Vĩnh biệt những mùa hoa anh túc!
(Dân trí) - “Bản làng ta ngày nay khác lắm rồi, đủ cái ăn, cái mặc, con ta được học hành, không ai muốn trồng cây thuốc phiện nữa mô” - Từ dưới chân núi Pù Puốc, già Lì Vá Sầu, trưởng bản Xà Lý, tự hào khoe với chúng tôi về cuộc sống mới ở nơi trước kia vẫn được xem là “đại bản doanh”, “thủ phủ” của cây thuốc phiện.
“Thủ phủ” một thời của hoa anh túc
Đã từ lâu, cổng trời Mường Lống, Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Na Loi (miền tây Nghệ An) được biết đến như là “thủ phủ” của hoa anh túc. Nơi đây một thời là chốn ngược xuôi qua lại của các “tay” buôn bán ma tuý.
Thời kỳ “cao điểm”, huyện Kỳ Sơn “dẫn đầu” cả nước về diện tích trồng cây thuốc phiện với gần 3.500ha. Khi đó, nhà nhà trồng thuốc phiện, người người buôn ma túy; các thế hệ người Mông, Thái, Khơ Mú từ bao đời vẫn coi cây thuốc phiện là “lộc trời” ban cho dân bản.
Không như cây sắn, cây ngô phải tốn công chăm sóc; cây thuốc phiện chỉ cần vãi một nắm hạt lên sườn núi, nó tự hít khí trời mà vươn lên, sinh sôi nảy nở; cuối năm chỉ cần mang gùi lên lấy nhựa. Ngày đó, khắp thung lũng đến đỉnh đồi, quanh con khe, con suối đâu đâu cũng thấy dáng cây thuốc phiện, đến nỗi hoa nở tím trời vùng biên.
Đến mùa lấy mủ, những ngọn đồi hoang vu tấp nập như một phiên chợ hội. Cũng chính lúc này, lái thương từ Vinh lên, Hà Nội vào, TPHCM ra… tất cả tập trung đến đây mua ma túy, “hàng” bày bán tràn lan như rau ngoài chợ.
Cùng với việc trồng cây anh túc, bán mủ thuốc phiện; đàn ông trong xã nghiện thuốc phiện là chuyện tất yếu. Khắp làng trên bản dưới, nhà nào cũng có vài rẫy anh túc, đàn ông ai cũng sắm một vài bộ bàn đèn, nhà cửa luôn nghi ngút khói; ma túy “nhà trồng được”, cớ gì không nghiện?
Ông Lô Văn Thiết - Chủ tịch xã Na Loi – nhớ lại: “Ngày đó xã chúng tôi gia đình nào cũng có người nghiện, quanh năm đàn ông chỉ có làm một việc duy nhất là chích mủ và châm đèn. Khi rảnh rỗi họ tụ tập nhau lại uống rượu, đánh bạc, thậm chí còn đánh đập vợ con, gây rối công cộng…”.
Nhưng thuốc phiện không giúp dân bản có được con chữ, các thế hệ người Mông, Thái, Khơ Mú lớn lên tự nhiên như cây anh túc, không được đến trường, khắp bản mường ai ai cũng sống trong cảnh lem luốc, lạc hậu, trần trụi,… Dân sống cuộc sống du canh, du cư, sau vài mùa thuốc phiện họ lại bỏ bản làng cũ đi tìm những ngọn đồi mới để phát rẫy, vãi mầm cây anh túc. Màu tím hoa anh túc cứ lan rộng mãi, tưởng không gì có thể ngăn nổi.
Ruộng lúa thay dần hoa anh túc
Trong ánh lửa bập bùng nơi rừng thiêng nước độc, già làng Vừ Chồng Cheo hả hê: “Cán bộ không biết đâu, từ khi vừa trồng thuốc phiện, vừa sống du canh du cư, người Mông ta như những con hươu, con hoẵng, lang thang khắp các cánh rừng tìm đất trồng thuốc phiện… Tiền bán thuốc thì nhiều thật nhưng bản ta lúc nào cũng đói”.
Năm 1995, nhà nước bắt đầu thực hiện chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, từ huyện đến xã đã thành lập ban chỉ đạo, hầu hết các trưởng bản, già làng đều được huyện mời đi vận động bà con dân bản xóa cây anh túc. Nhưng nhiều người vẫn đưa ra cái lý: “Ta trồng thuốc phiện để bán cho người Kinh mua làm thuốc mà, giờ mà nhổ đi thì ta lấy gì mà nuôi con, chúng ta nhất định không phá…”.
Với quyết tâm bằng mọi cách phải ngăn cản “cái chết trắng”, chính quyền địa phương phối hợp với Bộ đội biên phòng, cùng với sự vận động và gương mẫu của những già làng trưởng bản, cây thuốc phiện dần dần được bà con thay thế bằng những vườn mận tam hoa, những cánh đồng lúa nếp. Không đốt rẫy trồng thuốc phiện, đời sống của bà con dân bản cũng thay đổi nhiều hơn trước. Trên đỉnh Phù Đim nhìn xuống thung lũng Nậm Tăm, những ruộng lúa vàng óng ả báo hiệu mùa màng bội thu, những hecta chè Shan tuyết mầm xanh lú đụn những lá mơn mởn, những cánh rừng nguyên liệu xanh ngắt ngút ngàn đang thay thế dần những ngọn đồi lem luốc do bị đốt làm rẫy trước kia.
Con em Na Loi giờ đã được đến trường học cái chữ, đàn ông trong các bản không còn đắm chìm trong mùi hương hoa, khói thuốc nữa; họ đã biết sắm cày cuốc, chăm con trâu cho béo để trồng lúa nước; phụ nữ Mông, Khơ Mú không còn lên rừng cõng nhựa thuốc phiện, những chiếc khung cửi một thời bị lãng quên nay mang lại thu nhập cho tất cả các gia đình… “Nhờ Đảng, nhờ Bác Hồ mà dân bản ta được no ấm, không phải lang thang trồng thuốc phiện như xưa nữa”.
Bây giờ, cây anh túc cùng mùi hương chết người của nó chỉ còn lại trong kỷ niệm xưa của người dân Na Loi. Khắp nơi người ta hối nhau cách làm giàu từ lúa nước, trồng chè, trồng rừng.
Già Lì Vá Sầu, chia sẻ: “Cứ theo anh túc thì bản ta sẽ mai một mất hết giống nòi trong nay mai. Nhưng con chữ thì cũng chưa đủ, ta mong Nhà nước giúp con em chúng ta được ăn học nên người, không phải chui lủi như con hoẵng, con mang, luồn khắp rừng nữa”.
Na Loi mùa này hoa Píniệng nở tím rừng, hương thơm bay ngào ngạt, dưới thung lũng, những cánh đồng lúa vàng rộm hứa hẹn một mùa bội thu, khắp bản trên xóm dưới đâu đâu cũng vang tiếng hát tiếng khèn mừng vui no ấm…
Nguyễn Duy - Hà Nguyên