"Việt Nam sẽ triển khai đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2026-2027"
(Dân trí) - Việt Nam đang tập trung phát triển xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 1.500km với dự kiến triển khai sớm trước năm 2030, vào 2026-2027, theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Thông tin này được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đề cập trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC), chiều 25/6, tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).
CRSC là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới, xây dựng chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ thiết kế và R&D đến sản xuất thiết bị và dịch vụ kỹ thuật của hệ thống điều khiển vận tải đường sắt.
Nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác về kết nối giao thông, trong đó có kết nối đường sắt - một trong những chiến lược phát triển của Việt Nam.
"Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, là đối tác thương mại quan trọng của nhau nên cần đẩy mạnh hợp tác, kết nối giao thông", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Nhận định Trung Quốc có thế mạnh về phát triển đường sắt kết nối cả nước và đường sắt đô thị, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ mong muốn trao đổi, tìm cơ hội hợp tác để Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam trong thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, trong đó đặc biệt là phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội, tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng.
"3 tuyến đường sắt này dài hơn 700km, có vai trò đặc biệt quan trọng, do đó Việt Nam mong triển khai sớm các dự án", Thủ tướng chia sẻ, và nhấn mạnh Việt Nam cũng muốn đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị.
Ông Lâu Tề Lương khẳng định phát triển đường sắt là động lực lớn cho phát triển đất nước Trung Quốc.
Liên quan lĩnh vực giao thông đường sắt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CRSC nhấn mạnh nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng. Ông khẳng định Tập đoàn có thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), vì đây là đơn vị có lực lượng hùng hậu về phát triển đường sắt đô thị, nhất là mảng tín hiệu.
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển đường sắt của Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định đầu tư phát triển các dự án đường sắt là một trong những chiến lược quan trọng.
Theo ông, Việt Nam đang tập trung phát triển xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 1.500km với dự kiến triển khai sớm trước năm 2030, vào khoảng 2026-2027.
Việt Nam vì thế mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp của Trung Quốc về xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, về đầu máy toa xe và tín hiệu.
"Đây là 3 cấu phần quan trọng nhất của các tuyến đường sắt, kể cả đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị", ông Thắng nhấn mạnh.
Trong xây dựng đường sắt cao tốc, Tư lệnh ngành giao thông nhấn mạnh thông tin tín hiệu là quan trọng nhất vì liên quan vấn đề an toàn. "Tai nạn tàu cao tốc hay đường sắt cao tốc ở một số quốc gia chủ yếu là do thông tin tín hiệu có vấn đề, nên chúng tôi đặc biệt quan tâm vấn đề này", ông Thắng tái khẳng định.
Bên cạnh đó, ông cho biết Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo quyết liệt xây dựng các hệ thống đường sắt đô thị và metro tại Hà Nội và TPHCM, đây là dư địa lớn cho hợp tác giữa hai bên.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc đang chỉ đạo 3 dự án đường sắt kết nối hai nước nên Bộ trưởng GTVT kỳ vọng hai bên có thể bắt tay hợp tác làm tuyến đường sắt đầu tiên vào giữa năm 2025, đó là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ông Thắng cũng gợi mở định hướng hợp tác trong việc xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối từ cảng biển lên các khu công nghiệp, khu kinh tế và từ các khu kinh tế kết nối sân bay, cửa khẩu, vì đây là những dự án có hiệu quả kinh tế cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành ý kiến của doanh nghiệp về sự cần thiết quản lý đường sắt bằng công nghệ số.
Chia sẻ thực tế đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án đường sắt ở Việt Nam đang gặp khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh muốn phát triển ngành công nghiệp đường sắt, phải có nguồn nhân lực.
Vì thế, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về đào tạo nguồn nhân lực. "Điều này rất quan trọng vì không có con người, không có chuyển giao công nghệ. Chúng ta cần lực lượng về con người đi trước một bước, rồi mới chuyển giao công nghệ, thiết kế, vận hành, khai thác…", Thủ tướng nói.
Ông đề nghị lãnh đạo Tập đoàn CRSC sang Việt Nam trao đổi cụ thể với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xúc tiến các dự án, góp phần hiện thực hóa thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hoài Thu (Từ Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc)