Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đất hiếm được cắt ghép?
(Dân trí) - Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (Lai Châu) "lồng ghép" cả dự án Khai thác mỏ vonfram - đa kim Núi Pháo thuộc tỉnh Thái Nguyên (!?).
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của "Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu" vừa được Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn ý kiến cộng đồng.
Những ngày qua rộ lên thông tin báo cáo ĐTM này có sự "cắt ghép", "nhầm lẫn thông tin" rất khó hiểu.
Cụ thể, tại trang 10 báo cáo ĐTM giới thiệu thông tin về dự án đất hiếm Bắc Nậm Xe nhưng lại trích dẫn thông tin về Dự án Khai thác giai đoạn 2 mỏ vonfram- đa kim Núi Pháo thuộc Dự án khai thác, chế biến vonfram, fluorit, bismuth, đồng và vàng Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, với công suất 3.500.000 tấn quặng nguyên khai/năm (!?).
Ngoài ra, theo báo cáo ĐTM, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải (chủ đầu tư dự án đất hiếm Bắc Nậm Xe) có đối tác là Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, "đơn vị duy nhất ở Việt Nam sản xuất đất hiếm có độ tinh khiết cao phục vụ doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ", "sẵn sàng hợp tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm đất hiếm của công ty".
Tuy nhiên vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam) và bà Nguyễn Thị Hiền (kế toán công ty) về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án khai thác trái phép quặng đất hiếm ở tỉnh Yên Bái của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương.
Sáng 26/10, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) - đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM, đã lên tiếng về sự việc này.
Theo đại diện VIMLUKI, việc có sai sót trong báo cáo ĐTM là điều "không thể tránh khỏi" do đang trong giai đoạn lấy ý kiến tham vấn cộng đồng (!).
Sau khi kết thúc giai đoạn lấy ý kiến, VIMLUKI sẽ cùng chủ đầu tư hoàn thiện báo cáo ĐTM để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Với việc Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam vừa bị khởi tố, đại diện VIMLUKI khẳng định "không ảnh hưởng tới việc thực hiện ĐTM" hoặc liên kết thực hiện dự án đất hiếm nói trên.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là giai đoạn chủ dự án lập báo cáo ĐTM, đăng tải công khai để tham vấn ý kiến cộng đồng. Khi nào chủ dự án gửi báo cáo chính thức, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới thành lập hội đồng xem xét, thẩm định ĐTM.
Được biết, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Bộ Công Thương.
Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe có diện tích gần 182ha, được thiết kế với công suất 600.000 tấn/năm quặng nguyên khai với độ ẩm 33,70%, hàm lượng quặng tinh đất hiếm ≥ 4,60% TR2O3, quặng tinh barit ≥ 19,84% BaSO4.
Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Các nhà khoa học gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam dự kiến đến năm 2030 sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.