Vỏ bọc của Ngọc “xa lộ”

Nếu những đại ca như Phúc “bồ”, Khánh “trắng”, Dung “Hà” hay Năm Cam... đều xuất đầu lộ diện để chỉ huy đàn em, thậm chí trực tiếp vi phạm pháp luật thì ông trùm Ngọc “xa lộ” lại chỉ điều khiển đám đệ tử từ xa và ẩn mình dưới một vỏ bọc khá an toàn: võ sư.

Thượng tá Vũ Hoàng Kiên, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, đơn vị chủ trì việc bắt giữ Tạ Hồng Ngọc (Ngọc “xa lộ”) hôm 8/12 cho biết, đây là một dạng tội phạm nguy hiểm.

 

Sinh năm 1957 tại Hà Tây, cha mẹ mất sớm, Ngọc được anh trai quan tâm nuôi nấng. Chính anh trai Ngọc đã xin cho Ngọc vào làm việc tại một công ty xây dựng ở Hòa Bình với mong muốn Ngọc có một cuộc sống viên chức ổn định.

 

Nhưng rồi với bản tính ngỗ ngược, Ngọc đã rời bỏ công ty. Được học võ ở quê từ thuở nhỏ, sau khi nghỉ việc Ngọc về mở lò luyện võ tại Hòa Bình. Tại đây, Ngọc đã chiêu mộ được khá nhiều các môn sinh, trong đó có những môn sinh chỉ có võ mà không có đạo.

 

Theo các tài liệu mà chúng tôi có được thì vào năm 1982, trong một lần xô xát với một nhóm người ở Hòa Bình, Ngọc và đám môn sinh đã không chỉ gây thương tích cho người bị hại mà còn cướp tài sản của họ. Vì vụ việc này, Ngọc bị xử phạt 11 năm tù giam về tội cướp của.

 

Ở tù, phần vì biết võ, phần vì bản tính lì lợm, Ngọc sớm được liệt vào hàng anh chị. Các quan hệ của Ngọc với giới giang hồ cũng bắt đầu từ đây. Ra tù, Ngọc rời Hòa Bình về Hà Nội để tìm đất làm ăn.

 

Hai vợ chồng Ngọc cùng với đứa con trai năm nay đang học cấp 2, xây nhà ở ngõ Tân Lạc, Đại La, phường Trương Định (Hà Nội). Ngọc bắt đầu tập hợp đám bạn tù cũ hình thành nên một ổ nhóm gồm những tên côn đồ hung hãn chuyên đâm thuê, chém mướn, bảo kê nhà hàng, đòi nợ thuê...

 

Nhưng so với đám giang hồ đao búa, Ngọc không chỉ hơn chúng về võ nghệ, độ liều lĩnh mà còn hơn chúng về đầu óc tổ chức cũng như những thủ đoạn che đậy tội ác một cách tinh vi.

 

Thượng tá Vũ Hoàng Kiên cho biết, hầu hết trong các phi vụ, Ngọc luôn xuất hiện cách hiện trường ít nhất là 20 mét để điều khiển từ xa chứ không bao giờ có mặt tại chỗ. Ngọc cũng chẳng bao giờ chỉ huy theo kiểu hò hét, cổ vũ như: “Chúng mày đâm chết nó đi, tội vạ đâu anh chịu!” như các tên trùm khác mà chỉ ra lệnh ngầm cho đám đệ tử.

 

Thậm chí, Ngọc còn cảnh giác đến mức không ra lệnh cho đàn em qua điện thoại, mà chỉ nhắc nhở bằng những câu có nội dung chung chung, đại loại như: “Mày cứ làm như thế nhé”... Vì thế, trong rất nhiều vụ việc xảy ra, dù biết có bàn tay tổ chức, chỉ huy của Ngọc, nhưng việc chứng minh vai trò của y thực sự khó khăn.

 

Vụ đập phá ngôi nhà ở hồ Ba Mẫu của bà Nguyễn Thanh Bình là một ví dụ. Theo “đặt hàng” của Trần Việt Sơn, Giám đốc Công ty May mặc Việt Huy, Ngọc nhận sẽ phá tan tành nhà bà Bình với giá 150 triệu đồng.

 

Ngọc đã ra lệnh cho đàn em thực hiện việc này nhưng vào chính cái đêm mà đám đàn em của Ngọc đập nhà bà Bình thì Ngọc lại không đến tận nơi để trực tiếp chỉ huy. Đêm ấy, Ngọc ngồi ở cách xa khu vực nhà bà Bình một đoạn và giữ liên lạc với đàn em bằng điện thoại.

 

Một thủ đoạn tinh vi nữa của Ngọc, đó là khi các vụ việc đâm thuê chém mướn có nguy cơ bị bại lộ thì Ngọc bao giờ cũng có kế để thoát thân bằng cách bịt miệng người bị hại, không cho họ tố cáo với cơ quan pháp luật. Có hai cách bịt miệng thông thường nhất mà Ngọc hay áp dụng, đó là dùng tiền dưới danh nghĩa là bồi thường thiệt hại và dùng đám đệ tử đao búa để đe dọa người bị hại.

