Voi quật chết người: “Chưa có nghiên cứu nói voi nhạy cảm với mùi nào”
(Dân trí) - Theo PGS.TS Bảo Huy, việc có mùi lạ hoặc gây khó chịu, cộng thêm tâm lý không tốt có thể khiến voi hung dữ. Nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu nào nói rõ voi có nhạy cảm với vật lạ nào, hoặc các mùi nào.
Xung quanh việc quản tượng Đoàn Hữu Tài (28 tuổi, quê Vĩnh Long) xách thùng sơn nước đi băng qua chuồng nhốt, bị voi tên Ka (9 tuổi, nặng 2 tấn) dùng vòi quấn lấy và đập người vào vách tường khiến nạn nhân tử vong, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi thêm với PGS.TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên, Chủ nhiệm Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2010.
Là người có nhiều năm nghiên cứu về voi, PGS.TS có thể cho biết với những điều kiện nào thì voi nhà sẽ tấn công con người?
Về mặt nguyên tắc chung, bản thân voi và người chung sống với nhau rất lâu năm, rất thân thiện sau khi voi được thuần dưỡng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, voi quật chết người hoặc gây tổn hại đến người.
Điều này có liên quan đến tâm lý của voi hoặc cách ứng xử của người đối với voi. Thông thường voi có một đặc trưng rất cơ bản là nhớ lâu và lưu giữ các thông tin liên quan đến đối xử của con người. Như ở một số nước Châu Phi, nghiên cứu cho thấy, một bộ tộc bắn voi thì voi trở về phá hoại, trả thù.
Điều này có liên quan đến việc chăm sóc, cách đối xử, quan hệ tình cảm giữa voi và người... Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến hành động của voi, chứ bình thường không xảy ra những chuyện như vậy.
PGS.TS có thể cho biết đặc tính của voi nhà Việt Nam hiện nay? Voi nhà có mất đi bản năng hoang dã sau khi được thuần dưỡng hay không?
Voi là động vật cao cấp, do đó khi được con người thuần dưỡng, căn bản voi thuần thục, tuân lệnh, làm việc với con người. Tuy nhiên, bản năng hoang dã của voi vẫn còn duy trì khá nhiều.
Cho nên, việc nuôi dưỡng voi cần phải hết sức cẩn thận. Bản năng hoang dã liên quan đến những hành động tác động đến con người, liên quan đến bầy đàn, sinh sản hoặc động dục...
Do đó, nuôi dưỡng voi là một hoạt động đặc thù, đòi hỏi phải có chuyên môn, hiểu biết về voi, phải có tình thương, tình cảm với voi… mới có thể thuần dưỡng tốt và không bị những tai nạn như vậy.
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, thái độ đối xử, điều kiện sống… nếu không tốt sẽ gây nên sự tức giận, thù hằn của voi.
Có thông tin cho rằng voi ở khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) quật chết quản tượng là do bị “sốc” với mùi sơn được đưa vào trong chuồng. Ý kiến của PGS.TS như thế nào về việc này?
Dĩ nhiên việc có mùi lạ hoặc gây khó chịu, cộng thêm việc tâm lý không tốt, voi có thể gây hành động. Nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu nào nói rõ voi có nhạy cảm với vật lạ nào, hoặc các mùi nào. Cái này phải tìm hiểu thêm, hoặc sau này sẽ có những nghiên cứu làm rõ.
Việc bị nuôi nhốt lâu ngày trong chuồng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm sinh lý của voi, thưa PGS.TS?
Thông thường, voi nuôi ít nhất là phải bán hoang dã. Có nghĩa nhốt nó một thời gian phải thả vào rừng. Như ở Tây Nguyên, người ta nuôi một tuần hoặc một vài tháng thì thả vào rừng để voi kiếm thức ăn chữa bệnh, thư giãn… nhất là vào lúc động dục. Nếu voi bị nuôi nhốt hoàn toàn, đây có thể cũng là một nguyên nhân, tạo ra những hành động đột xuất, bất bình thường do bị ức chế.
Sau vụ việc quản tượng ở khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương, bị voi quật chết trong chuồng, để phòng ngừa tình trạng này, theo PGS.TS, cần lưu ý gì trong việc chăm sóc voi ở nước ta hiện nay?
Thông thường điều kiện căn bản nhất để nuôi dưỡng voi phải là những người chăm sóc voi có kinh nghiệm và sinh sống với voi lâu năm. Như ở Tây Nguyên, voi luôn sống với người mà nó thân thiết để giảm nguy cơ tấn công. Voi sẽ không tấn công người chăm sóc, nuôi dưỡng nó một cách bài bản.
Thứ hai, cần phải lưu ý đến thái độ, tâm lý của voi trong thời gian nuôi dưỡng. Thông thường thể hiện qua thái độ giận dữ, khó chịu… ở trong chuồng. Thứ ba là những hành động khác lạ tác động đột ngột, gây hiệu ứng xấu đến voi… cũng sẽ gây ra phản ứng đột đột của voi. Cuối cùng là cố gắng để voi trong những điều kiện thư giãn, không giam cầm.
Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trao đổi!
Viết Hảo (thực hiện)