Võ sư một chân chạy xe 60 km mỗi ngày phát cơm cho người khó khăn ở Sài Gòn
(Dân trí) - Đều đặn 2 tháng nay, võ sư một chân Tạ Anh Dũng chạy xe máy đi khắp các con đường, ngõ hẻm ở Sài Gòn để phát cơm cho người nghèo, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
"Tôi cũng không nhớ chính xác mình đã đi quãng đường bao nhiêu cây số trong 2 tháng qua, ngày chạy ít thì cũng 60 km, ngày đi nhiều phải hơn trăm cây số. Chỗ nào có người cần thức ăn, nước uống thì tôi chạy tới đó, xa mấy cũng đi", võ sư một chân Tạ Anh Dũng (62 tuổi, ngụ Quận 8, TPHCM) mở đầu câu chuyện với phóng viên về công việc đi phát cơm từ thiện cho người nghèo ở Sài Gòn trong mùa dịch.
Đều đặn 10h sáng mỗi ngày, ông Dũng lại khoác lên người bộ đồ bảo hộ, dắt xe máy ra khỏi nhà đến các bếp cơm từ thiện ở Quận 8, Bình Chánh nhận cơm đi phát.
Bếp cơm "Tấm lòng chung" mà ông tham gia 7 năm nay, trưởng nhóm từng là học trò của võ sư một chân. Hiện tại nhóm có 3 bếp chính ở Quận 8, Bình Chánh và Gò Vấp, mỗi ngày nấu hơn 1.000 phần cơm đi phát cho người gặp khó khăn, người vô gia cư trên đường phố Sài Gòn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng.
"Khi các chị em phụ trách nấu nướng làm xong các phần cơm, tôi tự xách hơn 200 phần ra xếp lên thùng xe để đi phát. Đừng nghĩ tôi chỉ có một chân mà không làm được nhé, có khi mấy thanh niên trẻ còn thua tôi đấy", ông Dũng vừa làm việc vừa trả lời.
Sau 30 phút chất đầy các phần cơm lên xe máy, ông Dũng còn các thành viên trong nhóm thiện nguyện bắt đầu chạy xe đi khắp nơi trong thành phố.
"Mấy ngày này thường xuyên phải đi qua các chốt, thường thì các chú công an đều quen mặt tôi vì đi thường xuyên, nhưng khi ra đường, tôi luôn đeo thẻ xác nhận được phép lưu thông do UB Mặt trận Tổ quốc quận 8 cấp, không thể ỷ lại vì mình đi phát cơm mà gây khó khăn cho lực lượng chức năng làm việc", võ sư một chân nói.
Ngoài những phần cơm, trên chiếc xe máy của ông Dũng luôn mang theo cồn để rửa tay sát khuẩn cho những người đến nhận cơm và cho chính mình trước và sau khi tiếp xúc.
"Nhiều người quen thấy tôi chạy xe đi phát cơm giữa trưa nắng vừa mệt vừa nguy hiểm, khuyên tôi nên nghỉ đi. Nhưng mỗi ngày thấy người ta nhận xong phần cơm, mừng rỡ, cảm ơn mình thì làm sao mà nghỉ được", người đàn ông 62 tuổi tâm sự.
"Đừng có nghĩ tôi không sợ chết, mỗi ngày gặp hàng trăm người lạ tôi cũng sợ lây bệnh chứ, tôi cũng đã lớn tuổi như này rồi. Nhưng mỗi người chỉ có một lần để sống, nên phải sống cho trọn vẹn, khi mình mất đi vẫn có người nhắc tới, nhớ tới công việc mình từng làm", ông Dũng chia sẻ.
Trong những ngày đi phát cơm, ngoài những người vô gia cư, ông Dũng còn gặp rất nhiều công nhân, bảo vệ... mất việc bị kẹt lại ở Sài Gòn, không đủ tiền thuê tiếp nhà trọ, họ phải dọn đồ ra vỉa hè để ở. Anh Tùng, quê ở miền Tây trước đây làm công nhân xây dựng, từ khi có dịch anh cũng mất việc do công trình tạm dừng thi công. "Bây giờ tôi chỉ sống dựa vào cơm từ thiện của chú Dũng, chỉ mong hết dịch để có thể đi làm kiếm tiền lo cho bản thân", người đàn ông nói.
"Bây giờ hàng quán đóng cửa không còn chỗ để nhặt ve chai, mà có nhặt được thì cũng không bán được vì các vựa thu mua đều đã đóng cửa. Chỉ mong ngày nào cũng nhận được cơm để chống đói qua ngày thôi", anh Bé (ngoài cùng bên phải) đã lượm ve chai hơn 20 năm nay chia sẻ khi dùng cơm trên vỉa hè cùng đội ve chai của mình.
Sau khi phát hết 100 phần ăn cho người khó khăn, ông Dũng chạy xe quay về bếp ăn nghỉ ngơi, ăn trưa để lấy sức đi phát cơm vào buổi chiều.
Năm 21 tuổi, ông Dũng đi tàu gặp tai nạn gãy chân, do không được chữa trị kịp thời khiến chiếc chân trái của ông bị hoại tử, phải cưa cụt đến đầu gối. Dù khiếm khuyết về cơ thể, nhưng ông là võ sư có tiếng ở Sài Gòn. Giờ đây, người ta còn nhớ thêm về ông qua những bữa cơm ấm bụng ấm lòng.
Sau 15 phút nghỉ ngơi ăn trưa, ông Dũng lại tiếp tục chạy xe đến các nhà trọ, các con hẻm để mang cơm, gạo, mì tôm, nước uống đến cho các hoàn cảnh nghèo, khó khăn.