 

Có những người bị đám đệ tử của Ngọc đánh rất đau, thương tích nặng nhưng không dám hé răng khai báo với Cơ quan điều tra vì đã trót nhận tiền bồi thường của Ngọc. Cũng có những người uất ức không muốn nhận tiền bồi thường nhưng do bị đám đệ tử của Ngọc đe dọa nên cuối cùng cũng phải nhận và buộc phải... im lặng. Thậm chí, có những người bị hại ở gần nhà Ngọc, biết rõ tên tuổi, mặt mũi của Ngọc và đám đệ tử nhưng khi Cơ quan Công an đến yêu cầu khai báo, đưa ảnh đối tượng để nhận diện thì lại bảo không biết người này là ai.

 

Vụ Ngọc chỉ huy đám đệ tử bắt giữ người trái pháp luật tại tiệm cắt tóc gội đầu 61 Đại Cồ Việt là một ví dụ. Tiệm cắt tóc gội đầu thư giãn này do Đồng Thị Lan làm chủ và Ngọc làm bảo kê. Bản thân Lan không muốn Ngọc bảo kê tiệm mình nhưng không dám ho he vì chỉ cần bị trái ý, Ngọc sẽ cho đàn em đến quậy tưng bừng, hết đường làm ăn.

 

Số tiền bảo kê hằng tháng Ngọc không ra giá nhưng hầu như tháng nào Lan cũng phải chi cho Ngọc từ 2 đến 4 triệu đồng. Khi thì Ngọc điện thoại đến bảo sắp về quê giỗ cha, khi thì bảo sắp đi tiếp tế cho “em út” ở trại giam, lúc lại bảo có thằng đệ tử ốm cần tiền thăm nuôi... Cứ mỗi lần Ngọc điện thoại  nhắc nhở như thế, Lan lại phải bỏ phong bì từ 1 đến 2 triệu đồng, rồi sai người đem đến “cúng” cho Ngọc.

 

Đầu tháng 6/2006, một lần tiệm xảy ra xô xát với hai người khách, trong đó có một người tên là Lâm Trung Quân, trú tại Khu đô thị Trung Yên. Khi vào đây, anh Quân không hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên, lúc thanh toán tiền, anh Quân đã phàn nàn, rồi lời qua tiếng lại giữa chủ và khách xảy ra xô xát. Sau đó mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa. Một người bạn của anh Quân tên là Đạt trú tại phố Đội Cung đã đến đón anh Quân về.

 

Tình cờ mấy ngày sau, anh Đạt đến chơi với người bạn tên là Thắng nhà ở gần số 61 Đại Cồ Việt. Một số nhân viên ở đây đã nhận ra anh Đạt và báo cho Đồng Thị Lan. Lan lập tức gọi điện cho Ngọc và chỉ sau ít phút, Ngọc đã ra lệnh cho đám đệ tử kéo đến bắt cả anh Đạt lẫn anh Thắng lôi về cửa hàng 61.

 

Tại đây, đám đao búa này đã đánh đập hai người, bắt họ phải gọi điện thoại cho nhân vật chính là anh Lâm Minh Quân đến để bọn chúng “xử lý”. Do quá sợ hãi, họ đã phải làm theo. Khi anh Quân đến, chúng đã đánh đập anh rất dã man. Bọn chúng bắt 3 người khách này phải viết giấy với nội dung đã vào quán hút hít và quậy phá. 3 người này không viết nên bị chúng đánh đập tiếp.

 

Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng Cảnh sát 113 đến giải quyết nhưng khi thấy bóng công an bọn chúng đã ép họ lên tầng 2 rồi thả qua lối ban công xuống tầng 1. Sau đó, thấy nguy cơ bị bại lộ nên Ngọc đã cho đàn em đến đưa tiền cho người bị hại và ép họ không được trình báo.

 

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại cửa hàng 61 Đại Cồ Việt, bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Tạ Hồng Ngọc, Đồng Thị Lan, Phạm Xuân Vĩnh (bảo vệ quán) và ra lệnh truy nã đối với 2 kẻ là tay chân của Ngọc giữ vai trò tích cực trong vụ việc này là Trương Gia Trung (ở E3 Vĩnh Hồ) và Nguyễn Bá Hưng (ở ngõ 24 Ngọc Hà).

 

Đối với vụ phá nhà ở hồ Ba Mẫu, hiện Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 2 đối tượng và ra lệnh truy nã đối với Nguyễn Mạnh Hùng trú tại số 38, phố Mã Mây.

 

Như vậy, dù vỏ bọc của Ngọc có kín đáo và an toàn đến mấy, dù hành vi phạm tội của Ngọc có tinh vi đến mấy thì vẫn không qua được tầm kiểm soát của lực lượng cảnh sát điều tra.

 

Theo Đ.H

Công An Nhân Dân