bồi thường từ cơ quan công an, họ đã lập tức đưa 900 triệu đồng tiền mặt để "chia công" cho người đại diện pháp lý của gia đình, đang làm việc tại một công ty luật ở Hà Nội.

"Sau khi nhận tiền xong, ông ấy bảo ký hợp đồng để chắc chắn 2 bên. Không sợ sau này mình đòi lại hoặc ông ấy đòi thêm. Số tiền "cảm ơn" khoảng 40% tổng giá trị được bồi thường" - đại diện gia đình ông Sường thông tin.

"Trước đó, 2 bên chỉ nói miệng với nhau về tiền thuốc nước. Sau khi được Công an tỉnh Bắc Giang trả tiền bồi thường thì hai bên mới ký hợp đồng thỏa thuận, không phải ký từ đầu"- vị này nói tiếp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM cho rằng số tiền người hỗ trợ pháp lý cho gia đình ông Mưu Quý Sường nhận được phải hợp lý, phù hợp với công sức đã bỏ ra. "Theo quy định pháp luật thì không thể lấy của gia đình người oan sai số tiền lớn như vậy được. Về đạo lý là không thể chấp nhận được" - ông Hậu thẳng thắn.