1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Vụ 23 cây dổi lâu năm bị đốn hạ: Không nghĩ lâm tặc phá rừng ở khu vực hiểm trở?!

(Dân trí) - Rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) được đánh giá là rừng khá giàu (gỗ nhiều). Song, rừng nơi đã đây thành “miếng mồi” béo bở cho lâm tặc tàn phá...

Bình Định: Vụ 23 cây dổi lâu năm bị đốn hạ: Không nghĩ lâm tặc phá rừng ở khu vực hiểm trở?

Các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đang nỗ lực điều tra, làm rõ thủ phạm cưa hạ 23 cây gỗ dổi lâu năm tại tiểu khu 142 và tiểu khu 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn. Đây là một trong những vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Ngổn ngang “công trường” phá rừng?

Sau gần 3 giờ đồng hồ lội rừng, leo lên những con dốc cao dựng đứng, có đoạn phải “bò”, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 145, 142 (thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh). Theo ghi nhận, dọc theo con đường mòn lên núi do “lâm tặc” mở để khai thác gỗ, có rất nhiều súc gỗ dổi nằm rải rác. Đặc biệt, tại khu vực lán trại do lâm tặc dựng có trên 30 súc gỗ dổi (nhóm 3) đã xẻ thành tấm được tập kết tại đây, chờ thời cơ đưa gỗ ra khỏi rừng.

Hiện trường vụ phá rừng có quy mô lớn tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
Hiện trường vụ phá rừng có quy mô lớn tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Tại hiện trường, 23 cây gỗ dổi bị cưa hạ, nhiều cây có đường kính từ 40-80cm đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc. Nhiều cây gỗ được đơn vị chức năng đánh dấu, một số khác thì không được đánh dấu? Nhiều cây gỗ bị cưa hạ, dấu vết để lại hiện trường mới có, cũ có. Ở một điểm rừng khác, có cây đường kính đến hơn 1 mét bị “xẻ thịt” gốc, ván, ngọn nằm ngổn ngang…

Mở rộng phạm vi, chúng tôi còn thấy có cây gỗ bị cưa hạ từ rất lâu, nhiều súc gỗ có dấu hiệu mục. Điều này chứng tỏ, khu vực rừng bị phá này có sự hiện diện của lâm tặc đã lâu nhưng cơ quan chức năng không hay?

Nhiều cây gỗ có đường kính cả hơn 1 mét.
Nhiều cây gỗ có đường kính cả hơn 1 mét.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Bình Định, kết quả đo đếm ban đầu, có 134 tấm gỗ xẻ, khối lượng hơn 11,6m3 và 25m3 gỗ tròn, tất cả đều là gỗ giổi, nhóm III. Tuy nhiên, kết quả giám định lại của Trung tâm quy hoạch Nông nghiệp - Nông thôn tỉnh Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT) cho thấy khối lượng gỗ thiệt hại gần 107m3. Trong đó, 15 cây gỗ dổi (nhóm III) bị cưa hạ trái phép, dấu vết còn mới, có khối lượng gần 59,2m3; 8 cây dổi bị cưa hạ với vết cũ có khối lượng hơn 47,7m3.

“Máu rừng” chảy âm ỉ từ lâu?

Theo ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vĩnh Thạnh, đơn vị nhận được tin báo phá rừng từ người dân vào tối 22/7. Tuy nhiên, do người dân xác định vị trí không cụ thể nên đơn vị chức năng không thể tổ chức vây bắt được các đối tượng phá rừng ngay trong đêm.

Hiện nay, Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đang cử cán bộ túc trực tại hiện trường.
Hiện nay, Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đang cử cán bộ túc trực tại hiện trường.

Người đứng đầu ngành kiểm lâm Vĩnh Thạnh cũng thừa nhận, để xảy ra phá rừng, có phần trách nhiệm của Hạt kiểm lâm huyện này. “Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, chỉ 30 người quản lý đến 46.700 ha rừng, trong khi theo quy định, cứ 700 ha rừng thì có một cán bộ kiểm lâm. Chiếu theo quy định chúng tôi còn thiếu trên 17 chỉ tiêu. Địa bàn rộng, rừng xa dân cư, lại giáp ranh với nhiều huyện ở Gia Lai (75 km giáp ranh với Gia Lai) nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp vô vàn khó khăn”, ông Quang nói.

Song, thực tế không phải đến bây giờ, rừng phòng hộ ở Vĩnh Sơn mới chảy máu. Theo ông Đinh Ph. (66 tuổi - người đồng bào dân tộc Bana có nhà ở tại khu sản xuất thuộc làng Klot Pok, xã Vĩnh Sơn) thì hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ của lâm tặc diễn ra từ lâu.

“Một tuần tôi lên thăm rẫy 2-3 lần, đều gặp lâm tặc đang đốn hạ cây hoặc vận chuyển những súc gỗ từ trên núi xuống. Họ làm từng nhóm 7 - 8 người, dựng lán trại ăn ngủ luôn trong rừng. Họ khôn lắm, biết cách làm âm thanh máy cưa nhỏ lại để ở xa không nghe. Nhưng cây cổ thụ 2, 3 người ôm, đổ xuống tiếng ầm ầm làm sao giấu được. Họ đốn hạ rừng từ trước Tết Nguyên đán, cứ dăm bảy ngày họ chở đi vài xe gỗ. Người dân thấy thì biết vậy chứ không dám mở miệng, sợ bị đốt nhà lắm”, ông Ph. nói.

Ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vĩnh Thạnh (Bình Định) trao đổi với báo chí.
Ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vĩnh Thạnh (Bình Định) trao đổi với báo chí.

Trong khi đó, ông Trần Phước Phi- Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh cho biết, tiểu khu 142, 145 là khu vực ít nguy cơ bị phá rừng hơn những “điểm nóng” khác nên đơn vị cũng chủ quan. “Trước kia, chúng tôi từng cho lập chốt, nhưng rồi có những khu vực khác nguy cấp hơn nên bộ phận thường trực ở đấy rời đi. Trước đây, lâm tặc thường chọn khu vực rừng có tài nguyên rất lớn, địa hình thuận lợi cho vận chuyển gỗ. Không ai nghĩ lâm tặc lại lên đó phá rừng vì đây là vùng thực sự rất sâu xa, địa hình khó khăn”, ông Phi giải thích.

Ông Phi cũng thừa nhận phần trách nhiệm chủ rừng, song nói rất nhiều khó khăn về việc bảo vệ rừng ở Vĩnh Sơn: “Khu vực này chưa chính thức thuộc về BQL rừng phòng hộ. Chúng chỉ mới được “tạm giao” quyền trong khi chờ UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm là của chính quyền địa phương”, ông Phi nói.

Liên quan đến vụ việc trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh - Bùi Tấn Thành cho biết: “Đây là sự cố đáng tiếc, một bài học thấm thía cho lãnh đạo địa phương. Quan điểm của lãnh đạo huyện, bất cứ các vụ án nào từ nhỏ đến lớn huyện đều xử lý nghiêm, đúng người đúng tội. Hiện, lãnh đạo huyện đang chỉ đạo các cơ quan liên quan điều tra, truy tìm thủ phạm gây ra vụ phá rừng để xử lý theo quy định.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm