1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vĩnh biệt ông Nguyễn Bá Thanh: Đời người đâu phải như gió qua!

(Dân trí) - Ông Nguyễn Bá Thanh đã qua đời. Nhạc sĩ họ Trịnh từng thở nhẹ triết lý “đời người như gió qua”. Nhưng với vị Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ấy, ngẫm lại đời người không như gió qua!

Con người tướng tá “như vâm”, phát biểu không nhìn văn tự, nói thì tưng tửng đúng kiểu Quảng - Đà mà nói tới đâu là “bắt đúng mạch, rà trúng đài”, dân nghe thấy “đã” tới đó, làm thì nhiều việc giải quyết “cái roẹt” ngay ấy... sẽ còn sống mãi trong lòng người dân Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Bá Thanh Thanh thăm hỏi sức khỏe các cán bộ cách mạng lão thành của Đà Nẵng
Ông Nguyễn Bá Thanh Thanh thăm hỏi sức khỏe các cán bộ cách mạng lão thành của Đà Nẵng

Nhiều việc giải quyết “cái roẹt”!

Chuyện ông Thanh Đà Nẵng - cái tên người ta vẫn gọi khi nói tới ông Nguyễn Bá Thanh - nói một lần khó hết. Có những câu chuyện “nho nhỏ” thôi nhưng cứ khiến người dân nhớ mãi.

Ông Thanh thăm đường hoa xuân Đà Nẵng trong dịp Tết Quý Tỵ 2013
Ông Thanh thăm đường hoa xuân Đà Nẵng trong dịp Tết Quý Tỵ 2013

Cách đây không lâu, chủ nhiệm một cơ sở dạy nghề thêu cho trẻ khuyết tật ở Sơn Trà, Đà Nẵng “bật mí” chữ Thanh trong tên cơ sở chính là cách mà chị nhắc nhở “ơn nghĩa” của ông Thanh với cơ sở. Năm này tháng nọ “trần ai” xin mở cơ sở không được, chị “đánh liều” tới gặp ông Thanh đề xuất ý tưởng, rứa là ảnh duyệt ngay. “Vì cô hỏi cái tên cơ sở có ý nghĩa gì thì tôi mới nói cô nghe. Chứ ảnh không có muốn chúng tôi kể lể chuyện ơn nghĩa của ảnh với cơ sở như vậy đâu” - chị nói.

Hay như cái lần có cô giáo  ở Đà Nẵng chuyển tôi gửi về Dân trí một bài viết về ông Thanh. Cô nói: “Cô gửi em bài này, em nói cô nịnh lãnh đạo cô cũng chịu mang tiếng. Nhưng cô phải viết ra, không phải để cảm ơn ổng không, mà là nói cái mong muốn làm sao có được nhiều ông “quan” như ông Thanh”.

Bài viết “Món quà niềm tin ngày khai giảng” của cô giáo Phạm Thị Phong đăng trên Dân trí viết: “Tôi sững người, không tin nổi vào tai mình. Trời ơi, tôi – một cô giáo bình thường ở một trường phổ thông bình thường, mà cũng được thành phố hỗ trợ cho số tiền không nhỏ là ba mươi triệu đồng để mua máy quay phim phục vụ việc hướng dẫn học sinh làm phim ư?”  khi nghe điện thoại từ Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố gọi cô đến nhận máy quay phim.

“Món quà” đến chỉ vài ngày sau khi cô trò gửi một lá đơn xin gửi thẳng nhà ông Thanh với niềm tin của cô học trò nhỏ: “Nhà em ở gần ngay nhà ông Thanh, nên hàng ngày vào lúc sáng sớm hay chập tối em vẫn thấy nhiều người dân đến nhà ông để xin giải quyết kiến nghị mà. Họ thường vẫn được ông tiếp đón và “giải quyết cái một” đấy cô”

Từ những việc nho nhỏ như thế, ông Thanh ghi dấu ấn trong lòng người Đà Nẵng khi ông đương chức “quan lớn” ở Đà thành. Có thể nói không ngoa, nhiều dân Đà Nẵng có thể “nở mày nở mặt” tự hào với “thành phố đáng sống” năng động, thay da đổi thịt, trở mình phát triển từng ngày ở miền Trung này một phần có công ông Thanh. Từ những công trình trọng điểm, cho đến những quyết sách xây dựng văn hóa, văn minh đô thị “bản sắc” Đà Nẵng phấn đấu  “5 không, 3 có”: không hộ đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không ma túy, không giết người cướp của - có nhà ở, có việc làm, có lối sống văn minh đô thị.

Nói tới đâu “bắt đúng mạch, rà trúng đài” tới đó

Cánh phóng viên báo, đài chúng tôi nhiều lần nói với nhau, làm tin hội họp mà có ông Thanh phát biểu là bài báo sinh động, bạn đọc quan tâm. “Độc” ở chỗ, nhiều khi ông chỉ cầm mảnh giấy con con  gạch ý đầu dòng lên phát biểu hàng giờ liền không nhìn văn tự, mà nói tới đâu là bắt đúng mạch, rà trúng đài. Dân nghe thấy “đã” với cái giọng tưng tửng dân dã đúng kiểu Quảng - Đà của ông.

