1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vĩnh Phúc lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập 28 xã

Thế Kha

(Dân trí) - Vĩnh Phúc lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập, sắp xếp 28/136 xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới. Địa phương này dự kiến sẽ còn 121 đơn vị hành chính cấp xã.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố (Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên) yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Vĩnh Phúc lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập 28 xã - 1

Phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập xã ở Vĩnh Phúc (Ảnh: Thế Kha).

Đối tượng lấy ý kiến gồm cử tri ở các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập. Vĩnh Phúc yêu cầu tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp xã và niêm yết tại trụ sở UBND xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập…

"Việc lấy ý kiến được thực hiện theo đơn vị cấp xã. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố", văn bản nêu rõ.

Sở Nội vụ Vĩnh Phúc có trách nhiệm hoàn thành các quy trình, thủ tục liên quan trình cấp có thẩm quyền thông qua hồ sơ, đề án của tỉnh Vĩnh Phúc gửi Bộ Nội vụ trước ngày 30/4.

Như Dân trí thông tin trước đó, tháng 12/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo Bộ Nội vụ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 ở địa phương này.

Không có huyện nào thuộc diện sáp nhập nhưng Vĩnh Phúc đề xuất sắp xếp 28/136 xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới.

Vĩnh Phúc lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập 28 xã - 2

Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: UBND tỉnh Vĩnh Phúc).

Ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc dự kiến sáp nhập xã Tân Tiến và xã Đại Đồng thành xã mới mang tên Đồng Tiến; sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường thành xã Lý An; sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương thành xã Lương Điền; xã Vĩnh Ninh sáp nhập với xã Phú Đa thành xã mới Vĩnh Phú; sáp nhập 3 xã Việt Xuân, Bồ Sao, Cao Đại thành xã mới Mộ Chu.

Sáp nhập xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang, mang tên thị trấn Thổ Tang; xã Tam Phúc sáp nhập vào Thị trấn Vĩnh Tường, mang tên thị trấn Vĩnh Tường.

Huyện Yên Lạc sáp nhập xã Hồng Châu và xã Hồng Phương thành xã mới mang tên Hồng Châu.

Huyện Sông Lô sáp nhập xã Bạch Lưu và Hải Lựu thành xã Hải Lựu; sáp nhập xã Nhạo Sơn, xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Tam Sơn.

Huyện Lập Thạch sáp nhập xã Đình Chu và xã Triệu Đề thành xã Tây Sơn.

Huyện Tam Dương sáp nhập xã Vân Hội và Hợp Thịnh thành xã Hội Thịnh.

Thành phố Phúc Yên sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị thành phường mới tên là Hai Bà Trưng.

Nếu sắp xếp theo phương án trên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ còn 121 đơn vị hành chính cấp xã (88 xã, 15 phường và 18 thị trấn), giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên; năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Từ ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Ngày 1/8/2008, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về thuộc TP Hà Nội. 

Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.236 km2 (niên giám thống kê năm 2021), hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên).