1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ 3 học sinh cắt máy ATM: Một người là cầu thủ U15 SLNA

(Dân trí) - Trong vụ ra tay cắt máy ATM trộm tiền sáng 9/12 của 3 học sinh trường cấp 2 Đội Cung (thành phố Vinh, Nghệ An) có sự tham gia của một cầu thủ U15 Sông Lam Nghệ An.

Vụ 3 học sinh cắt máy ATM: Một người là cầu thủ U15 SLNA - 1
Ba học sinh bị bắt cùng tang vật (Ảnh: Điền Bắc)
 
Đó là Phùng Bảo Quốc - cầu thủ tuyển U15 SLNA, đang được đào tạo tại câu lạc bộ bóng đá này, đồng thời là học sinh lớp 9 trường THCS Đội Cung.
 
Vụ 3 học sinh cắt máy ATM: Một người là cầu thủ U15 SLNA - 2
Máy ATM bị 3 học sinh cắt để lấy tiền nhưng không thành (Ảnh: Điền Bắc)
 
Nói về vụ việc này, bà Nguyễn Thị Hải, bà của học sinh Quốc, cho rằng “Quốc thường ngày là đứa cháu ngoan ngoãn, thường xuyên được dạy dỗ về lối sống”.
 
Bà Hải cho biết gia đình Quốc ở Thanh Chương, bố mẹ đều là giáo viên, bố bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ. Quốc xuống Vinh ở với bà Hải đã 2 năm nay và được đào tạo tại U15 CLB SLNA. Từ ngày ở với gia đình bà, Quốc không hề có biểu hiện trộm cắp hay ăn chơi đua đòi.
 

Chiều 9/12, PV Dân trí cố gắng gọi hàng chục cuộc điện thoại cho ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành CLB SLNA nhưng không có người bắt máy. Chiều muộn ông Chiêm mới nghe máy nhưng chỉ trả lời ngắn gọn là đang bận họp, sẽ điện thoại lại sau.

 

Cho đến sáng nay 10/12, PV tiếp tục điện thoại lại cho ông Chiêm nhiều lần để hỏi về trường hợp cầu thủ Phùng Bảo Quốc song vẫn trong tình trạng không thể liên lạc được.
 

Chiều 9/12, trao đổi với Dân trí, thầy Nguyễn Văn Bình - Hiệu trưởng trường THCS Đội Cung - cho biết: “Cho tới hơn 12 giờ trưa tôi được Công an Nghệ An cho biết sự việc trên. Trong số này có cháu Quốc đang đá cho U15 SLNA. Tôi đang đợi CQĐT báo cáo về trường, sau đó sẽ gọi phụ huynh các em để họp bàn và tiến tới xử lý theo quy chế.

 

Cả 3 em Quốc, Chính và Hùng đều là học sinh trung bình, chưa bao giờ vi phạm vấn đề trong đạo đức hay lối sống. Trong ba em này, Hùng là người học nổi trội hơn cả, là tổ trưởng trong lớp. Các em trong độ tuổi vị thành niên nên vấn đề “xử lý mạnh” chúng tôi cần xem xét, trước mắt về mặt đạo đức là hạ bậc. Chúng tôi sẽ để các em tiếp tục tới trường và bằng biện pháp phối hợp với gia đình, các tổ chức xã hội tại nơi các em cư trú để giáo dục. Nếu đẩy các em ra ngoài xã hội thì sẽ bị hư hỏng ngay. Chúng tôi sẽ vận động các em trở lại trường trong thời gian sớm nhất sau khi CQĐT cho về”. 

Nguyễn Duy - Điền Bắc