Ông Thanh phát biểu chủ trì trong một cuộc họp tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng
Ông Thanh phát biểu chủ trì trong một cuộc họp tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng

Ông Thanh trong một chuyến thăm khu dân cư ở Đà Nẵng
Ông Thanh trong một chuyến thăm khu dân cư ở Đà Nẵng

Tại Hội nghị về xây dựng cơ bản hồi tháng 1/2013 ở Đà Nẵng, lĩnh vực mà ông Thanh cho là “tham nhũng nặng nề nhất”, ông Thanh “bắt mạch” đúng bệnh: “Ông móc nối với nhà thầu thi công rồi rủ nhau lấy tiền của Nhà nước ra tiêu. Nâng khống khối lượng, nói láo số lượng. Ít thì nói lên cho nhiều… Mấy con đường làm xong chưa được mấy bữa đã hỏng có lỗi của mấy ông giám sát thi công “ăn” vô rồi nhắm mắt làm ngơ…”. Rồi ông rút ruột rút gan “tiêm thuốc đề kháng” tham nhũng: “Tôi không mong muốn phải xử lý ai, nhưng có sai phạm thì tôi phải xử lý. Lúc đó có quen biết nhau thì cũng chịu. Đó là công vụ. Tôi tin ai cũng biết sợ luật pháp thì không xảy ra tiêu cực. Đừng có tham lam quá, đừng có liều mạng, làm gì cũng phải nghĩ tới gia đình, bà con chòm xóm… người ta nhìn vào”. 

Nói chuyện với  cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố Đà Nẵng, ông Thanh có câu nói "để đời" nói về bệnh không dám nhận trách nhiệm cá nhân: “Không biết sợi dây kinh nghiệm nó dài bao nhiêu mà rút hoài không thấy hết”. Ông khuyên cán bộ một câu, lấy hình ảnh ví von nghe thì cười mà ngẫm ra thấy đâu là đừng có như con cá heo làm xiếc, người ta cho ăn thì mới làm.

Nói chuyện với mấy ông chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ, ông Bí thư Thành ủy đọc bài thơ “Đôi dép” nói lên tình nghĩa vợ chồng: “Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao/ Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp/ Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác/ Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia/ (…)/Hai mảnh đời thầm lặng bước song song/ Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc/ Chỉ còn một là không còn gì hết/ Nếu không tìm được chiếc thứ hai”. Rồi ông đưa ra con số thống kê 80% trẻ bỏ nhà đi lang thang, hoặc phạm pháp có hoàn cảnh gia đình bố mẹ mâu thuẫn. Sau buổi đó, gần 100 “vũ phu” tự nguyện viết đơn cam kết không tái phạm hành vi bạo hành với vợ.

Nói chuyện với thanh thiếu niên “chậm tiến”, ông Thanh nói đạo lý: “Gặp nhau thì chào, làm gì sai thì xin lỗi, cho cái gì thì phải cảm ơn. Có ba cái chuyện bé tí mà nói miết làm cũng không được hỏi làm chi nên chuyện lớn”. Rồi ông răn: “Mình là con người, con người khác con vật ở chỗ có lý trí. Các em có lòng tự ái rất cao, điều đó tốt, nhưng cũng phải có lòng tự trọng, phải biết sống bằng đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình”. Rồi ông nói viễn cảnh nếu thanh thiếu niên hư tái phạm: “Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”. Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng còn tổ chức cho các thanh thiếu niên đi “tham quan” trại 05-06, trại giam Hòa Sơn “cho biết”.

Ông Nguyễn Bá Thanh đã trút hơi thở cuối cùng nhưng những câu nói của ông, những việc làm của ông sẽ còn mãi trong lòng người dân. “Không phải cái chi ông Thanh cũng tốt nhưng ổng nói được làm được là được” - nhân dân thừa nhận.

Đời người đâu phải như gió qua! Xin mượn chính câu dẫn của ông khi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố Đà Nẵng làm nén tâm nhang: “Sinh ra vốn dĩ là dân/ Phấn đấu dần dần cũng được thành quan/ Hết quan rồi lại hoàn dân/ Hoàn dân rồi lại dần dần vào quan…”.

 Thành lập Ban tổ chức Lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh

Ông Phan Đình Trạc - Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương - vừa ký Quyết định số 618/2015 về việc thành lập Ban Tổ chức Lễ tang cấp cao ông Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Theo đó, căn cứ vào Nghị định số 105/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức và ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Lễ tang cấp cao đối với ông Nguyễn Bá Thanh, Ban Nội chính Trung ương quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ tang cấp cao gồm 17 thành viên:

1. Ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - Trưởng Ban;

2. Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương - Ủy viên;

3. Ông Trần Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương - Ủy viên;

4. Ông Nguyễn Doãn Khánh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Ủy viên;

5. Ông Phạm Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Ủy viên;

6. Ông Lê Minh Trí -  Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - Ủy viên;

7. Ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng - Ủy viên;

8. Ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - Ủy viên;

9. Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng - Ủy viên;

10. Ông Huỳnh Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng - Ủy viên;

11. Ông Lê Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Ban Nội chính Trung ương - Ủy viên;

12. Ông Phan Văn Tâm - Vụ trưởng Vụ Địa phương, Thư ký Trưởng Ban Nội chính Trung ương - Ủy viên;

13. Ông Hồ Kỳ Minh - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng - Ủy viên;

14. Ông Lê Văn Toàn - Bí thư Huyện ủy huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng - Ủy viên;

15. Ông Trần Quốc Hùng - Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng - Ủy viên;

16. Ông Nguyễn Văn Toán - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng - Ủy viên;

17. Ông Nguyễn Bá Bình - đại diện gia đình - Ủy viên.

Theo Ban Nội chính Trung ương, lễ viếng bắt đầu từ 14 giờ 30 ngày 14/2/2015 (26 tháng 12 âm lịch) tại nhà riêng, số 189 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Lễ truy điệu từ 9 giờ 30 ngày 16/2/2015 (28 tháng 12 âm lịch). An táng tại nghĩa trang của gia tộc, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Thế Kha

Tâm An