Vụ 13 mộ liệt sĩ không hài cốt: Tìm kiếm nhân chứng từng tham gia cất bốc
(Dân trí) - Tiếp tục tìm kiếm nhân chứng, thu thập thông tin để biết được đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đã cất bốc lần đầu 13 ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong hi sinh năm 1968, tại hồ Tân Minh (Bắc Kạn).
Ngày 29/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết vừa giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tìm kiếm nhân chứng, thu thập thông tin để biết được đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đã cất bốc lần đầu 13 ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong hi sinh vào năm 1968, tại hồ Tân Minh, thuộc địa bàn xã Thanh Vân (huyện Chợ Mới).
“Chúng tôi sẽ làm mọi cách, mọi phương pháp có thể để sớm tìm ra, quy tập hài cốt các liệt sĩ trong thời gian tới. Về kết quả thì chưa thể khẳng định trước nhưng sẽ làm hết trách nhiệm có thể. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục ra văn bản chỉ đạo về vụ việc này” - ông Hưng khẳng định.
Liên quan đến công tác tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ thanh niên xung phong, ông Hà Văn Năm (SN 1961, trú tại phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) - thân nhân liệt sĩ Hà Thị Sằm - cho biết, gia đình ghi nhận sự nhiệt tình của các cơ quan chức năng có liên quan trong thời gian vừa qua.
Sau buổi khai quật nơi đầu tiên quy tập 13 ngôi mộ liệt sĩ ở đồi Nà Coóc, thôn Quang Làng (xã Thanh Vận) nhưng không thấy hài cốt, chỉ có các di vật được chôn cất bên dưới, ông Năm đã lấy một vài di vật của liệt sĩ Hà Thị Sằm mang về.
Theo ông Năm, dù kết quả cuộc tìm kiếm diễn ra ngày 28/5 “là bằng không”, nhưng ông vẫn bằng lòng. Chứng kiến buổi khai quật, ông thấy từ cơ quan chức năng cho đến người dân đều rất nhiệt tình tham gia, không có gì để chê trách.
“Khi tìm thấy các di vật, gia đình tôi cảm thấy trân trọng nên lấy về 1 vài cây bút, cái lược… Tôi cảm thấy rất quý vì đã tìm kiếm lâu lắm rồi nhưng không thấy được mẩu xương nào. Sau khi rửa sạch sẽ các di vật, tôi đã cất vào hộp để lưu giữ làm kỉ niệm” - ông Năm nói.
Trước nhận định khi khai quật lần đầu không lấy được xương cốt của các liệt sĩ nên mọi người đã gói bọc đất đá vào túi nilon, đem về nghĩa trang liệt sĩ để chôn cất, ông Năm cho rằng điều này là không đúng.
“Vụ việc này (tìm hài cốt các liệt sĩ - PV) không phải là quá đặc biệt. Tôi nghĩ tỉnh Bắc Kạn vẫn có thể làm được. Việc thất lạc hài cốt đã diễn ra quá lâu rồi nhưng là lâu về mặt thời gian còn về mặt tâm linh thì vẫn phải làm cho muôn đời sau” - ông Năm bày tỏ.
Trước đó, vào tháng 12/2019, nhiều cơ quan báo chí đưa tin về 13 ngôi mộ chiến sĩ thanh niên xung phong sau 3 lần quy tập được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn không có hài cốt mà chỉ toàn đất, đá.
Các thanh niên xung phong này thuộc đơn vị C933, N92. Khi họ đang tham gia chống bão lụt, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, cứu vớt đồng đội vào năm 1968, thì chân đập ở hồ Tân Minh bị vỡ khiến 13 người hi sinh.
Ngay sau đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị Cục Người có công phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Kạn kiểm tra và báo cáo vụ việc này.
Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng lên kế hoạch tổ chức tìm kiếm thông tin về việc quy tập 13 ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong đã hi sinh. Tuy nhiên, việc xác minh gặp nhiều khó khăn do các ngôi mộ đã qua 2 lần cất bốc vào năm 1978 và 1990.
Sau 3 tháng tìm kiếm thông tin, tỉnh Bắc Kạn cho biết hồ sơ về các đợt quy tập hài cốt các liệt sĩ thanh niên xung phong đã không còn. Vì vậy, tổ công tác đã tiến hành khai quật ở nơi đầu tiên quy tập thi hài các thanh niên xung phong hy sinh vào ngày hôm qua (28/5).
Nguyễn Trường